Tranh cãi về thiết bị ngốn điện nhiều nhất trong gia đình

05-06-2023 08:08 | Xã hội
google news

SKĐS - Không phải điều hòa hay tủ lạnh, mà bếp điện và bình nóng lạnh mới đứng đầu danh sách các thiết bị ngốn điện trong gia đình. Chuyên gia đã phản bác điều này.

Mất điện, hàng nghìn người ở Hà Nội "chui" vào trung tâm thương mại trốn nóngMất điện, hàng nghìn người ở Hà Nội 'chui' vào trung tâm thương mại trốn nóng

Chung cư gia đình chị Thanh Tâm ở phường Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai) bị cắt điện từ 11h ngày 3/6. Hai vợ chồng phải đưa con vào ăn trưa và tránh nóng ở một TTTM quận Long Biên, đợi đến khi có điện mới về.

Bếp từ là thiết bị ngốn nhiều điện nhất?

Gần đây, một số tờ báo đưa thông tin về danh sách 9 món đồ tốn nhiều điện nhất trong gia đình. Theo đó mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chỉ ra 9 món đồ quen thuộc trong mỗi gia đình có khả năng "ngốn" điện nhiều nhất. Thế nhưng, "thủ phạm" gây tốn nhiều tiền mỗi cuối tháng bất ngờ là không phải điều hòa hay tủ lạnh như nhiều người tưởng tượng.

Tranh cãi về thiết bị ngốn điện nhiều nhất trong gia đình - Ảnh 2.

Bếp từ hoặc hồng ngoại là thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng.

Đứng đầu danh sách là bếp điện. Với thời gian sử dụng khoảng 3 tiếng/ngày, trong 1 tháng, người dùng sẽ tiêu tốn 85-95 kWh điện với bếp đơn và 170-190 kWh với bếp đôi. Thứ hai trong danh sách là tủ lạnh, thiết bị luôn được bật 24/24 trong mỗi gia đình. Thống kê cho thấy, mức độ tiêu thụ điện của tủ lạnh là khoảng 30-45 kWh/tháng với tủ trung bình, 50-65 kWh/tháng với tủ lớn, còn tủ lạnh mini tốn 10-15 kWh/tháng. Thứ ba là bình nóng lạnh dung tích 20l, nếu chỉ bật 1 tiếng mỗi ngày thì số lượng điện tiêu thụ trong 1 tháng ước tính là 70-80 kWh. Nếu bật bình 24/24, số lượng điện tiêu thụ mỗi tháng là 320-340 kWh điện.

Tranh cãi về thiết bị ngốn điện nhiều nhất trong gia đình - Ảnh 3.

Những thiết bị gia dụng tốn nhiều điện nhất theo thông tin từ EVN.

PGS.TS Nguyễn Việt Dũng, Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, thông tin này đúng nhưng chưa đầy đủ. Tiêu thụ điện của thiết bị liên quan đến thói quen sử dụng, số lượng thiết bị, kiến trúc, số người trong hộ gia đình.

PGS.TS Nguyễn Việt Dũng cho biết, trên cơ sở đo đạc trực tiếp số liệu chi tiết ở 10 hộ gia đình trong 1 năm tại Hà Nội bằng thiết bị đo điện tiêu thụ tự ghi (data logger) trong khuôn khổ dự án với Nhật Bản, Trường Cơ khí đã đưa ra danh sách chính xác các thiết bị tiêu tốn điện nhiều nhất. Nếu quy về tiêu thụ điện 1/năm (con số trung bình cho các hộ) thì điều hòa không khí chiếm 25-30% điện năng tiêu thụ, tủ lạnh chiếm khoảng 25% và bình nóng lạnh chiếm khoảng 20-25%, toàn bộ thiết bị khác 20-30%.

