Ngày 29/4, tỉnh Khánh Hòa trang trọng khai mạc lễ hội Tháp bà Ponagar, lễ hội kéo dài đến ngày 1/5. Đây là chương trình đặc biệt của địa phương nhằm tưởng nhớ đến công ơn của Thiên Y A Na Thánh Mẫu (còn gọi là người mẹ xứ sở).
Ngay từ sáng tinh mơ ngày khai mạc, đã có hàng ngàn người từ khắp các vùng miền, đặc biệt là người Chăm mang lễ vật về cúng dâng Thiên Y A Na Thánh Mẫu với tất cả lòng thành kính và biết ơn bà.
Theo Trung tâm bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa, Tháp bà Ponagar được xây dựng từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIII. Nơi đây thờ nữ thần Ponagar (còn gọi là Thiên Y A Na Thánh Mẫu, tương truyền đây là vị nữ thần có công giúp cộng đồng người dân biết cách sinh kế, tránh hoạn nạn, biết trồng lúa, nuôi tằm).
Dưới đây là chùm ảnh ghi nhận không khí trang trọng ngày khai hội Tháp bà Ponagar.

Đội nghi lễ chuẩn bị các tiết mục đặc sắc để tưởng nhớ Thiên Y A Na Thánh Mẫu trong ngày khai mạc lễ hội.

Các điệu múa của những vũ nữ người Chăm trong ngày khai mạc lễ hội Tháp bà Ponagar.

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đánh trống khai mạc lễ hội Tháp bà Ponagar. Năm 1979, Tháp Bà Ponagar được xếp hạng di tích quốc gia. Đối với lễ hội Tháp Bà Ponagar (khai mạc ngày 21/3 âm lịch hàng năm) được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa, lễ hội là dịp để mọi người đến Tháp bà Ponagar cầu cho quốc thái dân an, gia đình ấm no, hạnh phúc.

Người dân từ khắp các vùng miền thành kính mang lễ vật về dâng lên Thiên Y A Na Thánh Mẫu.

Lễ dâng lên Thiên Y A Na Thánh Mẫu là những thứ cây trái ngon và thịt heo hoặc gà.

Sau khi bày biện lễ vật quanh chân tháp bà, nhiều người cùng thành kính gửi lời cầu khẩn cho quốc thái dân an, gia đình hạnh phúc đến Thiên Y A Na Thánh Mẫu.

Nhiều trẻ em cũng kính cẩn đến dâng hương lên Thiên Y A Na Thánh Mẫu.

Đến với lễ hội Tháp bà Ponagar, hầu hết người dân, đại biểu đều ăn mặc trang trọng.

Theo Trung tâm bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa, vật liệu xây dựng Tháp bà Ponagar là gạch nung nhưng không hề có hiện tượng rêu bám, các viên gạch liền mạch không để lộ chất kết dính, rất vững chãi. Điều này đã được các nhà khoa học lý giải nhiều cách khách nhau, tuy nhiên kỹ thuật nung gạch cũng như nghệ thuật xây dựng tháp cổ đến nay vẫn là điều bí ẩn.
Đông đảo người dân đến dự khai hội Tháp bà Ponagar.