(SKDS) - Nằm trong dòng chảy gấp gáp của mỹ thuật đương đại, tranh biếm họa ngày càng được ưa chuộng và trở thành một hình thức phản ánh xã hội thông minh, tinh tế, chiều sâu. Cộng với việc nắm bắt một cách nhanh nhạy các chủ đề thời cuộc, tranh biếm họa đang dần trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của công chúng Việt.
Biếm họa để lên án những tiêu cực của xã hội
Nếu để ý sẽ thấy trên các tờ báo ăn khách hiện nay đều có mục tranh biếm họa được nhiều người quan tâm, theo dõi. Những tệ nạn xã hội như tham ô, tham nhũng, ma túy, mại dâm hoặc bệnh thành tích, chạy điểm, quay cóp, phá rừng... được thể hiện một cách tài tình qua nét bút phóng khoáng, nhiều liên tưởng thú vị của các họa sĩ.
Những bức tranh như vậy còn có giá trị cảnh tỉnh sâu sắc gấp nhiều lần những lời tuyên truyền sáo rỗng. Những bức tranh như một mảnh ghép của xã hội còn đó những tồn tại, tiêu cực mà thông qua đó, mỗi người dân nhận thức, thay đổi và hiệu triệu cộng đồng cùng góp sức cho một xã hội văn minh. Như vậy, ngoài yếu tố dí dỏm, hài hước, tranh biếm họa Việt Nam còn là một vũ khí đấu tranh xã hội hiệu quả.
Ở nước ngoài, dù là nghề được nhận định là có nhiều mối nguy hiểm ẩn tàng vì tính chất phê phán, giễu cợt sâu cay không chừa một ai vẫn hình thành nên những thế hệ họa sĩ vẽ tranh biếm họa kỳ tài. Đó là Barbara Henniger (Đức), Juri J Kosobukin (Ukraine), Mikhail Zlatkovsky (Nga), Ali Dilem (Algeria)... Nhận thức được giá trị xã hội sâu sắc của tranh biếm họa, ở Việt Nam đã dần hình thành một đội ngũ những họa sĩ tâm huyết với dòng tranh này. Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Phan Kế An, Lý Trực Dũng, Trần Lương... là một trong những tên tuổi của dòng tranh còn khá mới mẻ nhưng được quan tâm đặc biệt này.
Tranh biếm họa của Lý Trực Dũng. |
Theo những nhà phê bình mỹ thuật đương đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên có tranh biếm họa đăng báo. Từ những bức tranh đả kích chế độ bóc lột của thực dân, đế quốc đăng trên Le Paria (Người cùng khổ) tháng 5/1922 đã mở đầu cho một thời đại tranh biếm họa ở Việt Nam.
Tuy sinh sau đẻ muộn, nhưng theo họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Quân: “Biếm họa Việt Nam đã bắt rễ vào truyền thống “đất cười”, không gian “làng cười” của dân tộc để trở thành một môn nghệ thuật độc đáo, thú vị, đồng hành với lịch sử hiện đại của dân tộc”. Hơn ai hết, miêu tả những mặt tiêu cực của xã hội qua nét vẽ, người họa sĩ vẽ biếm họa đã khẳng định được sự can đảm, dám dấn thân, thể hiện tinh thần xây dựng và vì một xã hội tiến bộ hơn, tốt đẹp hơn.
Phản ánh chân thực muôn mặt đời sống
Vươn mình ra những mảng chủ đề và cách thể hiện khác nhau, ngày nay, tranh biếm họa Việt không còn đơn thuần phê phán, đả kích. Tinh thần phóng khoáng của thời đại cho phép người họa sĩ “múa bút” một cách thoải mái và sáng tạo hơn. Đâu đó, ta có thể bắt gặp những bức tranh biếm họa về giá xăng tăng đột ngột, về cảm xúc chiến thắng của các đội tuyển bóng đá, về đời tư của các cầu thủ, về đại gia AIG (Mỹ), khủng hoảng kinh tế Mỹ, thời đại internet, về thói “ông ăn chả bà ăn nem”, về bản quyền truyền hình... Những sự kiện nóng hổi về văn hóa, xã hội, kinh tế lần lượt được tranh biếm họa biến thành những chủ đề táo bạo và sâu sắc.
Đặc điểm phóng bút của tranh biếm họa khiến nhiều người vô tình trở thành chủ đề tranh dù nóng mặt nhưng đành... im lặng. Hàng loạt những ngôi sao nổi tiếng của showbiz trở thành người mẫu không công cho các họa sĩ biếm họa. Khi nhìn vào những chi tiết thú vị mà các họa sĩ khai thác từ đặc điểm, bản sắc của mình, không ít người bật cười và thán phục tài năng quan sát, thẩm thấu của người vẽ tranh. Bởi vậy, không ít những người nổi tiếng ở Việt Nam, nhất là các nghệ sĩ hài thường treo tranh biếm họa về mình trong phòng riêng.
Ngay cả trong một cuộc thi mang đậm tính cảnh tỉnh xã hội như Giải biếm họa báo chí Việt Nam - Cúp Rồng vàng về đề tài Môi trường và biến đổi sinh thái năm vừa qua, những tác phẩm đạt giải cao như Miếng ghép ngược (Trần Hải Nam), Cá hóa thạch (Nguyễn Hữu Lộc), Dòng sông đen (Hà Xuân Nồng)... đều có những cách thể hiện nhẹ nhàng, gần gũi mà sâu sắc. Nhân mùa Euro vừa qua, Cuộc thi Nhật ký Euro bằng tranh do họa sĩ Lý Trực Dũng làm Trưởng ban giám khảo cũng chính thức khởi động.
Cuộc thi đã chọn ra được hơn 50 tác phẩm trưng bày triển lãm cùng tên tại 52, Hai Bà Trưng, Hà Nội trung tuần tháng 7. Một loạt những biến thể của tranh biếm họa gồm biếm họa ngụ ngôn, biếm họa hiện tượng... đang được giới trẻ quan tâm và yêu thích. Và họ luôn hi vọng sẽ có nhiều thêm những cuộc thi vẽ tranh biếm họa để phát hiện và chắp cánh cho những tài năng hội họa còn ẩn dật.
Hạnh Văn