Hà Nội

Tranh cãi về vũ khí bắn hạ MH17

12-03-2015 15:33 | Quốc tế
google news

Trong khi cuộc điều tra về thảm họa MH17 ngày 17/7/2014 vẫn tiếp tục tiến hành, nhiều ý kiến trái chiều liên tiếp được đưa ra về vũ khí đã bắn hạ chiếc máy bay.

BRT đưa tin, báo cáo điều tra chính thức công bố vào tháng 9/2014 cho biết, vụ tai nạn là một kết quả từ tổn thương cấu trúc, gây ra bởi sự va đập từ bên ngoài của một lượng lớn các vật thể có năng lượng cao. Tuy nhiên, việc những vũ khí này đến từ đâu và ai có trách nhiệm vẫn chưa đuợc làm rõ.

Ukraina và một số nước phương Tây cho rằng, trách nhiệm thuộc về Nga và lực lượng dân quân ở miền đông đông Ukraina. Bộ Quốc phòng Nga cũng đã chia sẻ dữ liệu radar chỉ ra các khả năng khác, bao gồm việc MH17 có thể bị một máy bay chiến đấu SU-25 của Ukraina bắn hạ. Chiếc SU-25 này đã theo dõi chiếc máy bay MH17 hồi tháng 7/2014.

MH17, thảm họa, hàng không, vũ khí, tên lửa, máy bay, chiến đấu, Nga, Ukraina, Đức, phòng không, không quân
Chiến đấu cơ SU-25 được cho là đã bắn hạ MH17. (Ảnh: Globalaviation report)

Trong khi điều tra quốc tế chính thức về vụ tai nạn kéo dài gần một năm nay, các cuộc tranh luận về nguyên nhân của thảm kịch đã một lần nữa được khơi lên sau ý kiến gần đây từ nhà thiết kế chính của SU-25.

Nhà thiết kế của SU-25 – loại máy bay chiến đấu bị cho là đã phá hủy MH17 khiến 298 người thiệt mạng, cho biết trên truyền thông Đức rằng chiếc chiến đấu cơ này không đủ khả năng triệt hạ một máy bay hàng không dân dụng.

Ngày 9/2, nhà thiết kế máy bay Vladimir Babak khẳng định máy bay phản lực SU-25 chỉ có thể tấn công thành công một máy bay Boeing ở độ cao 3.000 - 4.000m chứ không phải độ cao khi đó MH17 là 10.500m. Ngoài ra theo ông Badak, tên lửa không đối không (AAM) sẽ chỉ gây thiệt hại cho chiếc Boeing chứ không phá hủy nó hoàn toàn.

Trên truyền hình Đức, nhà thiết kế tuyên bố: “Tôi tin những cáo buộc rằng SU-25 liên quan đến thảm kịch này bởi một nỗ lực che đậy. Tôi không có cách giải thích nào khác”.

Tuy nhiên, một số quan chức chính phủ cấp cao và các phi công từng lái SU-25 đã phản bác lại nhận định trên.

Trung tướng Alexander Maslov, cựu Phó tư lệnh Lực lượng phòng không và bộ binh Nga tiết lộ, dựa trên các mảnh vỡ và bản chất của thiệt hại trên máy bay, nhiều khả năng máy bay đã bị triệt hạ bởi một tên lửa không đối không và súng máy bay.

Ông Maslov cho biết, “các bức ảnh được công bố về MH17 cho phép đặt giả định rằng nó đã bị một máy bay phản lực quân sự bắn rơi. Bên cạnh đó, các mảnh vỡ chỉ ra rằng, chiếc Boeing đã bị bắn bởi tên lửa không đối không cùng với súng máy bay có đường kính 30 milimét”.

Theo ý kiến của ông Maslov, không có căn cứ để khẳng định rằng MH17 đã bị một tên lửa đất đối không (SAM) triệt hạ, bởi dấu vết gây ra bởi hai loại tên lửa là khác nhau.

Một chuyên gia khác, cựu chỉ huy một bộ phận hàng không, Thiếu tướng Sergey Borysyuk bổ sung vào giả thuyết này: “Cá nhân tôi đã bay nhiều lần ở độ cao 12.000m. Các đồng nghiệp của tôi đã tăng độ cao lên tới 14.000m. Độ cao 10.500m đã chính thức được công nhận trong các hoạt động tại Afghanistan. Do đó dù ở độ cao 12.000m, máy bay vẫn có khả năng cơ động thoải mái, đặc điểm khí động học của nó cho phép điều này”.

Ông Borysyuk giải thích rằng, các tên lửa R-60 trên SU-25 có bộ phận dò hồng ngoại và một đầu đạn que. Do vậy, R-60 có thể đã được sử dụng chiểu theo việc dấu vết mảnh vỡ máy bay giống như đã được cắt lát chính xác.

MH17, thảm họa, hàng không, vũ khí, tên lửa, máy bay, chiến đấu, Nga, Ukraina, Đức, phòng không, không quân
Những mảnh vỡ của MH17. (Ảnh: RT)

Cựu chỉ huy không quân nói thêm: “Tầm bắn của tên lửa là 7,5km. Trong điều kiện khi ấy, khả năng đánh trúng mục tiêu tăng lên”.

Giả thuyết tiếp tục đuợc củng cố bởi Cựu chỉ huy Lực lượng Không quân Nga, Vladimir Mikhailov. Ông Mikhailov cho biết đã từng lái SU-25 ở độ cao 12.000m và 14.000m một cách thoải mái, đồng thời nhấn mạnh: “Nếu máy bay bị bắn rơi bởi hệ thống phòng thủ tên lửa mặt đất (Buk), nó sẽ gần như ngay lập tức vỡ vụn trong không khí và không thể có các mảnh vỡ lớn như vậy trên mặt đất”.

Cùng với Bộ Quốc phòng Nga, ông cũng đặt câu hỏi tại sao chuyến bay MH17 ở lại trong hành lang bay cho đến khi đến Donetsk nhưng sau đó lại chệch khỏi lộ trình ở phía bắc.

Vào tháng 7/2014, Bộ Quốc phòng Nga đã trình bày dữ liệu giám sát cho thấy các máy bay quân sự ở Kiev đã theo dõi MH17 ngay trước vụ tai nạn và đặt ra hàng loạt câu hỏi cho Ukraina, nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Lan Phương

 

 


Ý kiến của bạn