Tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh được hồi sinh

13-11-2012 11:23 | Văn hóa – Giải trí

Suốt cuộc đời làm nghệ thuật, danh họa Nguyễn Phan Chánh để lại một sự nghiệp đồ sộ với khoảng gần 170 tác phẩm tranh trong đó phần lớn là tranh lụa.

(SKDS) - Suốt cuộc đời làm nghệ thuật, danh họa Nguyễn Phan Chánh để lại một sự nghiệp đồ sộ với khoảng gần 170 tác phẩm tranh trong đó phần lớn là tranh lụa. Song cho đến nay, nhiều bức đã bị thời gian tàn phá. May mắn thay, nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia Nhật Bản trong một dự án mang tên “Phục hồi và triển lãm tranh lụa Nguyễn Phan Chánh” mà kho di sản quý báu này đang được hồi sinh.

Tên tuổi Nguyễn Phan Chánh luôn được những người say mê hội họa Việt Nam nhắc đến với một niềm cảm phục và sự trân trọng đặc biệt. Ông là người mở đường, người đầu tiên mang vinh quang về cho tranh lụa Việt Nam. Với những gam màu đặc trưng của vùng quê Việt Nam như nâu, xám nhấn chút nền vàng đất nhẹ và cách vẽ kỹ càng từng nét nhỏ tóc, tai, mắt, mũi song mang tính ước lệ lớn về hình họa, không có lớp lang trước sau, tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh mang một phong cách riêng, không lẫn với tranh lụa Trung Quốc hay Nhật Bản.
 
Có thể nói không ngoa rằng bắt đầu từ ông, tranh lụa Việt Nam được biết đến như một ngôn ngữ mới, khác hẳn với nghệ thuật tranh lụa truyền thống Á châu. Chính nhờ điều này mà những bức tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh đã gây được tiếng vang lớn ở nhiều triển lãm mỹ thuật quốc tế trong những năm 30 của thế kỷ trước.

Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh là người đang giữ kỷ lục về số tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Một phần khá lớn tác phẩm còn lại đang được gia đình họa sĩ cất giữ. Mặc dù được đánh giá là một mảng di sản nghệ thuật đặc sắc, có giá trị lớn của dân tộc song trải qua thời kỳ chiến tranh lâu dài trong điều kiện bảo quản còn hạn chế và khí hậu khắc nghiệt với độ ẩm cao nên nhiều bức tranh của Nguyễn Phan Chánh đang được lưu giữ tại bảo tàng và gia đình đã bị hư hại nặng nề.

Năm 2001, trong một lần sang Việt Nam công tác, giáo sư Tsutomu Nakamura – một chuyên gia về hội họa của Nhật Bản đã tình cờ nhìn thấy tranh của Nguyễn Phan Chánh in trên một cuốn lịch. Ông ngay lập tức bị những bức tranh này mê hoặc. Nakamura quyết tâm tìm đến gia đình Nguyễn Phan Chánh để xem tranh. Khi nhìn thấy những bức tranh đã bị hỏng rất nặng, ông rất tiếc và cảm thấy cần phải giữ gìn những tác phẩm độc đáo này trước khi nó tan ra từng mảnh. Bắt đầu từ đấy, công cuộc phục chế di sản tranh lụa Nguyễn Phan Chánh được tiến hành triển khai.

Tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh được hồi sinh 1
Xembói - tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh vẽ năm 929. Ảnh: ST
Đầu tiên là ba bức tranh Cô gái cưỡi bò qua sông vẽ năm 1967, Hun Thuyền Đón củi vẽ năm 1938. Cả ba bức này trước khi phục chế đều trong tình trạng mục, nát. Chỉ còn lại từng mảnh lụa nhỏ. “Khó khăn lớn nhất trong việc phục chế các bức tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh chính là gỡ bỏ lớp giấy xi măng, những mảnh lụa gần như tan ra và tôi đã cố gắng thu thập những mảnh còn sót lại rồi lắp ghép từng mảnh một” - bà Kikuko Iwai, Giám đốc Học viện Phục chế nghệ thuật Iwai - người nổi tiếng trong làng mỹ thuật thế giới với việc phục chế thành công các bức họa của Picasso cho biết.
 
Sau hơn 1 năm cần mẫn tỉ mỉ làm việc, từng mảng màu, từng gương mặt trong tranh Nguyễn Phan Chánh đã được các chuyên gia phục chế Nhật Bản làm hồi sinh. Điều đặc biệt là toàn bộ chi phí cho công việc này đều được hỗ trợ hoàn toàn từ những người bạn Nhật Bản yêu tranh lụa Nguyễn Phan Chánh.

3 bức tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh sau khi được phục chế thành công đã được triển lãm tại Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Tokyo. Điều không ngờ đến của cả các chuyên gia phục chế Nhật Bản cũng như giới hội họa Việt Nam là chỉ trong một thời gian ngắn đã có tới hơn 40.000 lượt người tìm đến bảo tàng để được tận mắt nhìn thấy 3 bức tranh này. Điều đó cho thấy sức hút của dòng tranh lụa với người yêu nghệ thuật, đồng thời khẳng định tên tuổi của Nguyễn Phan Chánh trong làng mỹ thuật châu Á.

Tiếp nối thành công trên, mới đây, được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đoàn chuyên gia Nhật Bản đã cùng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ký Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác trong “Dự án phục hồi và triển lãm tranh lụa Nguyễn Phan Chánh”. Dự án này không chỉ có ý nghĩa làm hồi sinh di sản tranh lụa của Việt Nam đã từng được giới mỹ thuật quốc tế đánh giá cao mà còn mang đến nhiều suy ngẫm cho những người yêu tranh lụa khi dòng tranh này không còn được nhiều họa sĩ ngày nay theo đuổi nữa.   

Huyền Thanh


Ý kiến của bạn