Trạng rượu và thơ Thụy Điển

19-01-2012 07:28 | Văn hóa – Giải trí
google news

Thơ của Bellman bắt nguồn từ thơ ca truyền thống Thụy Điển tán tụng những sự việc và những nhà quyền quý đương thời, từ những truyền thống opéra và nhạc kịch vui Pháp rất phổ biến ở Thụy Điển vào giữa thế kỷ 18.

Trời đất sinh ta rượu với thơ
Không thơ không rượu sống như thừa

Hai câu thơ này của Tản Đà thật phù hợp với Trạng rượu và thơ Thụy Điển Bellman sống vào thế kỷ 18. Gọi ông là Trạng không ngoa, vì cuộc đời và khí chất của ông lông bông dân dã. Ông không phải là nhà thơ lớn, nhưng đã chiếm một vị trí đặc biệt trong lòng người dân Thụy Điển và Bắc Âu. Hằng năm, ngày 26/7 là Ngày hội Bellman. Viện Hàn lâm sẽ trao giải thưởng cho nhà thơ Thụy Điển nào xuất sắc.

Thơ của Bellman bắt nguồn từ thơ ca truyền thống Thụy Điển tán tụng những sự việc và những nhà quyền quý đương thời, từ những truyền thống opéra và nhạc kịch vui Pháp rất phổ biến ở Thụy Điển vào giữa thế kỷ 18. Thiên tài Bellman đã biến những bài ca dung tục thành những bài thơ bất hủ. Bellman (1740-1795) sinh ra trong một gia đình trung lưu lớp trên, gốc Đức, sống ở thủ đô Stockholm. Ông học hành không đến đâu, làm công chức làng nhàng. Rồi ông bị lôi cuốn vào cuộc sống hưởng lạc, chơi bời nợ nần nên có lần phải trốn nợ sang Na Uy.
 
Ngay từ khi còn trẻ, ông đã có tài thi ca. Khi từ Na Uy trở về quê hương, ông phát huy khả năng ấy. Ông soạn bài ca chuốc rượu theo mẫu Pháp và do đó nổi tiếng suốt những năm 60 của thế kỷ 18. Thi hứng của ông xoay quanh hai chủ đề: thi ca đùa giỡn dâng thần rượu Bacchus và thi ca miêu tả cuộc sống rượu chè ong bướm của một số nhân vật. Loại sáng tác đầu sớm rơi vào lãng quên, nhưng loại thứ hai đã sống với thời gian và đi vào bất tử với tập Thư văn vần của Fredman.
 Nhà thơ Bellman (1740-1795).

Bellman gặp vận sau khi vua Gustav III đảo chính nắm quyền hành (1772). Ông làm thơ ca tụng đức vua có nhiều tham vọng về văn nghệ nên được làm một chân thư ký ở triều đình, rồi được giao việc tổ chức sân khấu của nhà vua. Sau khi Gustav III bị ám sát (1792) thì nhà thơ mất vị trí xã hội. Ông ốm đau lại nợ nần, phải ngồi tù vì nợ. Được bạn bè giúp đỡ chuộc ra, ông bị ho lao và mất năm 55 tuổi. Khi đó, phần lớn sáng tác của ông chưa được xuất bản và ở trong tay bạn bè, người quen. Dần dần, những bản thảo được in ra, nhưng cho đến nay vẫn chưa được xuất bản toàn bộ. 

Bài ca chuốc rượu theo kiểu ca tụng Thần rượu Bacchus là sở trường của Bellman. Ông có thử nhiều thể loại khác nhưng không thành công bằng.

Ông sử dụng những khuôn sáo cổ điển của loại ca chuốc rượu: tình tri kỷ của những đệ tử rượu, thoát  ly những thống khổ của xã hội. Ông đã phá vỡ nội dung những khuôn sáo cũ của thể loại “ca chuốc rượu” bằng cách đưa vào thơ không khí của thời đại ông, những phác thảo sinh động về sự việc và con người nơi yên hoa. Nhà thơ miêu tả rất hiện thực cuộc truy hoan phá hoại cả cuộc đời những kẻ say sưa, phản ánh tình trạng suy thoái đạo đức của xã hội khoảng cuối thế kỷ 18. Ông miêu tả và toát ra lời phê phán xã hội, lưu lại nỗi thương cảm những kẻ bất hạnh, gần giống như nhà thơ ngụ ngôn Pháp La Fontaine.

Nhân vật trung tâm của tác phẩm Thư văn vần của Fredman là anh thợ đồng hồ Fredman ở Stockholm, bệnh hoạn và chết trong nghiện ngập. Bellman đùa giỡn phong thánh cho Fredman, coi như vị Thần rượu Bacchus. Xoay quanh Fredman là một số nhân vật ngoạn mục ở quán rượu như cô ả Ulla xinh đẹp cùng những ả giang hồ khác là các “tu sĩ” của thần rượu và lão chủ quán đa tình…

Những bài ca chuốc rượu của Bellman là những bức họa thể hiện những cảnh đương thời, vừa hiện thực, vừa có khía cạnh duyên dáng như những cảnh giao duyên mục ca thời cổ.

Bellman giống nhạc sĩ Áo Mozart vì cả hai đều nhẹ nhàng, duyên dáng, thích sân khấu với nỗi buồn bàng bạc...

Tập Thư văn vần là một tập phác thảo làm sống lại sinh hoạt dân gian ở Stockholm ngày cũng như đêm. Ngày nay, du khách dạo chơi trong khu phố cổ với những tên phố không thay đổi từ hai thế kỷ nay, có thể hình dung lại người xưa, cảnh cũ… 
  Hữu Ngọc

Ý kiến của bạn