Trang phục sân khấu cần tôn trọng lịch sử

16-04-2009 16:22 | Văn hóa – Giải trí
google news

Sân khấu về đề tài lịch sử tất nhiên không phải là tác phẩm minh họa lịch sử song những nét cơ bản của lịch sử có thể bị xuyên tạc, trước hết nằm ở khâu trang phục?

 Trang phục hoàng hậu nhà Hậu Lê hay trang phục thời trang thế kỷ XXI?
Sân khấu về đề tài lịch sử tất nhiên không phải là tác phẩm minh họa lịch sử song những nét cơ bản của lịch sử có thể bị xuyên tạc, trước hết nằm ở khâu trang phục?

Một thời sân khấu của ta trong các vở diễn về đề tài lịch sử dù ở thời nào cũng vận trang phục như nhau. Cứ là vua thì mặc áo vàng, áo đỏ tùy thích miễn là có con rồng, móng rồng trước ngực. Hoàng hậu, công chúa thì kim sa, kim tuyến đính vào cho thật lộng lẫy và óng ánh. Các quan bất kể chức vụ gì, cao thấp ra sao, ở giai đoạn nào cũng đội mũ cánh chuồn, đi hia theo kiểu... đồng hạng! Thôi thì thông cảm một thời nghèo khó khi mà  kinh phí dành cho trang phục không có hoặc bị hạn chế tới mức tối đa.

Thế nhưng gần đây, cũng mừng khi đất nước phát triển, dù sân khấu tối đèn liên tục, nhiều vở dựng xong bị đắp chiếu để đấy nhưng trang phục sân khấu được đầu tư rủng rỉnh hơn "theo yêu cầu nghệ thuật"! Có những vở diễn được chi tới 40 triệu đồng cho trang phục như "Nàng Sita", bằng  cả vốn đầu tư cho một vở kịch nói ở đoàn văn công cấp tỉnh. Gần đây nhất là trang phục cho vở "Oan khuất một thời" lên tới hơn 300 triệu đồng. Dường như có quá nhiều tiền nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới đang khủng hoảng, dân trong nước còn nghèo thì nghệ sĩ thiết kế trang phục phải ra sức sáng tạo cho xứng với "đồng tiền bát gạo" được chu cấp từ thuế của dân đóng. Thế là hoàng hậu được khoác bộ cánh tân thời, lưng, vai không cần vải để da thịt cứ ngồn ngộn phơi ra trước khán giả như thể mấy cô người mẫu thời trang!

Với các vở có nội dung gần đây về thời bao cấp chẳng hạn thì chị cán bộ được "tôn trong lịch sử" với chiếc quần lụa đen, tay cầm chiếc cặp 3 dây, hay hình ảnh anh bộ đội thời kháng chiến chống Pháp luôn có mũ bọc lưới và tấm áo trấn thủ, vậy mà lịch sử xa hơn thì bị bất chấp! Quan lại triều Lê có khi mặc áo thời Trần, lính tráng thời nào cũng y chang nhau. Không biết trang phục thế này có phải là "quy ước lịch sử" trong sân khấu hay là sự tùy tiện. Không biết những trang phục cho hoàng hậu hở lưng, cô gái làng thời xưa mặc áo trễ cổ là sự cách tân hay là thái độ coi thường lịch sử, thiếu tôn trọng khán giả?

Dường như một số nhà thiết kế trang phục sân khấu không chịu học lịch sử khi mà các cháu học sinh phổ thông cũng biết con rồng thời Lý với thời Trần khác nhau ra sao, có 5 móng hay 4 móng. Mở bất kỳ sách lịch sử nào cũng thấy ghi về trang phục cho quan, ví dụ triều Trần quan nhất phẩm mặc màu tía; nhị phẩm màu đại hồng; tam phẩm màu đào hồng; tứ phẩm, ngũ phẩm màu lục; người không có phẩm hàm và nô bộc dùng màu trắng; người hầu phải mặc váy mở, không dùng xiêm. Thế nhưng trên sân khấu về đề tài lịch sử lại không cần những điều đương nhiên này và tất nhiên, họa sĩ thiết kế trang phục cho nhân vật lịch sử trong vở diễn càng không cần biết đến điều này...

Sân khấu về đề tài lịch sử không thể tùy tiện bởi bên cạnh nội dung lịch sử cần được tôn trọng thì trang phục cũng cần được thể hiện chính xác. Thiết nghĩ các trường nghệ thuật nên có khoa hay bộ môn lịch sử để những nghệ sĩ hiểu về lịch sử dân tộc mình hơn, trong đó có vấn đề trang phục.

Dương Hùng


Ý kiến của bạn