Hà Nội

Tranh cãi quanh ca phẫu thuật cấy ghép đầu

14-04-2015 15:20 | Y học 360
google news

Một thanh niên Nga tình nguyện được cấy ghép đầu với hy vọng thay đổi số phận. Tuy nhiên, các nhà phẫu thuật thần kinh cho rằng bệnh nhân sẽ không thể sống được sau khi tủy sống bị cắt đứt hoàn toàn, nếu có sống cũng sẽ bị điên.

sjhead10415e-2703-1428983746.jpg
Valery Spiridonov, người đầu tiên tình nguyện được cấy ghép đầu. Ảnh: Beyond Science

Valery Spiridonov, 30 tuổi, tình nguyện trở thành người đầu tiên được cấy ghép đầu với phần cơ thể được lấy từ một người hiến tặng đã bị chết não. Valery mắc chứng rối loạn teo cơ di truyền (hay còn gọi là Werdnig-Hoffmann) và căn bệnh ngày càng diễn biến xấu đi theo thời gian. Anh quyết định sẽ thử làm người đầu tiên được ghép đầu.

Bác sĩ Hunt Batjer, thành viên Hiệp hội Bác sĩ phẫu thuật Thần kinh của Mỹ, bình luận trên CNN rằng: "Tôi ước điều này sẽ không xảy ra với bất kỳ ai. Đối với tôi, tôi không muốn ai thực hiện nó vì có nhiều điều còn tồi tệ hơn cả cái chết". Theo Batjer, vấn đề ở đây là việc ghép nối phần đầu của Valery với một cơ thể khác biệt (bao gồm cả tủy sống, tĩnh mạch...) có thể dẫn đến hệ quả là bệnh điên hay tình trạng mất trí chưa từng có trước đây.

Trong khi đó Arthur Caplan, chuyên gia của Trung tâm Y tế Langone thuộc Đại học New York, Mỹ, mô tả người thực hiện ca phẫu thuật này là "kẻ dở hơi". Ông tin rằng cơ thể của bệnh nhân ghép đầu sẽ bị ảnh hưởng bởi chất hóa học hay nhiều tác động khác nhau và bị điên.

Valery cho biết thông thường, người mắc bệnh như anh không sống quá 20 năm. "Tôi thực sự không có nhiều lựa chọn. Nếu tôi không thử cơ hội này, số phận của tôi sẽ rất đáng buồn. Giờ đây tôi gần như không thể kiểm soát cơ thể mình. Tôi cần sự hỗ trợ từng ngày, từng phút", Valery nói.

Theo RT, ca phẫu thuật của Valery sẽ do nhà giải phẫu học thần kinh Italy Sergio Canavero tiến hành, dự kiến kéo dài 36 giờ với sự tham gia của 150 bác sĩ và y tá. Não của bệnh nhân được làm lạnh ở mức 10-15 độ C để kéo dài thời gian tồn tại của tế bào trong điều kiện không có oxy. Sau đó, Canavero dùng dao mổ để cắt qua tủy sống và sử dụng một loại keo sinh học đặc biệt để kết nối phần đầu với cơ thể mới. Sau phẫu thuật, Valery sẽ ở trạng thái hôn mê khoảng 3-4 tuần và được ức chế miễn dịch.

sergio-canavero-neurochirurgo-2152-8990-
Bác sĩ Sergio Canavero, người nguyên bố có thể ghép đầu người năm 2017. Ảnh: oggi.it

Trong tuyên bố hồi đầu năm nay, Canavero từng cho biết ông có thể thực hiện ca cấy ghép đầu tiên trên thế giới trong hai năm tới và khẳng định rằng trong vòng một năm, người được ghép đầu có thể nói và đi lại bình thường. Canavero tin rằng phương pháp trên sẽ thành công vì ông sử dụng một lưỡi dao rất sắc, hạn chế nguy cơ tổn thương tủy sống. (Thông thường, tổn thương này sẽ gây liệt). Ông gọi chất liệu dùng để kết nối các dây thần kinh là một "thành phần ma thuật".

Richard Borgens, giám đốc Trung tâm nghiên cứu bại liệt của Đại học Purdue, Mỹ, nhận định ý tưởng của Canavero không có tính đảm bảo. "Không có bằng chứng nào cho thấy sự kết nối giữa dây cột sống và não bộ sẽ khiến chức năng vận động hoặc cảm giác hoạt động hiệu quả sau khi đầu được ghép nối", ông nói.

Cách đây 45 năm, chuyên gia Robert J. White người Mỹ từng thực hiện ca ghép đầu khỉ, nhưng nó chỉ sống được 8 ngày vì cơ thể không tiếp nhận phần đầu mới. Con khỉ không thể thở và di chuyển vì tủy sống ở đầu và cơ thể không kết nối với nhau.

Anh Hoàng

 

 


Ý kiến của bạn