Tranh cãi chuyện đưa người nhậu say về nhà, có phải là cổ súy cho thói hư tật xấu?

29-08-2022 10:47 | Xã hội
google news

SKĐS - Thông tin quận Hoàng Mai thành lập tổ xe ôm miễn phí đưa người say xỉn về nhà tại 160 quán nhậu ở 14 phường trên địa bàn quận đã gây ra nhiều ý kiến tranh cãi.

Bên cạnh những ý kiến tán đồng như lập tổ đưa người say về nhà sẽ đảm bảo an toàn cho cả  người uống rượu bia và những người tham gia giao thông khác. Bởi vì, so với việc tự điều khiển phương tiện về nhà trong tình trạng say xỉn, thì đưa miễn phí người nhậu say về nhà sẽ giúp người đó có ý thức hơn, lần sau họ sẽ tự bỏ tiền thuê xe về nhà.

Tuy nhiên bên cạnh những ý kiến tán đồng, trên nhiều các trang mạng xã hội, phần lớn mọi người không đồng ý với sáng kiến này. Nhiều người cho rằng, việc thành lập tổ xe ôm miễn phí đưa người nhậu say về nhà là đang cổ súy cho thói hư tật xấu. Thay vì việc miễn phí đưa người nhậu say về nhà, thì thành lập tổ miễn phí đưa người nghèo đi khám bệnh, hay sinh viên nghèo đi học thì điều này có ý nghĩa hơn.

Đưa miễn phí người nhậu say về nhà, có phải là cổ súy cho thói hư tật xấu? - Ảnh 1.

Trên mạng xã hội nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra khi thông tin quận Hoàng Mai thành lập tổ xe ôm miễn phí đưa người nhậu say về nhà.

Bạn đọc Nguyễn Thế Quyền cho rằng việc đưa người nhậu say về nhà lâu dần sẽ khiến họ ỷ lại, nghĩ họ có đặc quyền được bê tha mà vẫn có người giúp đỡ.

Bạn đọc Trần Doãn Khắc Huy lại có sáng kiến thay vì để tiền xăng làm việc vô bổ đó, thì dành số tiền này cho người nghèo sẽ có giá trị hơn, việc đưa miễn phí những người nhậu say về nhà không khác gì tập hư cho họ, cứ nghĩ ăn nhậu say có người đưa về nhà.

Bạn đọc Hữu Hùng lại cảm thán "Tại sao có những cái "tổ" ủng hộ hành vi vi phạm pháp luật như vậy?", thay vì sáng kiến này, để ngăn chặn tình trạng say xỉn tham gia giao thông có thể lập các chốt cảnh sát ngay gần quán nhậu, hoặc xử phạt thật nặng các hành vi này, may ra mới giảm tải được, chứ làm thế này khác gì cổ xúy cho các thánh nhậu.

Thậm chí nhiều thanh niên trên địa bàn quận Hoàng Mai, sau khi biết thông tin trên đã lập kèo đi nhậu,"mai anh em ta lập kèo thoải mái đi nhậu... về lại có xe ôm đưa về miễn phí, không sợ cảnh sát kiểm tra…".

Đưa miễn phí người nhậu say về nhà, có phải là cổ súy cho thói hư tật xấu? - Ảnh 2.

Cảnh ăn nhậu trên vỉa hè tại một con phố thuộc quận Hoàng Mai.

Trao đổi về vấn đề này, Đại tá, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý cho rằng việc quận Hoàng Mai thành lập tổ xe ôm đưa người miễn phí về nhà chỉ là một giải pháp tình thế, muốn vận động người dân uống bia rượu có chừng mực phải cần có thời gian, quy chế xử phạt nghiêm khắc mới thực hiện được. Tuy nhiên khi chưa vận động được, chưa có biện pháp mạnh hiệu quả để ngăn người dân uống rượu bia thì đây cũng là một giải pháp tức thời.

Về lâu dài phải làm thế nào vận động người dân uống rượu bia một cách chừng mực, kể cả các hàng quán, gia đình người thân bạn bè cần phải khuyên nhủ, không ép uống trong các cuộc vui.

Phải làm sao  vận động được người dân, khi nhậu chỉ uống trong chừng mực, đừng vì vui quá mà quá chén, thứ nhất là ảnh hưởng đến sức khỏe (như chúng ta đã biết uống rượu gây ra rất nhiều bệnh lý nghiêm trọng cho các cơ quan của cơ thể  như gan, thận, phổi…, thậm chí uống phải rượu giả còn gây tử vong ngay lập tức như các vụ ngộ độc rượu xảy ra gần đây…), ngoài ra còn gây tác động xấu cho xã hội như xô xát với bạn nhậu, thậm chí có thể gây ra án mạng, tai nạn khi tham gia giao thông, ảnh hưởng tới kinh tế gia đình khi nhiều người là trụ cột gia đình gặp tai nạn, phải nằm viện …  Uống rượu bia mà tham gia giao thông thực sự là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

"Việc quận Hoàng Mai thành lập tổ xe ôm miễn phí đưa người nhậu say về nhà chỉ là giải pháp tình thế để giảm tai nạn giao thông, và các vụ việc không hay xảy ra. Tuy nhiên đây cũng chưa phải là biện pháp giải quyết được gốc rễ của vấn đề, về lâu dài phải có một phương cách khác" Đại tá, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý cho biết.

Quan trọng nhất phải vận động người dân khi tham gia tiệc tùng, gặp gỡ bạn bè không nên uống nhiều, khi uống không nên tham gia giao thông, có thể di chuyển bằng phương tiện khác như taxi, xe ôm…

Thêm nữa cần phải có chế tài xử phạt thật nặng những người khi uống say tham gia giao thông. Cái chính là vận động người dân khi uống rượu phải làm chủ được mình, và thực hiện tốt câu khẩu hiệu "khi đã uống rượu bia thì không lái xe".

Liên tiếp xảy ra các trường hợp ngộ độc rượu gây chết người tại Bến TreLiên tiếp xảy ra các trường hợp ngộ độc rượu gây chết người tại Bến Tre

Gần đây, trên địa bàn tỉnh Bến Tre, các trường hợp ngộ độc rượu gây chết người liên tiếp xảy ra. Nhiều người phải nhập viện cấp cứu để lại di chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống người dân. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc sử dụng rượu không đảm bảo an toàn dẫn đến ngộ độc.


Ngọc Anh
Ý kiến của bạn