Tranh bút sắt Nửa vời và chấp chới

26-02-2014 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trong dòng chảy hội họa, tranh bút sắt là một nhánh nghệ thuật nổi bật về “tốc độ”, nói cách khác, người nghệ sĩ sử dụng chất liệu này không mất nhiều thời gian để cho ra đời một tác phẩm, đặc biệt nếu đó là phong cách ký họa.

Trong dòng chảy hội họa, tranh bút sắt là một nhánh nghệ thuật nổi bật về “tốc độ”, nói cách khác, người nghệ sĩ sử dụng chất liệu này không mất nhiều thời gian để cho ra đời một tác phẩm, đặc biệt nếu đó là phong cách ký họa. Không chỉ “tốc độ” mà chất liệu bút sắt còn đòi hỏi người vẽ rất nhiều tố chất, một khi đã quyết tâm vẽ thì không thể nhấc bút lên cho đến khi tác phẩm hoàn thiện. Tranh bút sắt chỉ có thể vẽ một lần, không thể vẽ thêm, càng không thể sao chép!

Nhìn thoáng qua, người thưởng ngoạn tranh bút sắt thường chỉ nhận ra vẻ đẹp mềm mại, giản dị và tình cảm, ít ai biết rằng đây là dòng tranh tiềm ẩn một cá tính khá mạnh mẽ và quyết liệt. Chính vì thế mà tranh bút sắt luôn là một thách thức lớn đối với giới họa sĩ. Có người vẽ tốt tranh sơn dầu, làm tranh sơn mài cũng rất chắc tay, thậm chí có thể “trổ tài” ở nhiều mảng hội họa nhưng lại “bó tay” trước... bút sắt, đặc biệt là những họa sĩ mới vào nghề. Đơn giản là vì tranh bút sắt không có khái niệm tẩy xóa, đặt nét nào phải “chắc” nét ấy, người trong giới còn nói vui, vẽ bút sắt là tạo nên những nét bút “định mệnh”.

Những tác phẩm bút sắt của họa sĩ Tôn Đức Lượng.

Những tác phẩm bút sắt của họa sĩ Tôn Đức Lượng.

Đối với các thế hệ sinh viên trường mỹ thuật, ký họa bút sắt không phải môn học “dễ nhằn”. Có người vẽ bút sắt lâu năm nhưng chỉ dừng lại ở mức độ ký họa ghi chép chứ chưa thuyết phục người xem ở góc độ nghệ thuật. Bởi ngoài việc thực hiện đúng thao tác, tranh bút sắt là một thể loại có những đặc tính riêng đòi hỏi họa sĩ phải vẽ nhiều, vẽ liên tục mới mong làm chủ được ngòi bút. Phải diệu nghệ lắm trong kỹ thuật sử dụng nét để gợi hình, gợi bóng, gợi màu. Có chi tiết tả kỹ, lại có chi tiết chỉ cần gợi thoáng như buông thả, như bâng quơ thảng thốt mà vẫn làm bật lên được cái hồn cốt của bức tranh, hay nói cách khác tuy chỉ là “đôi nét” thôi nhưng phải làm nổi bật được tính đặc trưng hay khái quát của ý tưởng chủ đề. Chính vì vậy mà những họa sĩ chinh phục được chất liệu bút sắt không nhiều, nếu không muốn nói là rất ít.

Lâu nay, khi nhắc đến tranh bút sắt, họa sĩ Tôn Đức Lượng được người trong giới ngưỡng mộ hơn cả. Ông có cả một “cuốn nhật ký lịch sử” bằng bút sắt, nói đúng ra là tranh ký họa bút sắt. Qua hai cuộc kháng chiến, ông đã cho ra đời hàng trăm bức tranh ký họa, chỉ bằng một dụng cụ duy nhất: bút sắt! Và 200 tác phẩm tranh kí họa bằng bút sắt của ông đã từng được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, thu hút hàng ngàn người đến thưởng ngoạn.

Đến nay, những họa sĩ kế thừa và tiếp nối dòng tranh ký họa bút sắt chưa có được những dấu ấn nào đặc biệt. Triển lãm tranh bút sắt cũng rất hiếm hoi giữa muôn vàn nhánh nghệ thuật thời thượng và đẳng cấp khác. Có chăng chỉ là những tác phẩm bút sắt được xếp xen kẽ với những dòng tranh khác để tạo nhịp điệu mà thôi. Không thể phủ nhận họa sĩ trẻ bây giờ “ngại” sử dụng chất liệu bút sắt. Thực tế này lại dẫn đến một nguy cơ khiến tranh bút sắt không chỉ dần mai một mà còn bị... “biến tấu”.

Cánh cửa giao thoa nghệ thuật giữa Việt Nam với thế giới  ngày càng rộng mở, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tranh bút sắt nói riêng, hội họa Việt nói chung. Trước vô vàn kỹ thuật mới được ứng dụng trong hội họa, giới họa sĩ trẻ đang chấp chới với nhiều phong cách vẽ bút sắt, đặc biệt là lối vẽ phương Tây. Cuối cùng, họ chọn cách nhanh gọn nhất. Bây giờ, việc tạo nên một bức tranh bút sắt không còn là thách thức nữa. Chỉ cần chuẩn bị mực Ấn Độ, là loại mực không thấm nước để sau khi đi bút sắt có thể lên màu nước, tiếp đó là bút sắt, bút lông, màu nước, bút chì và giấy.

Đầu tiên, người thực hiện sẽ dùng một tấm ảnh có sẵn, sau đó chọn một góc ưng ý nhất rồi cắt nó ra, tiếp đó là thao tác vẽ lại bằng nét chì rồi mới lên mực, cuối cùng là diễn tả chi tiết. Với “công nghệ” nhanh gọn này, bất kỳ ai cũng dễ dàng tạo nên những bức tranh bút sắt chính xác đến từng chi tiết, trong quá trình vẽ cũng không lo đến việc bị “đứt đoạn” hay phải nhấc bút giữa chừng. Một cách “siêu tốc” khác chính là chụp ảnh, sau đó “đồ lại” bằng phần mềm photoshop rồi in ra giấy, cuối cùng mới là thao tác “đánh lừa” con mắt người xem bằng những nét bút thật “đè” trên mực in.

Tuy nhiên, tranh bút sắt phong cách “công nghiệp” như thế này lại chẳng bao giờ đạt đến đẳng cấp nghệ thuật mà nó chỉ có tác dụng thỏa mãn thú vui chốc lát. Thế mới thấy, tìm được những đôi tay thực sự làm chủ được những cây bút sắt rất khó trong thời buổi “công nghiệp hóa” len lỏi đến mọi ngõ ngách của đời sống nghệ thuật.

Người ta không bán được tranh bút sắt! Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự tồn tại nửa vời và chấp chới của dòng tranh này. Khi được trưng bày trong triển lãm, tranh bút sắt được đánh giá là tác phẩm nghệ thuật, nhưng khi bước ra cuộc sống, tranh bút sắt chỉ là sự ghi chép có yếu tố nghệ thuật, nó sẽ chẳng có vị trí nào đặc biệt nếu không mang giá trị và ý nghĩa lịch sử. Vì thế, ngoài những tác phẩm quý còn sót lại của những họa sĩ gạo cội thì tranh bút sắt thời hiện đại rất khó trụ vững trong thế giới hội họa luôn tôn thờ yếu tố trừu tượng và “ảo diệu”.             

 Tùng Lâm

 


Ý kiến của bạn