Mới đây, BS. Nguyễn Tuấn Như, Phó trưởng khoa Tai Mũi Họng, BV. Nhi Đồng 1, TP.HCM, thông tin cho báo chí biết trường hợp của bệnh nhi gặp phải tai nạn dị vật rơi vào đường thở là bé Lê Thành T. (6 tuổi, ngụ tại huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai). Trong lúc ngậm đầu bút bi khi đang học bài, bé Thành T. mắc phải cơn ho sặc sụa và vô tình đầu bút bi rơi vào đường thở. Sau đó, cháu liên tục kêu đau ngực, thở khó, ăn uống kém nên cha mẹ đưa cháu đến bệnh viện địa phương để khám và điều trị. Tuy nhiên, tại đây các bác sĩ không phát hiện ra dấu hiệu bất thường nên cho cháu về.
Suốt 3 tháng trời, thấy tình trạng đau tức ngực của con không hề thuyên giảm, gia đình quyết định đưa Thành T. lên BV. Nhi Đồng 1 kiểm tra. Tại đây, qua kết quả siêu âm các bác sĩ xác định vùng phế quản thùy dưới bên phải của bệnh nhi có vật cản quang nên quyết định nội soi lấy dị vật ra. Sau khi gắp thành công đầu chiếc bút bi trong phế quản, sức khỏe cháu Thành T. nhanh chóng được bình phục.
Cũng theo BS. Nguyễn Tuấn Như, vừa mới đây tại BV. Nhi Đồng 1 tiếp nhận một bệnh nhi bị hóc hạt chôm chôm. Tuy nhiên, cháu bé bị hạt chôm chôm gây tắc hoàn toàn đường thở nên đã tử vong trên đường vào bệnh viện. Sự cố dị vật đường thở rất nguy hiểm, nhẹ thì bị ho sặc tím tái, viêm phổi, nặng sẽ tử vong. Nếu không được cấp cứu kịp thời và đúng mức, bệnh nhân có thể tử vong do ngưng thở. Bất kỳ tuổi nào cũng có thể bị dị vật đường thở, song phổ biến nhất là từ 1 đến 3 tuổi, nam nhiều hơn nữ.
Mùa Tết Nguyên Đán là thời gian cao điểm mà các bé hay gặp phải tai nạn dị vật rơi vào đường thở do các bé tập ăn các loại hạt dưa, hạt bầu bí, hướng dương. BS. Nguyễn Tuấn Như cho hay, hàng năm vào mỗi dịp Tết, bệnh viện luôn tiếp nhận từ 5 - 10 ca bệnh bị dị vật đường thở. Để tránh tai nạn tương tự xảy đến với con trẻ, bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh cần lưu ý, không nên cho trẻ nhỏ ăn các loại hạt trên. Khi trẻ có biểu hiện hóc dị vật, tuyệt đối không đưa ngón tay vào móc miệng bé vì động tác trên sẽ đẩy dị vật vào sâu hơn. Để cấp cứu, đặt trẻ nằm sấp trên lòng bàn tay hay trên đùi rồi vỗ mạnh vào lưng 2 - 3 cái. Nếu trẻ lớn hơn, để trẻ nằm ngửa rồi ấn tay vào thương vị, nhồi 2 - 3 cái để trẻ ho bắn ra và thở trở lại. Nếu trẻ vẫn chưa thở được, phải hà hơi thổi ngạt và xoa bóp tim ngoài lồng ngực nếu ngưng tim. Trường hợp bệnh nhi bị ho kéo dài, kèm theo cảm giác đau tức ngực, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa để bác sĩ kiểm tra và có giải pháp hỗ trợ kịp thời.