Về quyền được chết, người Trung Quốc gọi là “An lạc tử” hay “cái chết êm dịu” (tiếng Anh: euthanasia) đề cập đến việc thực hành kết thúc một cuộc sống với mục đích làm giảm thời gian chịu đau đớn và đau khổ về mặt thể xác cho người bệnh. Hiện nay, trên thế giới, quyền được lựa chọn cái chết nhẹ nhàng tích cực chỉ mới được coi là hợp pháp ở một số nước.
“An lạc tử” ở Trung Quốc
Ở Trung Quốc từ lâu nay, cuộc tranh cãi về vấn đề có nên hợp pháp hóa “an lạc tử” (quyền được chết) hay không diễn ra rất quyết liệt. Những người ủng hộ cho rằng: Thứ nhất, về lý mà nói, sống chết cần tuân theo quy luật tự nhiên, nhưng nhiều loại bệnh hiểm nghèo xuất hiện là bởi con người gây ra, thay vì phải đau đớn, chịu dày vò khốn khổ vì bệnh tật thì việc lựa chọn cái chết nhẹ nhàng chính là sự lựa chọn đúng đắn nhất. Thứ hai, hợp pháp hóa “an lạc tử” hợp với xu thế chung của quốc tế và trong nước (ở Trung Quốc đã tiến hành điều tra ý kiến về “an lạc tử” ở Bắc Kinh và Thượng Hải, kết quả cho thấy số người ủng hộ chiếm đa số); giới học thuật cũng ủng hộ mạnh mẽ chủ trương này.
Những người phản đối thì cho rằng: Trung Quốc chưa hội đủ điều kiện để thực thi “an lạc tử”; đặc biệt điều kiện chữa chạy y tế ở thành thị và nông thôn cách biệt còn rất lớn. “An lạc tử” được áp dụng cho những bệnh nhân mắc tuyệt chứng không thể cứu chữa, nhưng vấn đề này ai đứng ra kết luận? Mặt khác, việc điều trị bệnh rất tốn kém, rất khó phán đoán bệnh nhân hoặc người nhà họ yêu cầu được “an lạc tử” là do không chịu nổi đau đớn về thể xác hay do không thể chịu được chi phí điều trị, nếu là do vấn đề chi phí thì rõ ràng đi ngược lại nguyện vọng bệnh nhân. Mặt khác, mức chi phí bảo hiểm ở Trung Quốc khá thấp, cơ bản không đáp ứng được những chi phí chăm sóc khi lâm chung, dễ trở thành chỗ dựa để bệnh nhân hoặc người nhà họ đưa ra yêu cầu được “an lạc tử”. Vấn đề thứ hai là về mặt chế độ. Theo Thời báo Hoàn cầu Trung Quốc số ngày 11/2/2002: Các giáo sư Đại học Edinburg công bố một báo cáo điều tra cho thấy: Họ đã tiến hành phân tích 7.000 ca “an lạc tử” ở Hà Lan thì phát hiện ra rằng: tuy Hà Lan quy định được tiến hành giải pháp này trên cơ sở tự nguyện của bệnh nhân nhưng trong số bệnh nhân trên đây vẫn có không ít người không tự nguyện mà do sự thỏa thuận phối hợp giữa bác sĩ với người nhà của họ rồi quyết định trái với nguyện vọng bản thân. Theo báo cáo trên, tỷ lệ “những cái chết không tự nguyện” cao tới 41%. Hiện tượng này đã khiến gần 10 ngàn người già Hà Lan khi bị bệnh đã rời đất nước ra đi để khỏi phải “an lạc tử”. Báo này lo ngại, người Hà Lan như thế thì đối với Trung Quốc càng khó có thể nói trước điều gì sẽ xảy ra. Vấn đề thứ ba là trái với luân lý: người Trung Quốc quan niệm “Bách thiện hiếu vi tiên”, coi chữ hiếu là hàng đầu. Khi bố mẹ lâm trọng bệnh, con cái không chữa chạy đến cùng mà lại chọn giải pháp “an lạc tử” là trái với đạo hiếu. 8 bệnh viện ở Bắc Kinh đã cùng nhau tiến hành thăm dò thì phát hiện tuy đại đa số bệnh nhân lâm bệnh hiểm nghèo đồng ý “an lạc tử”, song chỉ có chưa đầy 20% đồng ý sử dụng giải pháp này đối với người thân của mình.
