Hà Nội

Tranh cãi về “hộ chiếu vắc xin”

29-01-2021 11:37 | Quốc tế
google news

SKĐS - Trong khi nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế còn chưa thống nhất, thậm chí tranh cãi gay gắt về việc liệu có nên tạo ra một loại hộ chiếu vắc xin - một “tấm vé vàng” cho phép người đã được chủng ngừa vắc xin có thể đến bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì mà người khác không được phép thì trên thế giới các ca COVID-19 mới vẫn không ngừng gia tăng...

Hộ chiếu vắc xin hy vọng “cứu” ngành du lịch

Dịch bệnh COVID-19 vẫn đang phủ bóng đen khắp nơi trên thế giới. Dù tồn tại nhiều vấn đề xung quanh việc tiêm vắc xin COVID-19 nhưng mới đây ý tưởng về tấm “hộ chiếu vắc xin” hay còn gọi là “hộ chiếu miễn dịch” được dấy lên. Sở hữu tấm hộ chiếu này đồng nghĩa với việc người đó miễn nhiễm với COVID-19, họ có thể tự do di chuyển giữa các quốc gia. Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO) Zurab Pololikashvili đã ca ngợi tấm hộ chiếu vắc xin như một sự đảm bảo, là “giấy thông hành cho việc đi lại giữa các biên giới”. Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho rằng, những người đã được tiêm vắc xin cần phải được đi lại tự do, đây là cách để đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Hộ chiếu vắc xin còn được coi là chìa khóa mở ra cánh cửa cho ngành du lịch vốn đang bị đóng chặt bởi đại dịch. Một số nơi trên thế giới như Seychelles, đảo Síp, Romania đã mở cửa trở lại cho du khách đã được tiêm 2 liều vắc xin. Iceland cũng có kế hoạch loại bỏ quy tắc kiểm dịch đối với người có chứng nhận được tiêm vắc xin hoặc người có giấy tờ xác nhận mình đã từng nhiễm và khỏi COVID-19 kể từ ngày 10/12/2020 thì không cần xét nghiệm hay cách ly. Chính phủ Hungary cho biết, họ có thể yêu cầu du khách chứng minh tình trạng tiêm chủng của họ để được vào quốc gia này thông qua một ứng dụng thông báo về tình trạng miễn dịch với COVID-19. Một quốc gia phụ thuộc vào du lịch khác như Tây Ban Nha ủng hộ hộ chiếu vắc xin, Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa cho biết, nước này sẽ thành lập một cơ quan theo dõi việc tiêm chủng phòng COVID-19 và sẽ chia sẻ dữ liệu này với các nước châu Âu.

hộ chiếu vắc xinHộ chiếu vắc xin có thể là cách cứu ngành du lịch thế giới.

Hộ chiếu vắc xin gặp khó

Dù nhận được nhiều sự ủng hộ nhưng số người phản đối ý tưởng này cũng không ít, ngay cả trong Liên minh châu Âu cũng nổ ra cuộc tranh luận gay gắt về hộ chiếu vắc xin. Họ cho rằng nếu sử dụng giấy chứng nhận để cho phép đi lại, những người chưa tiêm vắc xin sẽ bị đối xử như công dân hạng 2. Nguyên nhân là do hộ chiếu vắc xin không chỉ xâm phạm quyền riêng tư mà còn dẫn tới tình trạng phân biệt đối xử. Những thông tin cá nhân, thông tin sức khỏe, về các lần xét nghiệm, tiêm chủng sẽ buộc phải thông báo. Bên cạnh đó, những người vốn đang chịu tác động mạnh nhất của đại dịch là người già, người nghèo, người vô gia cư khó có thể được tiêm vắc xin sớm. Ở tầm quốc gia, các nước nghèo chưa đủ tiềm lực tiêm vắc xin cho người dân, công dân của họ sẽ bị phân biệt đối xử.

Hiện nay, dù vắc xin COVID-19 có hiệu quả phòng bệnh lên tới 95%, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng về việc liệu tiêm chủng vắc xin COVID-19 có miễn nhiễm với các biến thể mới của virus - loại có tốc độ lây lan mạnh hơn- hay không. Các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 xuất hiện lần đầu tiên tại Anh đã lan rộng ra khắp thế giới. Đến nay hơn 70 quốc gia ghi nhận có các trường hợp mắc COVID-19 biến thể từ Anh, biến thể từ Nam Phi xuất hiện ở hơn 30 quốc gia.

Sự xuất hiện của vắc xin COVID-19 được hy vọng sẽ giúp cải thiện hình hình nhanh chóng bị dập tắt khi nhiều tập đoàn sản xuất vắc xin không cung ứng đủ số hàng cam kết, thậm chí CH Czech mới đây đã tạm dừng tiêm vắc xin COVID-19 do số lượng vắc xin nhận được không đủ đáp ứng nhu cầu tiêm chủng. Theo các chuyên gia, việc tiêm phòng vắc xin COVID-19 cho người dân kể cả ở quốc gia giàu có, còn khá lâu mới hoàn tất, ít nhất phải hết năm nay, thậm chí là cả năm sau. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định “hộ chiếu miễn dịch” (chứng nhận tiêm vắc xin) không được khuyến nghị như một phương tiện để ngăn ngừa đường lây truyền qua biên giới.

Trong tương lai khi có thêm vắc xin mới ra đời, liệu các nước có công nhận vắc xin của nhau hay không, vắc xin có thể bảo vệ người được chủng ngừa trong thời gian bao lâu vẫn là những câu hỏi cần lời giải đáp trước khi ý tưởng hộ chiếu vắc xin trở thành hiện thực.


Nguyễn Trần
Ý kiến của bạn