Tranh “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ”- Một bảo vật quốc gia

03-02-2014 11:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Cách đây không lâu, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm 90 năm ngày sinh của cố danh họa Nguyễn Sáng (1923 - 2013) và đã thêm một lần đánh giá cao sự cống hiến to lớn của họa sĩ đối với nền hội họa cách mạng nước nhà.

Cách đây không lâu, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm 90 năm ngày sinh của cố danh họa Nguyễn Sáng (1923 - 2013) và đã thêm một lần đánh giá cao sự cống hiến to lớn của họa sĩ đối với nền hội họa cách mạng nước nhà. Đồng thời, cũng vào thời gian này, những ký ức sau 25 năm danh họa Nguyễn Sáng đi vào cõi vĩnh hằng đã trở về với cảm xúc còn nóng hổi như ngày nào...

Và ai cũng đều nhớ đến những bức tranh mà họa sĩ đã vẽ từ căn phòng nhỏ của ngôi nhà này. Đặc biệt là tác phẩm Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ mà ông vẽ năm 1963 đã được đánh giá là kiệt tác của nền hội họa cách mạng ở nước ta. Đây là bức tranh sơn mài có khổ rộng (112cm x 80cm), hiện đang bày ở Bảo tàng Mỹ thuật và được coi là sự khám phá mới lạ về chất liệu sơn mài truyền thống khi thể hiện đề tài lịch sử hiện đại.

Tác phẩm Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ.

Ai cũng rõ, từ lâu, thể loại tranh sơn mài ở nước ta thường chỉ miêu tả thiên nhiên, cảnh trí thơ mộng huyền ảo. Ngay cả danh họa Nguyễn Gia Trí, người tiên phong đi sâu vào nghệ thuật tranh sơn mài cũng nổi tiếng ở những đề tài mang yếu tố văn hóa dân gian truyền thống với những ánh sáng thần tiên qua hình tượng người phụ nữ và hoa. Nhưng đến Nguyễn Sáng, sơn mài đã được thể hiện với một ngôn ngữ khác, cùng với đề tài mới, hiện thực và đầy ám ảnh.

Đặc biệt, khi phản ánh những hình tượng về đề tài lịch sử hay chiến tranh cách mạng, sơn mài của Nguyễn Sáng trở nên sống động và nồng nhiệt, mang hơi thở của thời đại với phong cách mới lạ.

Riêng tác phẩm Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ được họa sĩ Nguyễn Sáng nung nấu suốt gần chục năm trời sau khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954 trở về. Bức tranh đã hình thành sau một quá trình thể hiện ở những tác phẩm vẽ về chiến tranh như Giặc đốt làng tôi (Sơn dầu), Bộ đội trú mưa (Sơn mài) hay Chợ Bo đẫm máu hoặc Tình quân dân... Dường như tác giả vẫn còn đầy ắp hiện thực sau 9 năm tham gia kháng chiến nên đề tài về cách mạng quả là hết sức phong phú và hình thành trục cảm xúc sâu sắc nhất trong trái tim Nguyễn Sáng.

Vẽ về cuộc chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu, ông đã tìm đến những hình tượng biểu hiện sâu sắc hơn khi hướng tới tính bi tráng của cuộc chiến. Đó là hình tượng thể hiện sự hào hùng của lịch sử để nói lên bản chất sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân nằm ở đâu. Và đề tài Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ là một sự bất ngờ và là sự thăng hoa của một tài năng hội họa lớn của nước nhà. Và đặc biệt hơn nữa khi họa sĩ Nguyễn Sáng thể hiện tác phẩm ở chất liệu sơn mài. Chọn con đường sáng tạo, đề tài chiến tranh cách mạng trên một chất liệu truyền thống là một sự táo bạo không mấy ai dám thử nghiệm.

Nói vậy có lẽ chưa hết được nét mới lạ của họa sĩ Nguyễn Sáng lúc đó. Ta có thể khảo sát chi tiết về hình tượng nghệ thuật của bức tranh trong bố cục đặc sắc của nó khi thể hiện lại một thời khắc hào hùng của những chiến sĩ Điện Biên ngay tại trận địa. Bức tranh gồm có 8 nhân vật. Đó là 8 chiến sĩ còn nóng bỏng khói lửa chiến tranh ở ngay bên chiến hào. Họ đang sống trong thời khắc vinh quang nhất của những người anh hùng khi được đứng vào trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản vĩ đại.

