Trên thế giới, nghệ thuật tranh cát xuất hiện sớm và hiện nay vẫn đang phát triển. Riêng tại Việt Nam, tranh cát - loại hình mỹ thuật mới xuất hiện trong khoảng hơn chục năm nhưng đã cho thấy bước tiến không ngừng thông qua các tác phẩm tranh cát đặc sắc... của các nghệ nhân, nghệ sĩ tranh cát nước nhà.
Nghệ thuật độc đáo
Thực tế cho thấy, nghệ thuật tranh cát được chia ra làm 2 loại hình: tranh cát tĩnh và tranh cát động. Trong đó, tranh cát tĩnh là thể loại tranh cát nghệ thuật, người thực hiện sẽ tỉ mỉ rải cát chồng lên nhau vào các vật chứa như cốc, ly, bình pha lê, thủy tinh... nhằm tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh theo chủ đề đặt ra trước đó.
Tác phẩm tranh cát Tổ quốc gọi tên mình của nghệ sĩ Trí Đức.
Nghệ thuật vẽ tranh cát Việt được nhận định dễ phát triển vì nguyên liệu là cát nên chúng ta có thể lấy từ nhiều nguồn khác nhau như cát sông, cát suối, cát biển. Hiện nay, số lượng các loại cát ở nước ta có thể làm tranh lên tới khoảng 81 màu. Để hoàn thành một tác phẩm tranh cát tĩnh, có thể mất nhiều hoặc ít thời gian tùy thuộc vào tay nghề nghệ nhân hay nội dung, chi tiết của tác phẩm. Tại nước ta, các nghệ nhân Ý Lan, Phương Vy, Quỳnh Vy,... được biết đến là những người tài năng và tiên phong trong việc phát triển tranh cát tĩnh.
Khác tranh cát tĩnh, nghệ thuật tranh cát động là nghệ sĩ biểu diễn tranh cát trên sân khấu. Cũng với nguyên liệu là cát, nhưng nghệ sĩ vẽ tranh cát động lại có sự kết hợp với công cụ của điện ảnh hiện đại là màn ảnh rộng, âm nhạc và ánh sáng được dàn dựng trên sân khấu. Công cụ biểu diễn nghệ thuật tranh cát động thật ra rất đơn giản. Chỉ cần một chiếc hộp ánh sáng (thường bằng mặt kính có gắn đèn chiếu sáng) và khả năng vẽ tranh cát của nghệ sĩ biểu diễn. Với âm nhạc, ánh sáng, cảm xúc, trí tưởng tượng bay bổng và động tác vẽ như nghệ sĩ ảo thuật của họa sĩ tranh cát, những khung hình bằng cát thay đổi liên tục để chuyển hóa thành một câu chuyện trọn vẹn có tiết tấu, nhịp điệu theo âm nhạc. Thường thì khi bản nhạc kết thúc cũng là lúc một câu chuyện bằng hình ảnh từ cát hiện lên trước mắt khán giả, tạo nên những cảm xúc đối với người xem. Mỗi bài diễn tranh cát động trên sân khấu kéo dài từ 7-10 phút với kịch bản được bố cục, dàn dựng kết hợp giữa hình họa và âm nhạc theo chủ đề nhất định. Và ở Việt Nam, cũng có nhiều nghệ sĩ biểu diễn tranh cát động tạo được dấu ấn trong những năm gần đây...
Không ngừng phát triển
Thời gian qua không khó để thấy, nghệ thuật tranh cát Việt đã có những bước phát triển không ngừng cả về hai thể loại. Tranh cát động ở nước ta phải nhắc tới nghệ sĩ Trí Đức. Nghệ sĩ này đã có nhiều buổi trình diễn tranh cát trên sân khấu làm mãn nhãn công chúng. Chẳng hạn, Trí Đức từng được mời tham gia biểu diễn trong vở kịch Âm binh của nhà biên kịch Nguyễn Quang Vinh, nghệ sĩ Trí Đức vừa ngồi vẽ tranh cát vừa hóa thân thành một gốc phi lao già lặng lẽ, như một nhân chứng sống cho các diễn biến của vở kịch. Hơn nữa, nghệ sĩ Trí Đức còn làm minh họa tranh cát động cho cả phim tài liệu Đoàn tàu không số với hơn 100 bức tranh cát được thể hiện đầy tinh tế.
Đặc biệt, nghệ sĩ Trí Đức từng thực hiện bức tranh cát Tổ quốc gọi tên mình trên nền nhạc ca khúc cùng tên. Dựa theo câu chuyện bảo vệ chủ quyền đất nước của chiến sĩ Việt Nam trong trận hải chiến tại đảo Gạc Ma - Trường Sa năm 1988, Trí Đức đã vẽ bức tranh cát tái hiện khoảnh khắc những anh hùng dân tộc vững tay súng trước đầu sóng ngọn gió để quyết giữ cho lá cờ Tổ quốc được tung bay trên vùng biển của quê hương. Đó còn là hình ảnh bản đồ hình chữ S, vùng biển đảo của Tổ quốc, lá quốc kỳ cùng cột mốc mang dòng chữ Việt Nam, là những con tàu đang tấp nập ra khơi, hình ảnh các chiến sĩ hải quân nước ta cầm súng hiên ngang, hùng dũng đối đầu với sóng gió để đứng canh giữ biển đảo quê hương... Tới thời gian qua, Trí Đức đã tham gia các buổi trình diễn tranh cát ở nước ngoài, đưa nghệ thuật trình diễn tranh cát Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
Trong lĩnh vực tranh cát tĩnh, nước ta nổi tiếng nhất là nghệ nhân Ý Lan. Chị bắt đầu đến với bộ môn nghệ thuật này từ năm 2001, được xem là người tiên phong vẽ tranh cát tĩnh ở Việt Nam. Đến nay, nghệ nhân Ý Lan đã thực hiện được hàng ngàn tác phẩm tranh cát với nhiều loại như: tranh phong cảnh, tranh chân dung, tranh vui, tranh thú, thư pháp, lô gô, kiến trúc. Đặc biệt, năm 2005, nghệ nhân Ý Lan đã tặng các tác phẩm tranh cát cho các vị nguyên thủ trong Hội nghị APEC mà Việt Nam là nước chủ nhà. Đợt đó, mỗi vị nguyên thủ đều được Ý Lan tặng một bức tranh có hình của mình khiến họ rất ngạc nhiên và thích thú, yêu mến.
Về sau, nữ nghệ nhân còn được đặt hàng làm tranh cát cho vua và các tướng của nước Cô-oét hoặc ngài Lý Hiển Long - Thủ tướng Singapore từng đặt hàng tác phẩm của nghệ nhân Ý Lan để tặng Tổng thống Mỹ. Và giờ đây, tranh cát “made in Việt Nam” của Ý Lan đã vươn xa ra khắp thế giới bằng việc tham gia các triển lãm cũng như việc kinh doanh. Từ những đóng góp cho nghệ thuật tranh cát, năm 2012, nghệ nhân Ý Lan đã được kỷ lục Guiness Việt Nam công nhận là người tìm ra nhiều màu cát tự nhiên nhất Việt Nam.