Do đó, việc Viện Tim mạch Quốc gia đưa vào sử dụng thêm phòng can thiệp tim mạch thứ 6 với trang thiết bị và cố vấn chuyên môn từ GE Healthcare sẽ góp phần giúp nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch ở Việt Nam...
PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng.
PV: Được biết, cùng với các bệnh không lây nhiễm khác, bệnh tim mạch ngày càng gia tăng, xin ông cho biết thêm thông tin về tình hình bệnh tim mạch hiện nay?
PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng: Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong trên toàn cầu, thường do rối loạn chức năng tim và các bệnh mạch vành gây ra. Tại Việt Nam, cứ 3 ca tử vong thì có 1 ca do bệnh tim mạch.
Riêng tại Viện Tim mạch Quốc gia, số lượng bệnh nhân được điều trị bằng kỹ thuật tim mạch can thiệp hiện đang tăng với tốc độ trung bình 10-20% mỗi năm. Năm 2018, Viện Tim mạch Quốc gia can thiệp tim mạch cho hơn 12.300 ca, nhiều nhất khu vực Đông Nam Á, trong đó trên 50% là bệnh nhân mắc bệnh mạch vành.
Trong số các bệnh lý tim mạch, bệnh động mạch vành và đột quỵ não là nguyên nhân gây tử vong hoặc tàn phế nhiều nhất. Trước đây, bệnh lý mạch vành, động mạch não, bệnh động mạch ngoại biên thường gặp ở người cao tuổi nhưng hiện nay ngày càng trẻ hóa. Thậm chí, gần đây, Viện Tim mạch đã tiếp nhận có những bệnh nhân nhồi máu cơ tim rất trẻ, từ 20 - 30 tuổi.
PV: Thưa ông, bệnh lý tim mạch gia tăng làm cho việc điều trị bằng kỹ thuật tim mạch can thiệp hiện cũng tăng theo. Vậy số lượng các phòng can thiệp hiện có của Viện có đáp ứng nhu cầu của người bệnh hay không?
PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng: Do số lượng bệnh nhân quá đông và ngày càng gia tăng nên hiện tại, cả 5 phòng can thiệp tim mạch của Viện Tim mạch Quốc gia luôn phải làm việc hết công suất, trung bình thực hiện khoảng từ 50-60 ca/ngày, có ngày cao điểm còn lên tới 70 ca. Trong khi đó, tại Bệnh viện Massachusetts của Mỹ, 6 phòng can thiệp xử lý tối đa 20 ca/ngày/mỗi phòng.
Do bệnh nhân tăng, nhiều lúc cả bệnh nhân và thầy thuốc đều phải chịu áp lực của quá tải, bệnh nhân thì phải chờ đợi, thầy thuốc thì phải làm việc hết công suất.
PV: Vậy theo ông, việc đưa vào sử dụng phòng can thiệp thứ 6 này mang lại những ý nghĩa như thế nào đối với công tác khám chữa bệnh các bệnh lý tim mạch?
PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng: BV Bạch Mai là bệnh viện lớn nhất khu vực phía Bắc, trong đó, Viện Tim mạch Quốc gia đứng đầu cả nước về lĩnh vực tim mạch can thiệp với 6 phòng can thiệp tim mạch đi vào hoạt động (tính cả phòng vừa ra mắt).
Trung tâm can thiệp tim mạch có thể giúp phát hiện sớm bệnh tim thông qua công nghệ chẩn đoán hình ảnh như siêu âm tim gắng sức hoặc chụp chẩn đoán mạch vành, buồng tim bằng máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA).
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đầu tư vào các công nghệ và thiết bị nhằm giúp bác sĩ chăm sóc và điều trị bệnh nhân tốt hơn, chúng tôi đã phối hợp với các đối tác xây dựng thêm một phòng can thiệp tim mạch nhằm hỗ trợ tích cực cho các hoạt động đào tạo và khám chữa bệnh tại viện.
