Một bài bình luận trên trang tin điện tử của Đài phát thanh “Tiếng nói nước Nga” cho biết, tranh chấp chủ quyền Trung-Nhật hiện đã bước vào giai đoạn công khai đe dọa sử dụng vũ lực. Nhật dọa bắn hạ UAV Trung Quốc nếu xâm phạm Senkaku, còn Trung Quốc đe nếu Nhật làm như vậy tức là hành vi chiến tranh và Trung Quốc sẽ trả đũa.
Thứ 6 và thứ 7 tuần trước, liên tiếp 2 chiếc máy bay ném bom căn cứ trên đất liền H-6 và 2 chiếc máy bay trinh sát Y-8 (được chế tạo trên cơ sở loại máy bay vận tải cùng tên) đã xâm nhập khu vực biển phía nam Nhật Bản, khiến Tokyo chấn động. Tuy không phận của Nhật không bị xâm phạm, nhưng lực lượng tự vệ trên không nước này đã phải tung máy bay chiến đầu lên đề phòng tình huống xấu nhất.
Trong chuyến đi thị sát căn cứ của lực lượng tự vệ Nhật Bản ở Asaka - khu vực phụ cận của thủ đô Tokyo, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã tuyên bố, không cho phép bất cứ nước nào thay đổi hiện trạng ở Senkaku. Hiện nay, quần đảo này thuộc quyền quản lý của Nhật Bản nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền với hòn đảo này (dưới cái tên “đảo Điếu Ngư”) và một số hòn đảo ở lân cận.
Trung Quốc khẳng định, quần đảo Điếu Ngư “tự cổ chí kim” đều thuộc chủ quyền của nước này và lập tức phái 4 tàu cảnh sát biển (Hải cảnh) tiến vào khu vực tranh chấp ở Senkaku vào ngày 28-10. Chính phủ Nhật Bản đã lập tức yêu cầu tàu Hải cảnh của Trung Quốc phải lập tức rời khỏi lãnh hải của họ, đồng thời Bộ ngoại giao Nhật Bản cũng gửi công hàm phản đối đến Đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo.
Tàu đổ bộ trực thăng lớp 22DDH số hiệu DDH-183 Izumo của Nhật
Về vấn đề này, ông Valery Kistanov - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản thuộc Viện nghiên cứu Viễn Đông - Viện hàn lâm khoa học Nga đã đưa ra dự đoán của mình đối với cục diện ở khu vực Đông Hải. Ông nói: “Nhìn bề ngoài, tình hình tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Nhật Bản ngày càng leo thang và không thấy dấu hiệu hạ nhiệt. Hai bên đang bước vào một cuộc chiến cân não và có vẻ như sẽ dẫn đến xung đột quân sự.”
Tuy nhiên ông nghĩ: “Đó chỉ là một cách nhìn nhận hời hợt, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh và Đông Kinh (Tokyo) đều hiểu rằng, không thể để tranh chấp biến thành xung đột quân sự. Chỉ cần một tiếng súng vu vơ hay một sự kiện phát sinh ngoài ý muốn thì hậu quả của nó đối với Nhật Bản, Trung Quốc hoặc rộng hơn là đông Á và cả châu Á là không thể tưởng tượng được. Vấn đề là, ai sẽ là người "xuống thang đầu tiên", để giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình”.
Ông phân tích, một nguyên nhân quan trọng nhất là sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Trung Quốc và Nhật Bản về vấn đề kinh tế. Đầu tư kinh tế của Nhật vào Trung Quốc là rất lớn và ngược lại, thậm chí có thể nói quan hệ kinh tế giữa họ là một sự gắn kết mật thiết. Đây là một nguyên nhân quan trọng để ngăn cản những mâu thuẫn về chính trị biến thành một cuộc đối đầu về quân sự.
Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và sự thấu hiểu cái giá phải trả về kinh tế, nếu để cho tình hình căng thẳng leo thang thành xung đột vũ trang, khiến cho cả 2 bên không ai muốn nhìn thấy hậu quả đó. Đây chính điều 2 bên đều muốn tránh nên đã kìm chế không để tình hình leo thang đến mức độ không thể kiểm soát. Xung đột sẽ được hóa giải nhưng chắc chắn không phải trong tương lai gần.
Ông Kistanov cho biết, điều này có thể thấy ở chính vấn đề xử lý tranh chấp lãnh thổ Nga-Nhật về vấn đề quần đảo Kuril. Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Nhật Abe, bất kể là ở Moscow hay ở địa điểm khác đều có thể bàn bạc, trao đổi về Điều ước hòa bình và vấn đề tranh chấp biển đảo, chứ không đóng khung trong những hội nghị, hội đàm chính quy và đầy thủ tục.
Ông nhấn mạnh, tháng 11 tới, hội đàm “2 2” giữa Ngoại trưởng và Bộ trưởng quốc phòng 2 nước Nga-Nhật sẽ được tổ chức ở Tokyo và tình hình đang tiến triển hết sức tốt đẹp, ít nhất là về phương diện thiện chí giữa 2 bên. Như vậy, việc giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình thông qua tiếp xúc, lắng nghe, tôn trọng lẫn nhau giữa lãnh đạo 2 nước là điều không phải không có tiền lệ.