Có nên tổ chức Halloween trong trường học?
Halloween được biết đến là một lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày 31/10 hàng năm, vào buổi tối trước Lễ Các Thánh trong Kitô giáo Tây phương. Đây là khoảng thời gian trong năm dành để tưởng nhớ những người đã chết, gồm các vị thánh, các vị tử đạo và tất cả các tín hữu trung kiên đã qua đời. Vào dịp này, các ngôi nhà ở phương Tây thường được trang trí bằng các biểu tượng có liên quan đến mùa thu như bù nhìn, bí ngô, vỏ ngô với chủ đề chính là về cái chết, quỷ dữ, quái vật thần thoại. Màu sắc chủ đạo là đen và da cam, đôi khi là tím. Trang phục Halloween truyền thống dựa trên hình tượng của các nhân vật siêu nhiên như quái vật, ma quỷ, bộ xương, phù thủy,...
Những năm gần đây, giới trẻ Việt Nam yêu thích tham gia lễ hội Halloween. Không chỉ tổ chức ở đường phố, nhiều trường học cũng nô nức trang trí hành lang, lớp học và các hoạt động sôi nổi, rầm rộ trong ngày này. Tuy nhiên, việc các trường học từ mầm non đến đại học trang trí những hình nộm phù thủy, xương người, bí ngô lập lòe ma quái, hóa trang, vẽ mặt nạ máu me ma quỷ… để tổ chức Halloween hoành tráng cũng là chủ đề tranh cãi gay gắt.
Mới đây, một số phụ huynh đã bày tỏ đồng tình với đề xuất không nên tổ chức Halloween trong trường học. Nhiều ý kiến cho rằng lễ hội này là một trào lưu không mang tính giáo dục. Những hình ảnh ma quỷ, máu me, rùng rợn, cách ăn mặc kỳ dị không phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục của nước ta và khiến nhiều trẻ bị ám ảnh tâm lý, sợ hãi. Nhiều trường học cũng có thông báo không tổ chức lễ Halloween và được nhiều phụ huynh hưởng ứng.
Chuyên gia nói gì?
Về vấn đề này, thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên dạy môn Hóa học ở Hà Nội cho rằng, Halloween vốn là một lễ hội có nguồn gốc, có phong tục, có câu chuyện,... phù hợp với văn hóa nước ngoài. Do du nhập dễ dãi vào Việt Nam mà giờ đây khắp các trường học đều tổ chức. Nhưng vì không xuất phát từ cái gốc văn hóa nên tất cả chỉ tập trung vào việc trang trí trường, lớp sao cho kinh dị và ấn tượng nhất. Thậm chí, còn tạo cuộc thi từ trang trí trường lớp tới hoá trang kinh dị cho học sinh thi đua. Trường mầm non cũng không nằm ngoài cuộc. Học sinh được hoá trang máu me, dao cắm lên đầu, thần chết, quỷ ma...
"Mọi thứ đều rất kinh dị nhưng không ai hiểu để làm gì, xuất phát từ đâu mà chỉ cần vui. Một niềm vui rất thoảng qua mà chúng ta cũng không rõ là có ổn không, lợi hay hại, nếu không có nó thì còn niềm vui nào khác để thay thế không? Bất cứ sản phẩm văn hóa nào dành cho thiếu nhi cũng đều cần phải tính tới mức độ phù hợp của lứa tuổi, giống như phim điện ảnh được dán nhãn 13+, 16+, 18+ vậy. Đối với các hoạt động hóa trang ma quỷ, máu me, kinh dị của Halloween nên được xếp vào nhóm 16+", thầy Ngọc nêu quan điểm.
Hiệu trưởng một trường tiểu ở Hà Nội chia sẻ: "Nhà trường không tìm thấy ý nghĩa văn hóa và giáo dục nào ở hoạt động Halloween nên từ trước đến nay không năm nào nhà trường tổ chức. Với các dịp như Tết Trung thu, Tết Dương lịch, Âm lịch… thì nhà trường thường xuyên tổ chức cho các con học sinh".
Còn theo một chuyên gia giáo dục ở Hà Nội, việc tổ chức lễ hội Halloween thì nên tùy mô hình của từng trường. Phụ huynh có thể cho con tham gia nếu cảm thấy con không bị ảnh hưởng gì. Đối với các trường tư thục hoặc trường quốc tế thì Halloween thường nằm trong kế hoạch giáo dục của trường nhiều năm qua. Một số trường không chỉ có học sinh của Việt Nam theo học mà còn nhiều học sinh ở các nước khác nhau. "Halloween là một hoạt động không phải xấu để cấm tổ chức, nhiều học sinh lại thấy hay bởi tìm được sự mới mẻ trong ngày này. Trong ngày này, nhà trường có thể cho các em đọc sách, nghe truyện hoặc xem video để giới thiệu về nguồn gốc, phong tục...".
Trước ý kiến lo ngại với lễ hội Halloween du nhập vào Việt Nam có thể xâm hại đến tâm hồn trẻ thơ với những hình ảnh và trò chơi rùng rợn, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng: "Những hoạt động văn hóa thường lây lan một cách tự nhiên, tự do nhưng nếu chúng ta tiếp thu văn hóa các nước chủ động, tích cực và có sự hiểu biết, hướng dẫn thì cái hay sẽ được phát huy và cái dở sẽ hạn chế dần".
Theo PGS.TS Lê Quy Đức, với những đứa trẻ, việc các em thích thú bắt chước, hóa trang thành ma quỷ, máu me đúng là điều không tốt nhưng không vì thế mà cấm việc tổ chức lễ hội này trong trường học. Điều quan trọng là nhà trường nhận thức về lễ hội và hướng dẫn cho học trò thực hành lễ hội đó như thế nào. Nhà trường hoàn toàn có thể đưa ra các quy định cụ thể giới hạn về việc hóa trang, trang phục. "Giáo dục giới trẻ không chỉ có nhà trường mà cần sự vào cuộc của cộng đồng xã hội, các cơ quan đoàn thể và cả ý thức, trách nhiệm của những người buôn bán những mẫu mã mặt nạ ma quỷ đó. Việc này tưởng là việc nhỏ của nhà trường nhưng là việc chung của xã hội", PGS.TS Lê Quý Đức nêu quan điểm.
Là một phụ huynh có hai con ở lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học, chị Trần Hoa Lê (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) không đồng tình việc nhà trường tổ chức hoạt động Halloween. "Vào những ngày sát lễ hội Halloween này, các con tôi đều rất sợ vì ra đường, đến trường hay vào một số quán xá, cửa hàng đều thấy người hóa trang thành ma quỷ rùng rợn. Bản thân tôi nhìn cũng "sốc" huống hồ các con. Chưa kể, để tham gia thì phụ huynh cũng phải bỏ ra số tiền không hề nhỏ. Vì vậy, nhà trường nên tập trung vào những hoạt động mà ở đó chứa đựng thông điệp giáo dục nhất định".