Với phòng can thiệp này, chúng tôi không chỉ chú trọng vào các thiết bị cao cấp mà còn tập trung tới những công nghệ, phần mềm tiên tiến kèm theo đó như tính năng hỗ trợ xác định mặt phẳng vòng van khi thay van động mạch chủ qua đường ống thông, ứng dụng 3D Live Roadmap hỗ trợ can thiệp mạch máu giúp các bác sĩ can thiệp có thể xử lý được nhiều ca bệnh phức tạp một cách hiệu quả trong khi tăng cường an toàn và thoải mái cho người bệnh.
Ý nghĩa quan trọng hơn là máy này là thế hệ máy mới đã tích hợp thêm một phần nào đó trí tuệ nhân tạo (AI), do đó, hệ thống máy này sẽ góp phần giúp thầy thuốc chẩn đoán và giải quyết được ngày càng tốt hơn những bệnh lý phức tạp.Ví dụ, với thủ thuật thay van động mạch chủ qua đường ống thông, chứ không phải mổ phanh, tuy nhiên, để thay được van động mạch chủ thì hình ảnh phải thật chuẩn, phải đo được độ nghiêng, khoảng cách mạch vành là bao nhiêu, rồi tốc độ vôi hoá, đường kính của vôi hoá... đều được máy tính toán hết, thay vì trước đây các chuyên gia phải tách từng phần ra để chụp cắt lớp, sau đó còn phải đo, xong lại chọn, xong lại đo lại.
Ngay trong can thiệp mạch, hệ thống máy này có các phần mềm hỗ trợ, giúp giảm chiếu tia xuống người bệnh và nhân viên y tế. Phần mềm đã cài đặt trong máy sẽ lưu lại các hình, các đường đi cũ nên lần sau nếu bệnh nhân có thực hiện can thiệp mạch thì sẽ đi lại các đường cũ, tất nhiên có cộng thêm các thì mới quan trọng, nhưng như vậy lượng tia xạ chiếu ra cũng không nhiều.
Tôi xin nhấn mạnh việc đưa vào sử dụng phòng can thiệp tim mạch chuyên sâu thứ 6 này sẽ không chỉ góp phần giải quyết những ca bệnh phức tạp nhờ hỗ trợ của phần mềm tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) mà còn góp phần giảm tải tình trạng bệnh nhân phải đợi, giảm áp lực cho cả nhân viên y tế.
Ý nghĩa lớn tiếp theo của phòng can thiệp tim mạch hiện đại chuyên sâu này đi vào hoạt động còn phục vụ hiệu quả cho công việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng về chuyên ngành tim mạch cho các bệnh viện tuyến dưới. Trung tâm can thiệp tim mạch của chúng tôi là trung tâm đào tạo lớn, do vậy cần có trang thiết bị tối tân để phục vụ đào tạo.
PV: Ông có thể cho biết lý do lựa chọn trang thiết bị của GE Healthcare cho phòng can thiệp tim mạch số 6 này?
PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng: Lý do chọn hệ thống máy của GE Healthcare là vì: thứ nhất về mặt chất lượng, trang thiết bị của GE Healthcare cũng như hình ảnh chụp, chiếu và phần mềm của các thiết bị được cập nhật rất nhanh với các tiến bộ trên thế giới.
Thứ hai, giá cả của các trang thiết bị của GE Healthcare cùng chức năng với các máy khác thì có vẻ giá hợp lý hơn.
Thứ ba, việc trang bị hệ thống trang thiết bị của GE Healthcare tại phòng chụp này không hẳn là do chúng tôi lựa chọn mà chúng tôi đề xuất những yêu cầu chuyên môn để nhà tài trợ lựa chọn sản phẩm phù hợp với điều kiện thực tiễn và mamg lại hiệu quả cao khi áp dụng cả cho người bệnh, cho nhân viên y tế và cho cả công tác đào tạo nhân lực.
Trong 6 máy chụp mạch tại BV Bạch Mai hiện nay có 2 máy của hãng GE Healthcare.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!