TS Dũng cho biết, có nhiều thiết bị công suất lớn nhưng không dùng thường xuyên, tiêu thụ điện không nhiều. Tủ lạnh cắm thường xuyên nên cho tiêu thụ điện lớn. Con số ở đây chỉ là trung bình. Vì trong nghiên cứu khác cho thấy có biệt thự/căn hộ cao cấp số người ít nhưng, thiết bị nhiều, thói quen sử dụng tùy thích, chi phí cho điều hòa không khí lên tới 60% tổng tiêu thụ điện.

Điều hòa không khí mới là "thủ phạm"

Đồng tình với điều này, GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Hội Khoa học kỹ thuật lạnh và Điều hòa không khí Việt Nam cho biết, máy điều hòa gia dụng được sử dụng rất phổ biến trong các gia đình cơ quan. Nguyên lý làm việc của máy điều hòa cũng như các thiết bị làm lạnh sẽ bao gồm dàn ngưng (dàn nóng), dàn lạnh (dàn bay hơi), máy nén sử dụng điện và thiết bị tiết lưu để giảm nhiệt độ của môi chất (ga lạnh). Lượng điện tiêu thụ trong máy điều hòa tương đối lớn, công suất điện của động cơ máy nén thông thường tiêu hao trên 1KW, tùy thuộc năng suất lạnh của máy. Mỗi năm, nước ta tiêu thụ trên 1,2 triệu máy điều hòa.

"Điều hòa không khí luôn là thiết bị tiêu tốn điện năng nhiều nhất do phụ thuộc vào diễn biến thời tiết. Biến đổi khí hậu khiến nắng nóng dữ dội hơn, nhu cầu sử dụng điều hòa cũng tăng cao hơn. Ở hầu hết các nước khác trên thế giới, điện năng sử dụng cho điều hòa nhiệt độ cũng thường là cao nhất", GS.TS Nguyễn Đức Lợi cho biết,

Như vậy điều hòa đã tiêu tốn một lượng điện đáng kể. Việc sử dụng điều hòa một cách tiết kiệm đóng góp rất lớn vào chủ trương tiết kiệm năng lượng và hiệu quả của Chính phủ. Khi chọn mua máy điều hòa phải chọn năng suất lạnh phù hợp với diện tích của phòng, cũng không nên lớn quá và cũng không nên bé quá. Con số cụ thể nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia.

Trên thị trường có rất nhiều hãng khác nhau, khi mua máy điều hòa nên chọn các hãng có uy tín và tất nhiên có thể giá thành cao hơn. Thực tế hiện nay trên thị trường có một số loại máy điều hòa giá rất thấp so với các hãng có uy tín có cùng năng suất lạnh. Chắc chắn các loại máy này sẽ tiêu hao điện nhiều hơn so với các máy của các hãng có uy tín.

Điều hòa gia dụng là thiết bị bắt buộc phải dán nhãn sao năng lượng. Bộ Công thương đã quy định có 5 cấp sao năng lượng: từ 1 đến 5 sao. Nhãn năng lượng dán trên bề mặt của dàn lạnh, nên chọn máy càng nhiều sao thì càng tiết kiệm năng lượng. Hiện nay các hãng đã sản xuất máy điều hòa dạng biến tần. Nhìn chung, máy điều hòa biến tần tiết kiệm điện đáng kể tuy giá thành có cao hơn một chút. Với những gia đình sử dụng điều hòa tương đối thường xuyên thì nên chọn mua máy biến tần, vì việc tiết kiệm điện sẽ bù lại cho việc đầu tư cho loại máy có giá cao hơn.

Vừa dùng điện thoại vừa sạc pin, bé trai 7 tuổi bị điện giật tử vongVừa dùng điện thoại vừa sạc pin, bé trai 7 tuổi bị điện giật tử vong

SKĐS – Một bé trai 7 tuổi vừa dùng điện thoại, vừa sạc pin bị điện giật dẫn đến tử vong.

Xem thêm video đang được quan tâm:

4 Nhóm Người Không Nên Ăn Quả Vải | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn