Trọn đời học theo Bác Hồ
Khát vọng ngày càng cháy bỏng nên sau nhiều năm làm Giám đốc Bảo tàng Phú Khánh (gồm 2 tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên cũ) đến khi nghỉ hưu thì ông Phước liền thực hiện khát vọng. Ông dốc hết tiền của đã tiết kiệm được để xây dựng Khu tưởng niệm Bác Hồ trong khu đất của gia đình mình ở xã Phước Đồng.
Cứ mỗi dịp lễ, nhất là ngày sinh nhật Bác Hồ, đông đảo nhân dân địa phương lại đổ về Khu tưởng niệm Bác Hồ tại gia của ông Phước để tưởng nhớ về Bác.
Ông Phước thổ lộ, ông luôn mong muốn công lao to lớn của Bác Hồ mãi mãi được các thế hệ con cháu sau này, đặc biệt là ở các vùng núi xa xôi biết đến. Vậy nên suốt bao nhiêu năm qua ở đâu có hiện vật hay các tư liệu hay liên qua đến Bác Hồ là ông đến xin sao/chụp lại để về lưu giữ.
Khu tưởng niệm Bác Hồ được ông khởi công xây dựng từ năm 1997. Các gian nhà được xây dựng kiên cố nhất để giữ các kỷ vật, hình ảnh về Bác. Hàng ngày ông cần mẫn thắp hương tưởng nhớ Bác cũng như cẩn thận bảo quản các kỷ vật.
Hàng trăm hình ảnh, kỷ vật liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ được ông Phước tái hiện một cách trang nghiêm, tôn kính. Điển hình như: Chiếc áo của Bác Hồ; hình ảnh nhà sàn Bác Hồ từng ở hay những trang viết có bút tích của Bác Hồ…
Có nhiều hiện vật, kỷ vật bằng giấy bảo quản rất khó khăn nên ông Phước càng phải chăm chút nhiều hơn. Những câu chuyện kể về Bác cũng được ông sưu tầm, ghi nhớ. Có nhiều bức ảnh hay kỷ vật ông Phước phải cất công đi khắp nơi tìm thợ phục chế nhưng vẫn giữ nguyên màu sắc và đường nét cũ, nhọc nhằn không kể xiết. Nhưng cũng vì ông có kiến thức chuyên sâu về bảo tàng nên dù những bức ảnh đã hư hỏng nặng ông vẫn có phương án phục chế và bảo quản được. Tất cả được ông xem như tài sản vô giá để lại cho các thế hệ sau.
Ngay từ khi còn tham gia Sư đoàn 305 cùng đồng đội chiến đấu với quân địch hay sau ngày giải phóng, dù làm nhân viên bảo tàng hay khi lên làm giám đốc ông Phước vẫn một lòng luôn tâm niệm, làm việc gì cũng nghĩ đến Bác Hồ. Sống sao cho không hổ thẹn với những chiến sĩ đã hy sinh cho sự bình yên của đất nước. Thế nên, có những ngày cuối tuần ông cực nhọc quay về các chiến trường xưa tìm những kỷ vật liên quan Bác Hồ và đồng đội của mình.
Trong Khu tưởng niệm Bác Hồ tại gia đình mình, ông Phước còn dành một không gian nhỏ lập tượng đài tưởng nhớ các đồng đội Sư đoàn 305 đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ đất nước.
"Địa chỉ đỏ" giáo dục tinh thần cách mạng
Theo đánh giá của nhiều cấp chính quyền ở tỉnh Khánh Hòa, Khu tưởng niệm Bác Hồ tại gia của ông Bùi Xuân Phước là "địa chỉ đỏ" giáo dục tinh thần cách mạng, nhất là đối với các thế hệ trẻ.
Cũng như các năm trước, đúng ngày sinh nhật Bác Hồ năm nay, Khu tưởng niệm Bác Hồ tại nhà ông Phước tổ chức hàng loạt chương trình đặc sắc. Hàng loạt ca khúc về Bác; các câu chuyện về Bác…được thể hiện sâu lắng, ấn tượng.
Đặc biệt, trong dịp 19/5 năm nay, Tỉnh đoàn Khánh Hòa còn tổ chức tặng Khu tưởng niệm Bác Hồ của ông Phước công trình thanh niên là "Không gian văn hóa đọc - Tủ sách Bác Hồ". Đây là những cuốn sách quý liên quan đến Bác, viết về Bác. Ông Phước cho biết sẽ luôn mở cửa rộng rãi và khuyến khích các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên, học sinh… đến với tủ sách để ghi nhớ sâu sắc hơn các công lao của Bác.
Nhiều người dân trên địa bàn xã Phước Đồng cho biết, không chỉ ngày sinh nhật Bác Hồ mà dịp hè hay các cuối tuần đều rất đông người đến Khu tưởng niệm Bác Hồ của gia đình ông Phước để nghe ông chỉ dẫn và giới thiệu cặn kẽ về từng hiện vật về Bác Hồ.
Nhiều tiết mục văn nghệ sâu lắng tại Khu tưởng niệm Bác Hồ tại gia của ông Phước vào ngày 19/5/2022.