Hà Nội

Tránh bỏng nắng ngày hè ra sao?

03-06-2015 14:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Dưới ánh nắng gay gắt của mùa hè, nếu thường xuyên phải làm việc hoặc đi lại ngoài trời có thể gây ra tình trạng cháy nắng, nám, tàn nhang, nổi mụn,...

Dưới ánh nắng gay gắt của mùa hè, nếu thường xuyên phải làm việc hoặc đi lại ngoài trời có thể gây ra tình trạng cháy nắng, nám, tàn nhang, nổi mụn,... nghiêm trọng hơn, khi da bị tác động quá mạnh của tia mặt trời sẽ dẫn đến tình trạng bỏng nắng rất có hại và tồn tại lâu trên da.

Da bị cháy nắng, bỏng và bị tổn thương, bong tróc lớp biểu bì trên cùng do bỏng nắng.

Bỏng nắng là một tình trạng mẫn cảm ánh nắng, sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời từ 2 - 6 giờ thì tổn thương da xuất hiện. Các vùng da dễ bị tổn thương như mặt, tam giác cổ áo, mu bàn tay, cẳng tay có cảm giác bị rát, nóng hoặc châm chích, đôi khi có thể hơi ngứa. Sau đó da các vùng này bị đỏ lên, lúc đầu đỏ nhạt sau mức độ đỏ tăng dần. Có thể sưng nề và có cảm giác bị căng cứng vùng da đó. Độ vài giờ đồng hồ da bớt đỏ, bớt căng, rát. Sau 1- 3 ngày, da đỡ đỏ rồi trở nên thẫm màu và bong vảy nhẹ. Vảy nhỏ như phấn, cám và có thể bong vài lần mới dừng. Nền da phía dưới vẫn còn hồng nhạt hoặc có thể có màu nâu nhạt kiểu như rám nắng.

Thời gian hay gây bỏng nắng là khoảng giữa trưa từ 11 - 15 giờ, khoảng thời gian mà nồng độ tia cực tím tập trung cao.

Để phòng bỏng nắng và tổn thương da, khi ra ngoài nắng, đặc biệt là tầm trưa, làn da nên được che chắn bảo vệ kĩ càng. Việc bôi kem chống nắng là rất quan trọng để hạn chế tác hại của các tia tử ngoại lên da. Nên chú ý là phải bôi kem trước khi ra ngoài 15-30 phút mới có tác dụng. Sử dụng thêm các biện pháp phòng chống khác như đội mũ rộng vành, đeo kính râm, dùng son dưỡng, áo chống nắng giúp hạn chế tác động của ánh nắng đến da.

Mời bạn đọc xem tiếp phần 2 " Khắc phục da bị bỏng nắng" vào 8h ngày 4/6/2015

BS. Nguyễn Thanh Hà

 

 

 


Ý kiến của bạn