Nếu như tranh khắc gỗ, tranh kí họa bút sắt, tranh dân gian,... đều đang chật vật với muôn vàn khó khăn để khẳng định chỗ đứng trong làng mỹ thuật Việt Nam thì tranh gốm thời gian gần đây đang có một sự trở lại mạnh mẽ bằng cách xuất hiện nhiều trên thị trường. Tuy nhiên, giá trị hội họa của tranh gốm hiện nay không cao, nếu không muốn nói là đang bị “xem nhẹ”.
“Chà đạp” tác phẩm nghệ thuật
Sự trở lại mạnh mẽ nhất của tranh gốm thời gian qua có lẽ là tác phẩm con đường gốm sứ ven sông Hồng. Đây là công trình nghệ thuật chào đón đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Công trình từng nhận được giải thưởng “Bùi Xuân Phái - vì tình yêu Hà Nội” năm 2008 và được tổ chức Guiness công nhận đây là bức tranh gốm dài nhất thế giới với chiều dài gần 3.950m, diện tích 7.000m2.
Kho tàng dân gian luôn là mảng đề tài vô tận trong tạo hình tranh gốm, tiếc rằng người làm tranh hiện nay quên mất điều đó.
Bức tranh gốm đường phố xuất hiện không chỉ mag đến niềm vui cho những người thưởng ngoạn, mà còn thắp lên tia hy vọng cho những người làm nghề, đặc biệt là giới họa sĩ lâu nay vẫn nuôi dưỡng niềm đam mê với dòng tranh mang linh hồn và vẻ đẹp từ đất. Thế mà niềm hy vọng ấy đã bị “sứt mẻ” ít nhiều khi mà công chúng dường như không thể bảo vệ được tác phẩm của họ. Ngoài sự xuống cấp do bong tróc, sứt mẻ các mảnh gốm ra thì toàn cảnh chiều dài của bức tranh gốm sứ, hằng ngày vẫn bị “chà đạp” bởi hàng trăm người vô ý thức khi họ coi tác phẩm gốm sứ là “nhà vệ sinh công cộng”.
Quên mất yếu tố truyền thống
Câu chuyện bi thảm của bức tranh gốm kỉ lục chỉ là một trích đoạn của bản “trường ca” buồn về tranh gốm Việt nói chung. Vì sao người ta nỡ đối xử tàn tệ với tranh gốm? Người trong giới đã từng làm những cuộc khảo sát “không lấy gì làm vui vẻ”.
Tại làng Phù Lãng, không khí ẩm ướt và u uất dường như đã bao phủ cuộc sống của người dân nơi đây trong một thời gian dài. Từ khi cơ chế thị trường bung ra, làng nghề truyền thống Phù Lãng với hơn 400 hộ làm nghề đã nhiều lần rơi vào trạng thái “hụt hơi”. Các nghệ nhân cao tuổi của làng nay đã dần về theo tổ tiên, nghề gốm Phù Lãng cũng vì thế mà mai một. Số hộ còn bám trụ thì chỉ sản xuất các mặt hàng đơn điệu chum, vại, vò, ấm sắc thuốc, tiểu sành… Riêng dòng tranh gốm thì dường như chẳng còn ai đoái hoài đến nữa. Tất nhiên, đó là thực trạng của thời mới “mở cửa”, hiện nay tranh gốm Phù Lãng đã xuất hiện nhiều, nhưng hầu như chỉ đáp ứng nhu cầu “lượng”, chứ chưa đảm bảo về “chất”, nói đúng ra thì giá trị hội họa trên thị trường tranh gốm hiện nay đang “hao hụt” nghiêm trọng, bởi phần lớn những người sản xuất tranh gốm đều là nghệ nhân chứ không phải họa sĩ.
Dạo qua làng gốm Bát Tràng vào thời điểm này, người trong giới cũng có một cảm giác hụt hẫng. Mặt hàng gốm vẫn phong phú như xưa, nhưng tranh gốm thì thưa thớt hơn cả, nếu có bày thì cũng chỉ để thăm dò, xem du khách muốn mua tranh gốm có sẵn hay “đặt hàng” theo yêu cầu. Quá ít nghệ sĩ sáng tác tranh gốm, tất nhiên là vì lý do chi phí cho chất liệu đắt đỏ, hơn nữa, nhu cầu mua tranh gốm nghệ thuật hiện nay không nhiều nếu không muốn nói là quá ít. Những người “chơi” tranh gốm có tiền lại thích trưng những tác phẩm gốm theo nhu cầu và mục đích của họ, nói chung, người chơi tranh cũng chính là người chỉ đạo nghệ thuật. Người chơi tranh nhẹ dạ và dễ dãi, thế nên những dòng tranh gốm “lai tạp” càng được thể “uy hiếp” dòng tranh gốm truyền thống.
Nếu khảo sát kỹ những cửa hàng tranh gốm, kể cả ở chợ gốm Bát Tràng mới thấy, tất cả còn ở mức sơ khai, thiếu hẳn một nền tảng nghệ thuật và kỹ thuật công nghệ cơ bản. Hình tượng không mới lạ, chưa phát huy được cái độc đáo của chất liệu thô ráp từ đất. Bên cạnh đó, do kỹ thuật nung hiện vẫn còn thủ công nên đa số bức tranh bị cong vênh và sai lệch tỷ lệ của hình vẽ hoặc hình đắp nổi. Do đó, những tác phẩm được treo bán thiếu nét thẩm mỹ tối thiểu. Có khi tìm cả ngày mới thấy một vài bức đẹp, theo nghĩa đúng là tranh gốm thực sự.
Đấy là chưa kể nhiều nghệ nhân còn sáng tạo đến mức “vay mượn” những tác phẩm nổi tiếng để “ốp” vào tranh gốm, ví dụ gần đây một số tranh gốm ở Bát Tràng đã “nhại” không thành công các tác phẩm như: Thiếu nữ bên hoa sen, Mùa thu vàng, Hoa hướng dương, Monalisa... Thậm chí nhiều bức tranh gốm còn “bạo” đến mức... đưa cả hình thiếu nữ khỏa thân nhằm câu khách.
Mải bon chen với guồng sống gấp gáp, người làm tranh gốm vô tình quên mất giá trị thực của dòng tranh này. Nếu nói rằng người làm tranh đang “bí” đề tài thì tại sao không khai thác kho tàng dân gian? Đó luôn luôn là mảng đề tài vô tận trong tạo hình tranh gốm. Nhìn chung, tranh gốm ngày nay càng xuất hiện nhiều thì khoảng cách với người thưởng ngoạn càng thêm rộng. Những thứ được “bày biện” trên nền gốm quá xa lạ với tranh gốm truyền thống, hơn nữa, yếu tố hội họa cũng vô cùng “yếu ớt” vì hầu như chỉ dừng lại ở mức độ sao chép. Làm tốt tranh gốm truyền thống còn khó, nói gì đến chuyện sáng tác tranh gốm mang tính hội họa cao. Lại thêm một vấn đề nan giải và đau đầu đối với hội họa Việt.
Việt Sơn