Khách du lịch không đồng tình
Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) cho biết, thành phố Hội An vừa ban hành phương án về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động hướng dẫn tham quan khu phố cổ Hội An. Trong đó, có nội dung sẽ bố trí lối đi riêng cho người địa phương khi vào khu phố cổ Hội An.
Cụ thể, từ 15/5, du khách trong nước và quốc tế phải mua vé tham quan tại các quầy vé trước khi vào khu phố cổ Hội An. Vé vẫn giữ nguyên mệnh giá hiện hành 120.000 đồng/vé dành cho khách quốc tế và 80.000 đồng/vé dành cho khách nội địa. Thời gian bán vé tham quan từ 7 giờ 30 đến 21 giờ 30 hằng ngày vào mùa hè và đến 21 giờ vào mùa đông. Bên cạnh đó, sẽ có 2 lối đi riêng tại các đường chính vào khu phố cổ, gồm một lối đi dành cho người dân địa phương và một lối đi dành cho du khách.
Hội An cũng sẽ bổ sung mở rộng không gian đề án "Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ" cho tuyến đường Phan Chu Trinh. Ngoài ra, tới đây, phố đi bộ và xe không động cơ sẽ thực hiện xuyên suốt từ 9 - 21 giờ 30 phút hằng ngày vào mùa hè và đến 21 giờ vào mùa đông thay vì tạm dừng trong khung giờ từ 11 - 15 giờ như hiện nay.
Thông tin thu vé vào phố cổ Hội An khiến không ít du khách phản đối. Anh Nguyễn Khánh Nam (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, anh và gia đình đã đến phố cổ Hội An nhiều lần. Hàng năm vào dịp nghỉ hè hoặc lễ Tết, anh đều cho ra đình đến đây nghỉ dưỡng. Anh đánh giá nơi đây không khí yên bình, mang nét cổ kính rất riêng, đặc biệt mọi người ở đây làm du lịch bài bản so với những địa điểm du lịch khác mà anh đã từng đến.
"Khi nghe thông tin du khách phải bắt buộc mua vé tham quan ở phố cổ Hội An từ ngày 15/5, tôi đồng ý với cách làm này. Việc thu phí sẽ giúp thành phố có thêm nguồn thu để tái đầu tư vào các hạng mục nhằm nâng cao chất lượng du lịch. Tuy nhiên, tôi cho rằng mức giá 80.000 đồng người là khá cao. Gia đình tôi đi đầy đủ sẽ mất đến cả triệu đồng tiền vé là một khoản rất lớn" anh Nam chia sẻ.
Anh Hoàng Minh Đức, một hướng dẫn viên du lịch nội địa cho biết, khi tiến hành thu vé, chính quyền Hội An sẽ có nguồn thu để tu sửa, gìn giữ các di tích phố cổ. Về mặt hạn chế, du khách đến đây nhưng không tham quan các di tích phố cố, chỉ đi dạo đường phố, ăn uống nhưng vẫn phải trả tiền phí tham quan. Điều này sẽ làm cho du khách khó chịu, ảnh hưởng đến tâm lý của khách đến với Hội An. Trong khi nếu du khách đông thì sẽ kích cầu bán hàng, tăng doanh thu cho người dân sống ở trong phố cổ.
Dưới góc nhìn của một người đã từng sống lâu năm ở phố cổ Hội An, anh Phạm Tiến Bằng (Đà Nẵng) cho biết, ngày xưa Hội An rất vắng, thấy rõ sự trầm mặc của thời gian trên phố cổ, nét kiêu kỳ còn sót lại của một đô thị đã qua thời phồn vinh - kiểu kiêu kỳ của một thiếu phụ đã từng rất trẻ và rất đẹp. Giờ thì quá đông du khách đổ về dẫn đến quá tải. Việc bán vé, như xưa nay vẫn từng bán, là để khống chế số lượng khách, đảm bảo chất lượng phục vụ và an toàn cho du khách lẫn người dân Hội An. Hội An không chỉ có phố cổ mà còn có làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng ... cũng rất đẹp, du khách có thể lựa chọn nếu không muốn vào phố cổ.
Nên thu gián tiếp từ dịch vụ hơn là thu vé
Theo LS Phạm Hồng Minh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, luật Phí và lệ phí năm 2015 quy định phí tham quan di tích lịch sử, phí tham quan danh lam thắng cảnh hay phí tham quan công trình văn hóa, bảo tàng sẽ do Bộ Tài chính quy định đối với công trình thuộc trung ương quản lý; HĐND cấp tỉnh quyết định đối với công trình thuộc địa phương quản lý, căn cứ vào Điều 2 Thông tư 85/2019 của Bộ Tài chính.