Điểm nhấn của bức tranh ở giữa là hình tượng 3 chiến sĩ, trong đó có một người quấn băng cứu thương trên đầu, trên tay cầm súng. Bên phải là 2 chiến sĩ đang bắt tay. Đó chính là hình ảnh của một lời thề cùng nhau quyết chiến thắng kẻ thù. Và đó cũng là một lời nguyện hy sinh cho Tổ quốc để giành lại độc lập cho dân tộc. Cùng với đó, bên trái là hình ảnh một chiến sĩ đang dìu đồng đội bị thương, dự lễ kết nạp đảng viên của người đứng cùng chiến hào. Còn ở phía xa và mang dấu ấn chiều sâu của tác phẩm là hình tượng người chiến sĩ đang tiếp tục đi ra mặt trận, chắc tay súng và hành quân trên con đường chiến thắng. Bố cục bức tranh gọn gàng, sống động với khí thế hào hùng, nóng bỏng của đạn bom.

Tác phẩm đã truyền đạt một không khí chân thực, sâu sắc về tư tưởng anh hùng ca, trong những mảng màu giản dị nhất của chất liệu sơn mài. Chỉ với 3 màu chính  là đỏ, trắng, vàng, thoáng pha chút xanh lá cây nhưng lại nổi bật sức sống trên nền màu nóng phù hợp với chất sử thi và không kém phần lãng mạn.

Sinh thời, chính vì những thành công về những tác phẩm hiện đại, hiện thực lịch sử trên chất liệu sơn mài truyền thống mà họa sĩ Nguyễn Sáng được tôn vinh là bậc thầy trong hội họa và người mở đầu cho trào lưu sáng tạo mỹ thuật hiện đại trên nền tảng nghệ thuật của ông cha để lại. Chính vì sự ảnh hưởng sâu sắc của ông mà nhiều học trò đã đi theo phong cách nghệ thuật tân tiến đó, đồng thời không ít tác phẩm của ông đã bị sao chép trên thị trường tranh trong nước và quốc tế, thậm chí có tác phẩm của ông như Vũ trụ đã từng được một nhà sưu tập của Mỹ trả tới 1 triệu đô. Vào thập niên 70, họa sĩ Nguyễn Sáng được xếp hạng dẫn đầu trong bộ tứ thứ hai của làng hội họa Việt Nam với câu vinh danh: “Nhất Sáng, nhì Liên, tam Nghiêm, tứ Phái”.

Ấy là còn chưa kể trong kháng chiến ông còn là họa sĩ đầu tiên được phân công vẽ mẫu tem và tiền cho Nhà nước ta. Riêng bộ tem đầu tiên của nước ta, họa sĩ đã vẽ hình tượng Bác Hồ, hiện nay đã trở thành tác phẩm quý hiếm trên thị trường tem trong nước và quốc tế. Cùng với đó là hàng trăm bức tranh cổ động trong công tác tuyên truyền và vận động cách mạng của Nguyễn Sáng cũng thể hiện sự sáng tạo hết sức đặc sắc đối với những đề tài lịch sử và kháng chiến dân tộc.

Cũng chính vì tài năng sáng chói và những đóng góp của ông cho nền hội họa cách mạng mà sau khi mất, ông đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt đầu tiên (1996). Giải thưởng đã trao cho 5 tác phẩm gồm 2 bức tranh sơn dầu và 3 bức tranh sơn mài. Đồng thời mới đây, các tác phẩm của Nguyễn Sáng còn được xếp vào hạng mục Bảo vật quốc gia, trong đó, tác phẩm Kết nạp Đảng ở Điện Biên được đánh giá cao nhất và là điển hình cho một sự nghiệp hội họa hơn 40 năm sáng tạo mang tên Nguyễn Sáng.          

  Lưu Kường

 


Ý kiến của bạn