Hà Nội

Tranh luận kịch liệt về tamiflu

09-06-2014 15:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Ngay từ 2009, tờ chuyên san y khoa hàng đầu thế giới Bristish Medical Journaly (BMJ) đăng tải một số nghiên cứu nghi ngờ hiệu quả của tamiflu.

Dự luận thế giới mấy ngày qua trở nên rất sôi động vì thông báo của The Corchrane Collaboration (một tổ chức hoạt động công ích nhằm giúp công luận tiếp cận những kiến thức y học) phủ nhận hiệu quả chống cúm của tamiflu do Roche công bố trước đây. Nhưng thực ra, sự việc bắt đầu ngay từ năm 2009, thông báo trong cuộc họp báo mới đây chỉ là nút thắt cuối cùng.

Kết luận của The Cochrane Collaboration

Ngay từ 2009, tờ chuyên san y khoa hàng đầu thế giới Bristish Medical Journaly (BMJ) đăng tải một số nghiên cứu nghi ngờ hiệu quả của tamiflu. Tương tự, trong bài viết trên báo mạng Slate, bác sĩ Jean-Yves Nau (Pháp) cho hay: “Bác sĩ các bệnh viện Pháp ghi nhận có điều không bình thường: nhiều trường hợp virut cúm “bỗng nhiên” kháng tamiflu dù nó có tần suất dùng rất thấp, phải chăng do thuốc không có tác dụng”.

Hiệu quả thực sự của thuốc chống cúm tamiflu hiện vẫn đang gây nhiều tranh cãi.

Mới đây, The Cochrane Collaboration tổ chức họp báo công bố: tamiflu chỉ rút ngắn các triệu chứng cúm từ 7 ngày xuống 6,3 ngày ở người lớn và xuống 5,8 ngày ở trẻ em nhưng không chắc chắn (chỉ chênh lệch nửa ngày đến hơn một ngày so với nhóm không dùng thuốc), không có bằng chứng về giảm số người nhập viện, không có bằng chứng về chống lây lan dịch, cũng không có bằng chứng về việc ngăn ngừa các biến chứng viêm phổi viêm phế quản. Tương tự, nghiên cứu của Trường đại học Oxford, Anh tuyên bố: Hãng Roche đã “gây ấn tượng giả tạo” về hiệu quả của tamiflu, cáo buộc hãng này “cẩu thả trong nghiên cứu khoa học”. TS. Carl Henegen, giảng viên về y học thực chứng tại Đại học Oxford, cho biết: “Thuốc này đã được cấp cho 240.000 người với 1.000 người mỗi tuần qua đường dây nóng, nhưng không làm giảm triệu chứng bệnh hơn các thuốc không kê đơn khác, không biết chúng có thể gây nên những tai biến biến nghiêm trọng gì không?”.

Mặc dù trước đây hãng Roche từng công bố: Tamiflu có cấu trúc đặc biệt nên “giả dạng” cơ chất tự nhiên enzym Neuraminidase (N), gắn khít vào vị trí hoạt động, ức chế enzym này, ngăn không cho chúng tách cặn acid sialic trên các thụ thể của tế bào ký chủ, qua đó ngăn sự lây nhiễm virion sang ký chủ mới. Trong dự phòng, ngăn chặn sự lây nhiễm cúm trong gia đình, cộng đồng với hiệu lực bảo vệ cho cả hộ là 58% và cho các cá thể là 68%. Trong điều trị, rút ngắn thời gian điều trị trung bình 1,38 ngày ở người lớn và 1,4 ngày ở trẻ em so với khi không dùng thuốc; làm giảm tiết dịch ở đường hô hấp, tránh chuyển sang biến chứng. Tuy nhiên, cũng theo Roche, tamiflu chỉ có hiệu quả với cúm A chưa có biến chứng, không có hiệu quả với cúm A biến chứng, đưa ra khuyến nghị phải dùng sớm trong vòng 4 - 8 giờ kể từ khi bệnh khởi phát.

Kết luận của The Cochrane Collaboration hầu như đã phủ định hoàn toàn những công bố của Roche, nói trần trụi là tamiflu không có gì khác hơn giả dược.

Về tác dụng gây hại của thuốc:

Theo The Cochrane Collaboratio, số liệu từ 20 thử nghiệm cho thấy tamiflu có thể khiến cho một số người không sản sinh ra đủ lượng kháng thể để chống lại bệnh. TS. Tom Jefferson, chuyên gia dịch tễ của tổ chức này, nói rõ: “Thuốc có độc tính, gây nôn và buồn nôn ở người lớn, ở trẻ em; gây hại thận (tỷ lệ 1/150), làm tăng đường huyết, đặc biệt làm tăng nguy cơ bị trầm cảm loạn thần; tại Nhật đã có 8 trẻ em tự tử sau khi dùng thuốc”.

Trước đây, hãng Roche chỉ công bố: Có khoảng 9% người dùng bị buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, nhức đầu chóng mặt; có trường hợp bị co thắt phế quản, hay xảy ra ở người bị bệnh hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; chưa có đầy đủ dữ liệu về tính an toàn với thai... Kết luận của The Cochrane Collaboration đã chứng tỏ hãng Roche đã không công bố đầy đủ các tác dụng không mong muốn.

Những phản ứng từ Roche

Hãng Roche tuyên bố: “Về cơ bản, không nhất trí” với những kết quả nghiên cứu mới nhất của The Cochrane Collaboratio. TS. Daniel Thurley, Giám đốc y học của Roche tại Anh nói: “Chúng tôi không đồng ý với những kết luận chung của Cochrane. Phương pháp báo cáo của Cochrane không rõ ràng, không xác đáng, các kết luận đưa ra có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Roche cam kết “bảo đảm chất lượng và tính thống nhất của các dữ liệu đã công bố, điều được thể hiện trong các quyết định của 100 cơ quan quản lý trên khắp thế giới”. Cũng có chuyên gia như Bruno Lina thuộc Trung tâm Nghiên cứu cúm quốc gia Pháp tỏ ý kiến bênh vực hãng Roche: “Tuy chưa có thử nghiệm lâm sàng thật sự chứng minh công dụng trong trường hợp cúm nặng nhưng năm 2009, Nhật đã chủ trương cho dùng thuốc này hàng loạt và cũng là nước có tỷ lệ tử vong về cúm A/H1N1 thấp nhất”. Về mặt quản lý, Bộ Y tế Anh cho rằng, tamiflu có “hồ sơ đã được chứng minh” về chất lượng, hiệu quả, độ an toàn, nhưng cũng cho biết cơ quan này sẽ xem xét “kỹ càng” tổng kết nghiên cứu mới nhất của Cochrane.

Lời kết

The Cochrane Collaboration là một tổ chức phi lợi nhuận với khoảng 30.000 cộng tác viên đến từ hơn 120 quốc gia, chuyên tiến hành thu thập, đánh giá các thông tin y tế. Tổ chức này không nhận tài trợ quảng cáo, không có xung đột lợi ích với bên nào. Mặc dù có phản ứng khá mạnh mẽ, nhưng cho đến nay, Roche vẫn chưa đưa ra các bằng chứng khoa học thuyết phục để gạt bỏ các kết luận của The Cochrane Collaboration. Cuộc tranh luận hẳn sẽ còn kéo dài cho đến khi có những kết quả nghiên cứu xác đáng sau này.

(Theo công bố của The Cochrane Collaboratio, Roche, WHO)

DSCKII. Hà Thủy

 


Ý kiến của bạn