Theo đó, căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội, quy mô, hình thức hoạt động tham quan của từng danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, bảo tàng, HĐND cấp tỉnh quy định mức thu phí phù hợp nhưng phải bảo đảm một số nguyên tắc.
Cụ thể, mức thu được áp dụng thống nhất đối với người Việt Nam và người nước ngoài. Đối với danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, bảo tàng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới thì quy định mức thu phí bằng hoặc cao hơn mức thu phí danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, bảo tàng khác. Đồng thời miễn, giảm phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, bảo tàng đối với trẻ em, người được hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa, người khuyết tật, người cao tuổi theo quy định của pháp luật.
Theo LS Minh, trên cơ sở thông tư trên, các tỉnh, thành sẽ ban hành các quy định về phí tham quan tại các khu, điểm du lịch, di tích lịch sử. Hội An không chỉ là một điểm du lịch mà còn có vai trò của một đô thị gồm hai phần: Phần tham quan và phần công cộng như đường sá, quán ăn... "Phần công cộng thì làm sao thu phí. Tôi e rằng là không công bằng", LS Tuấn nói
Chuyên gia du lịch, TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch cho rằng, câu chuyện thu phí vào cổng của Hội An cũng như nhiều điểm đến khác ở Việt Nam hiện nay cần phải được xem xét toàn diện ở nhiều yếu tố. Đầu tiên là thẩm quyền thu phí.
Theo ông Nam, có hai loại không gian cần xác định rõ, nơi được đề xuất thu phí là không gian công cộng hay không gian thuộc sở hữu (ví dụ như bảo tàng, khu di tích...). Nếu không gian mang tính chất thuộc sở hữu thì chủ thể sở hữu có quyền thu phí. Ngược lại, nếu là không gian công cộng thì thuộc về toàn dân, thuộc về mọi người, không có quyền thu phí. Hiện nay, không chỉ Hội An mà có tình trạng nhiều không gian công cộng như các công viên, làng cổ phía bắc dựng cổng thu phí du khách, điều này là không đúng và cần cơ quan có thẩm quyền xem xét lại.
Yếu tố thứ hai, cũng là yếu tố quan trọng nhất cần cân nhắc là lợi - hại của việc thu phí. Hội An bán vé vào cổng, trong trường hợp hợp pháp thì một mặt mang lại nguồn ngân sách cho thành phố nhưng mặt khác làm tăng chi phí của khách du lịch. Trong bối cảnh cả du lịch và nền kinh tế khó khăn như hiện nay, tất cả các ngành đều đang dồn lực kích cầu bằng đủ các chương trình khuyến mãi thì bất kể động thái nào làm tăng chi phí của người dân, du khách đều đi ngược lại với chủ trương chung.
Chuyên gia đặt câu hỏi, Hội An cần đến tính đến các yếu tố như thu phí vào thì khách có giảm không? Khách giảm thì nguồn thu từ chi tiêu, mua sắm, ăn uống hụt bao nhiêu so với phần thu được từ bán vé? Lãnh đạo thành phố Hội An phải tính toán thu phí được nhiều hơn hay mất nhiều hơn và chịu trách nhiệm cho tính toán đó. Nếu các câu trả lời thỏa đáng, việc thu vé khi đó mới nên triển khai.
"Mục tiêu của việc thu vé là gì, nếu để hạn chế bớt du khách để tránh quá tải cho phố cổ Hội An thì khác. Còn nếu để tăng thu dùng cho chi tiêu tu bổ phố cổ thì phải tính toán kỹ hơn được và mất từ hụt thu dịch vụ. Và mức thu như thế nào là hợp lý cũng cần được tính toán cẩn trọng", LS Phạm Hồng Minh nói.
Theo các chuyên gia, khu phố cổ San Deigo (Mỹ), đền Taj Mahal (Ấn Độ) đều là điểm du lịch nổi tiếng nhưng họ không bán vé vào cổng. Các nước trên thế giới phần lớn họ hạn chế trực thu mà chuyển qua gián thu. Khách đến với thành phố đó họ ăn uống, ngủ nghỉ, mua sắm... đó chính là cách họ trả phần phí tham quan, thậm chí lớn hơn phí tham quan. Như vậy lợi tức sẽ lớn hơn khi thu 80.000 đồng hay 120.000 đồng tiền vé tham quan.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sáng 5/4: Giám Đốc Trung Quốc Đang Bị Tạm Giữ, Sẽ Khởi Tố Bị Can Theo Pháp Luật Việt Nam | SKĐS