Sáng 10/10, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố giáo sư Trần Hữu Tước (1913-2013). Đồng chí Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã đến dự và gửi lời thăm hỏi, tặng hoa gia đình cố GS. Trần Hữu Tước. Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, cố GS. Trần Hữu Tước là một người thầy thuốc mẫu mực, một tấm gương sáng về tài năng và y đức của nền y tế cách mạng Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố GS. Trần Hữu Tước. Ảnh: PV |
GS. Trần Hữu Tước sinh ngày 13 tháng 10 năm 1913 trong một gia đình trung lưu tại làng Bạch Mai, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, nay thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đặc biệt nhấn mạnh đến chi tiết cố GS. Trần Hữu Tước là học sinh xuất sắc của Trường Albert Sarraut, được cử sang Pháp và thi đậu vào trường Đại học Y Paris. Được đào tạo bài bản về y khoa, có một tương lai hứa hẹn tại Pháp nhưng ông vẫn cùng một số nhà trí thức nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ, về phục vụ quê hương. Ông đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng nền móng cho ngành tai-mũi-họng. Ông dành nhiều công sức đào tạo, bổ túc và xây dựng đội ngũ cán bộ và mạng lưới cán bộ y tế chuyên khoa tai-mũi-họng trên toàn miền Bắc. Cả cuộc đời, ông đóng góp toàn bộ trí tuệ và sức lực để xây dựng ngành tai-mũi-họng hoàn chỉnh, vừa có trình độ quốc tế, vừa làm tốt nhiệm vụ phục vụ nhân dân.
Những câu chuyện cảm động về sự mẫu mực và tận tụy của cố GS. Trần Hữu Tước còn được thể hiện qua lời kể của những bệnh nhân đã từng được ông chữa bệnh. Như đồng chí Nguyễn Túc, hiện là Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam, từng được giáo sư và các cộng sự của ông vất vả cả nửa năm trời mới điều trị được căn bệnh xoang cộng với vẹo vách ngăn bẩm sinh ở mũi. Có điều kiện quan sát, tìm hiểu, đồng chí Nguyễn Túc càng khâm phục tài năng, đức độ của vị giáo sư đầu ngành tai-mũihọng. Đó là vào tháng 7 năm 1975, hơn hai tháng sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Một hôm, giáo sư gặp đồng chí Nguyễn Túc để nhờ sắp xếp đi miền Nam một chuyến. Chuyến đi ấy, ông kết hợp vào thăm bạn bè, đồng nghiệp và qua đó xin anh em bạn bè, đồng nghiệp những tài liệu, trang thiết bị mới nhất có thể có, rất cần cho Viện tai-mũi-họng lúc bấy giờ.
Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tặng hoa đại diện gia đình cố GS.Trần Hữu Tước. Ảnh: PV |
Giáo sư còn là một nhà hoạt động xã hội nhiệt tình, là đại biểu Quốc hội khóa II, III và IV; Chủ tịch đầu tiên của Tổng hội Y học Việt Nam; Chủ tịch Hội tai-mũi-họng Việt Nam... Ở cương vị nào, ông cũng luôn hoàn thành công việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
GS. Trần Hữu Tước đã được tuyên dương Anh hùng Lao động năm 1966, được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 1983 và được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - kỹ thuật đợt 1 (năm 1996).