Nhắc đến tranh khắc gỗ, người trong giới sẽ nhớ ngay về thời hoàng kim của dòng nghệ thuật này với những dấu ấn của nhiều họa sĩ tài năng: Trần Nguyên Đán, Đỗ Đức, Mai Khanh, Nguyễn Quang Tuyến, Lê Quốc Việt, Vũ Đình Tuấn, Hoàng Minh Phúc, Lý Trần Quỳnh Giang... Tiếc là giai đoạn phát triển của tranh khắc gỗ không dài hơi như những nhánh nghệ thuật khác của hội họa. “Đứt đoạn” khá lâu, đến nay, tranh khắc gỗ đang đứng trước nguy cơ không thể cứu vãn.
Là một trong những loại hình “cổ kính” nhất trong các thể loại tranh in Việt Nam, tranh khắc gỗ quý và “đắt” bởi quy trình tạo ra nó rất cầu kỳ, tác giả đôi khi phải đóng 2 vai cùng lúc, vừa là nghệ sĩ vừa là nghệ nhân. Để thực hiện một bức tranh khắc gỗ truyền thống, thông thường, gỗ được cắt thành một mảnh dày từ 2 - 10cm. Mảnh gỗ được bào, mài và làm nhẵn cho đến khi bề mặt hoàn toàn phẳng có thể được phủ một lớp nền, thường là một lớp phấn trắng mỏng. Theo thông lệ, bản vẽ của nghệ sĩ được mang đặt lên lớp phấn này rồi dùng nhiều loại dao cắt theo các đường vẽ trước. Người ta không cắt thẳng đứng mà cắt hai lần, một lần cắt nghiên từ đường vẽ ra ngoài và một lần nghiên ngược lại rồi tách dăm bào ra.
![]() Tranh khắc gỗ thuần túy hiếm khi có dịp xuất hiện tại những cuộc triển lãm hội họa. |
Dễ hiểu vì sao dòng tranh khắc gỗ một thời hoàng kim lại “đứt đoạn” khi xã hội bước vào cuộc chuyển mình lịch sử, cuộc sống số hóa, con người “số hóa”, nghệ thuật cũng số hóa theo. “Tiên đoán” được tương lai của tranh khắc gỗ truyền thống, một số ý kiến trong giới cho rằng, nếu dòng tranh này muốn hiện diện rõ nét trong đời sống văn hóa đương đại thì phải cần đến tổng lực của những sự cố gắng không ngừng nghỉ, nhất là trong thời đại mà các giá trị lai căng đang đe dọa văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc.
Khó khăn ở chỗ, không thuộc quyền sở hữu riêng của Việt Nam, dòng tranh khắc gỗ còn nổi danh ở những nước có nền hội họa phát triển như Nhật Bản, Trung Quốc và châu Âu... Họ đã và đang làm tốt công việc dung hòa những yếu tố truyền thống trong đời sống “số hóa”, thế nên tranh khắc gỗ của ta trong hoàn cảnh này mà cạnh tranh với thị trường rộng lớn bên ngoài thì không khác gì “trứng chọi đá”.
Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, không dám mơ tới chuyện cạnh tranh với thị trường nghệ thuật nước ngoài, nỗi buồn càng trở nên “chồng chất” khi mà người làm tranh khắc gỗ chuyên nghiệp của Việt Nam ngày càng ít đi, thậm chí chỉ đếm trên đầu ngón tay, những sản phẩm làm ra lại chủ yếu phục vụ du khách nước ngoài muốn tìm kiếm sự mới lạ. Sự khan hiếm của gỗ, chất liệu chính làm tranh cũng là một trở ngại để tranh khắc gỗ giữ được bản chất. Thực tế cũng cho thấy rất ít họa sĩ, nghệ nhân tranh khắc gỗ gìn giữ được nguồn cảm xúc, cảm hứng để đi đến tận cùng tác phẩm. Điều này cũng bởi để hoàn thành một tác phẩm tranh khắc gỗ hoàn chỉnh phải qua rất nhiều công đoạn và phải vận dụng sự khéo léo của nghệ thuật thủ công - một thử thách lớn cho những ai thiếu sự kiên trì, bền bỉ.
Dẫu sao tranh khắc gỗ truyền thống cũng có những dấu hiệu được cho là dễ hòa nhập với thời đại. Sự tương đồng giữa tranh khắc gỗ truyền thống với tranh đồ họa thời thượng chính là việc sử dụng yếu tố mảng và nét. Nói cách khác, ngoài những quy trình phức tạp kể trên, tranh khắc gỗ lại thể hiện sự tối giản vô cùng hiện đại, vì thế, việc áp dụng công nghệ mới vào tranh khắc gỗ cũng dễ dàng hơn, vấn đề là mức độ “cởi mở” của bản thân người nghệ sĩ và khán giả, họ chấp nhận hay không với dòng tranh khắc gỗ thế hệ mới.
Ở Việt Nam, thời gian qua lác đác những cuộc triển lãm tranh khắc gỗ với mong muốn phát triển thể loại tranh in này lên một bước mới, hiện đại và bắt nhịp với tranh in thế giới, cũng ít nhiều góp phần thay đổi quan niệm về dòng tranh này. Bên cạnh những chất liệu truyền thống, những dây sợi, thanh kim loại, đèn LED, vải... cũng được các họa sĩ mang vào tác phẩm của họ. Qua đó, người xem có cơ hội tiếp cận với tranh khắc gỗ mới ở các khía cạnh kỹ thuật, chất liệu, hình thức trình bày cũng như quan niệm nghệ thuật. Người yêu nghệ thuật hiểu rằng, dòng tranh khắc gỗ truyền thống hay tranh khắc gỗ hiện đại dù khác nhau về cách thể hiện nhưng giá trị thẩm mỹ gần như không thay đổi. Chấp nhận nhiều bút pháp, nhiều luồng ý tưởng,
tranh khắc gỗ đã mở rộng ra thế giới cảm quan của con người, xuất hiện ở các chương trình nghệ thuật sắp đặt, trình diễn, trở nên gần gũi với công chúng hơn... Tuy nhiên, sự xuất hiện quá đỗi bất ngờ của tranh khắc gỗ trong cuộc sống hiện đại khiến người xem “hiểu nhầm”, họ nghĩ đó là đỉnh cao của nghệ thuật... sắp đặt hoặc một sự sáng tạo đột phá trong... kiến trúc!