Trên thực tế, nhiều tác phẩm nghệ thuật thuộc các loại hình kể trên tại Việt Nam, diễn viên với trang phục mang nét ngoại lai hoặc bị cách tân quá đà khiến người xem băn khoăn, lo lắng.
Mới đây, vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga (NSƯT Hoa Hạ dàn dựng lại) đã ra mắt khán giả tại TP.HCM. Đây là vở diễn lịch sử được đầu tư lớn, riêng bộ phụng bào cho nhân vật Dương Vân Nga đã tốn 90 triệu đồng. Tuy nhiên, khán giả thắc mắc bối cảnh vở diễn vào thời điểm vua Đinh vừa mất, hoàng hậu mặc áo tang chứ không phải trang phục sặc sỡ nhiều màu sắc như trong vở cải lương lần này. Trước những ý kiến băn khoăn của khán giả, đạo diễn Hoa Hạ cho biết đã cùng các nhà thiết kế thực hiện bộ áo của Dương Vân Nga, áo của vương triều Việt Nam rất kỹ với mong muốn vở sẽ đáp ứng cả yếu tố xem và nghe, mong muốn cải lương sẽ đẹp và sang trọng... Tuy nhiên, phần quan trọng nhất khán giả thắc mắc là trang phục, các hoa văn trên trang phục cho các diễn viên trong vở Thái hậu Dương Vân Nga có phù hợp với bối cảnh hay không thì đạo diễn Hoa Hạ không đề cập tới.
Thực tế cho thấy, trong nhiều phim dã sử, lịch sử, cổ trang ở nước ta đã xuất hiện trang phục thiếu tính thuần Việt từng làm khán giả dậy sóng. Bộ phim điện ảnh Mỹ nhân của đạo diễn Đinh Thái Thụy lấy bối cảnh thế kỷ XVII - giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh, vào đời chúa Nguyễn Phúc Tần. Tuy nhiên, khán giả thấy rõ sự cẩu thả trong thiết kế trang phục của êkíp phim, nổi bật nhất là hình ảnh chú sư tử trong phim hoạt hình The Lion King (hãng Walt Disney) trên quan phục của diễn viên Châu Thế Tâm. Ngoài ra, nhiều khán giả còn nhận thấy chiếc mũ gắn ngọc của diễn viên Châu Thế Tâm giống phim Bao Công, ống tay áo của quan thời Lê cũng không có hình thủy ba như diễn viên trong phim mặc. Sau đó, đạo diễn Đinh Thái Thụy đã thừa nhận những sai sót về trang phục của diễn viên trong phim và cho chỉnh sửa lại.
Trang phục của diễn viên trong phim lịch sử, cổ trang ở nước ta lâu nay làm nhiều khán giả lo ngại vì thiếu tính thuần Việt.
Từng tốn nhiều giấy mực của báo giới là phim Thái tổ Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long được thực hiện nhân dịp 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Bộ phim sau đó đã không thể trình chiếu tới khán giả vì đậm đặc yếu tố ngoại lai. Từ khâu kịch bản đến đạo diễn, chuyên viên hóa trang, diễn viên đóng thế, diễn viên quần chúng và trang phục trong phim đều do đối tác phía (Hồng Kông) đảm nhiệm. Bộ phim sau đó được yêu cầu chỉnh sửa để mang tính thuần Việt, tuy nhiên, Hội đồng Thẩm định phim Quốc gia đánh giá không thể sửa được, càng không thể làm cho thuần Việt được khi phần lớn bối cảnh quay đều thực hiện tại phim trường nước ngoài. Bên cạnh đó, phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể của nhà sản x uất Ngô Thanh Vân thuộc thể loại giả tưởng thần thoại - cổ tích, lấy cảm hứng từ truyện Tấm Cám quen thuộc với người Việt cũng từng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Yếu tố gây tranh cãi nhiều nhất là trang phục của các nhân vật, một số khán giả cho rằng trang phục của diễn viên trong phim không tương ứng niên đại và trang phục áo tứ thân hay áo dài, lớp áo khoác mỏng từ đâu ra, mấn đội đầu trang trí cầu kỳ hơn mấn trong thực tế...
Trong khi đó, bộ phim Mỹ nhân kế của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng với đề tài cổ trang viễn tưởng làm khán giả đôi lúc hoang mang vì phục trang của các nhân vật trong phim không giống ai, không biết thời nào vì nó “lai” giữa Việt Nam và Ấn Độ. Đặc biệt, trang phục của các diễn viên nữ trong phim nhiều khi mỏng tang, xẻ quá đà như khoe da thịt của nhân vật. Ngoài ra, trang phục trong phim Thiên mệnh anh hùng, trang phục của Tuyên từ Thái hậu Nguyễn Thị Anh có màu sắc, thiết kết không khác nhiều với trang phục của của Trung Quốc.
Không những thế, nhiều MV cổ trang của các ca sĩ trẻ ở nước ta gần đây như Chờ người (Tố My), Mùa đông không lạnh (Khánh Ly), Bánh trôi nước (Hoàng Thùy Linh), Dẫu chỉ là mơ (Trương Quỳnh Anh), Lạc trôi (Sơn Tùng MTP), Thiên tử (Đan Trường)... có trang phục và cảnh quay giống với các bộ phim cổ trang nổi tiếng của Trung Quốc, Hồng Kông... Trước thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng các nhà thiết kế trang phục cho phim, sân khấu, MV... cần tìm hiểu kỹ về lịch sử, đặc biệt trang phục trong tác phẩm nghệ thuật hay ngoài đời cũng cần biểu hiện sự ý nhị, thẩm mỹ tinh tế của người Việt, phải thể hiện được cốt cách và giá trị tư tưởng, đạo đức con người Việt, dân tộc Việt chứ không nên lai căng hoặc làm theo nước ngoài.