Những quốc gia hợp pháp hoá quyền được chết
Hiện nay, trên thế giới, quyền được lựa chọn cái chết nhẹ nhàng tích cực chỉ mới được coi là hợp pháp ở các nước Hà Lan, Bỉ, Luxemburg, Thụy Sĩ và một số bang của Mỹ. Ngày 10/4/2013, Thượng nghị viện Hà Lan đã thông qua luật về quyền được lựa chọn cái chết với tỷ lệ 46 phiếu thuận/28 phiếu chống/1 phiếu trắng, khiến nước này trở thành quốc gia đầu tiên hợp pháp hóa quyền được chết. Theo đạo luật này, những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo vô phương cứu chữa có thể tự nguyện đề đạt yêu cầu được chết nhẹ nhàng; bác sĩ điều trị trên cơ sở đó có thể tranh thủ ý kiến của một đồng nghiệp khác, xác định không thể cứu sống bệnh nhân được nữa thì được phép thực hiện để bệnh nhân “an lạc tử”. Đạo luật quy định rõ: Phải dùng phương pháp y học, bác sĩ điều trị cấp thuốc cho bệnh nhân, bệnh nhân tự uống để chấm dứt mạng sống hoặc bác sĩ sử dụng thuốc để giúp bệnh nhân kết thúc mạng sống của họ. Báo chí Hà Lan cho biết: Qua thăm dò ý kiến rộng rãi, có 87% người dân Hà Lan ủng hộ đạo luật này. Hạ nghị viện Bỉ thông qua đạo luật về “an lạc tử” vào ngày 13/2/2014, mở rộng phạm vi áp dụng đến trẻ em. Hiện nay, Hà Lan và Bỉ đang xây dựng văn bản luật cho phép trẻ em và những người mắc chứng Alzheimer được hưởng quyền được chết.
Thụy Sĩ và các bang Oregon, Washington, Montana của Mỹ thì cho phép quyền được chết gián tiếp, thụ động (tức được chết bởi người khác). Thụy Sĩ cho phép quyền được chết gián tiếp và đã thành lập Hiệp hội chuyên môn giúp người khác được chết.
Bang Oregon của Mỹ là nơi đầu tiên trên thế giới thừa nhận tính hợp pháp của quyền được chết. Năm 1994, bang này thông qua đạo luật cho phép các thầy thuốc cung cấp thuốc độc cho các bệnh nhân đã lâm vào cảnh tuyệt vọng chỉ còn sống được trong vòng nửa năm nếu họ có yêu cầu. Từ khi bắt đầu có hiệu lực vào năm 1997 đến nay, đã có 200 bệnh nhân được hưởng quyền được chết ở bang này. Bang California cũng đang mô phỏng theo để xây dựng đạo luật tương tự.
Thượng nghị viện Anh thì đang xem xét thông qua dự luật cho phép tự lựa chọn cái chết nhẹ nhàng. Tại Nhật Bản, năm 1995, Tòa án tối cao đã cho phép quyền được chết có điều kiện từ năm 1995. Colombia thì năm 1997 đã có đạo luật xác nhận quyền được lựa chọn cái chết nhẹ nhàng đối với những bệnh nhân đã cận kề cái chết.
Ở Pháp, bà mẹ của người thanh niên F. Albert là người đi tiên phong trong việc giúp con trai được chết nhẹ nhàng; sự kiện này đã thúc đẩy Nghị viện Pháp năm 2005 thông qua pháp lệnh cho phép những bệnh nhân không còn hy vọng khỏi bệnh hoặc đang cận kề cái chết được quyền tự lựa chọn ra đi một cách nhẹ nhàng.
Khu vực miền Bắc Australia từng hợp pháp hóa quyền được chết trong thời gian ngắn từ tháng 7/1996 đến tháng 3/1997 thì bị quốc hội liên bang bác bỏ.
Đức cấm tiệt “an lạc tử chủ động”, chỉ cho phép chết thụ động: bệnh nhân nặng có thể yêu cầu được chết nhẹ nhàng bằng văn bản hoặc miệng. Trong trường hợp bệnh nhân không thể tự mình biểu đạt được nguyện vọng được chết thì người nhà có thể quyết định thay cho họ.
Trên thế giới, rất nhiều người ở nhiều quốc gia kêu gọi đấu tranh cho việc hợp pháp hóa quyền được chọn cái chết nhẹ nhàng. Tuy nhiên, số người phản đối “an lạc tử” còn nhiều hơn, đặc biệt trong giới tôn giáo. Những người phản đối cho rằng, việc gây nên cái chết cho người khác dù trực tiếp hay gián tiếp đều không thể chấp nhận được về mặt đạo đức.
(Theo News.sina.com.cn, China.com, Thời báo Hoàn cầu)
Thu Thủy