Hà Nội

Trang phục phòng hộ chống Ebola của Anh có gì đặc biệt?

25-12-2014 17:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Theo NHS, bộ trang phục chống Ebola nói trên có tác dụng bảo vệ toàn bộ cơ thể con người khi tiếp xúc với người bệnh.

Bắt đầu từ cuối tháng 11/2014, Cơ quan Dịch vụ y tế Anh (NHS) chính thức đưa vào sử dụng bộ trang phục phòng chống Ebola mới (còn gọi trang phục phòng hộ PPE), gồm một áo choàng chuyên dụng siêu nhẹ tráng plastic đặc biệt, đôi găng tay kép và chiếc mũ bảo hiểm...

Trang phục cho nhóm tình nguyện viên tới Tây Phi

Cũng từ cuối tháng 11, nhóm tình nguyện viên y tế của Anh sẽ được đưa tới Sierra Leone để gia nhập đội quân thế giới, giúp khu vực này phòng chống Ebola. Nhóm tình nguyện 33 người gồm bác sĩ, y tá, bác sĩ tâm thần, các nhân viên y tế cũng như các chuyên gia tư vấn sức khỏe cộng đồng. Sau khi đến Frectown, thủ đô của Sierra Leone, những người này sẽ tham dự khóa tập huấn 1 tuần trước khi được cử về các cơ sở y tế điều trị Ebola do chính phủ Anh xây dựng, kể cả ở Sierra Leone lẫn các quốc gia khác trong khu vực như Liberia và Guinea, nơi dịch Ebola đang hoành hành, cướp đi trên 5.000 sinh mạng con người.

Theo NHS, bộ trang phục chống Ebola nói trên có tác dụng bảo vệ toàn bộ cơ thể con người khi tiếp xúc với người bệnh. Bao gồm, một bộ áo choàng trắng siêu nhẹ, tráng một lớp nhựa plastic siêu mỏng có thể bảo vệ cơ thể nguy cơ lây nhiễm các chất tiết dịch từ cơ thể người bệnh, như máu, đờm dãi, hoặc dịch tiêu chảy có chứa virút. Riêng mắt và miệng hai bộ phận có mức độ rủi ro phơi nhiễm cao nhất được che kín bằng khẩu trang và lưỡi trai (kính che) trong suốt. Mỗi người phải mang 2 cặp găng tay, riêng cặp ngoài làm nhiệm vụ bịt kín để đảm bảo an toàn tuyệt đối khi tiếp xúc với virút.

Bộ trang phục chống Ebola của NHS

Bộ trang phục chống Ebola của NHS

Mặc dù bộ trang phục được xem là tin cậy, nhưng những người sử dụng cũng nên thận trọng khi thay đồ. Mọi việc phải làm theo đúng quy trình để hạn chế rủi ro. Khi quần áo thay ra phải được cho vào hộp chứa chuyên dụng và cho vào lò đốt ngay. Riêng kính chắn, giày cao su được khử chlorine để dùng lại. Trong trường hợp làm việc ở môi trường đến 30oC, mỗi ca làm việc không quá 45 phút để tránh kiệt sức gây nhiễm bệnh. Tên, chức danh, nhiệm vụ và thời gian của từng người được ghi trên thẻ treo trước ngực để tránh làm việc quá thời gian quy định.

Sở dĩ Anh thiết kế lại bộ trang phục phòng chống Ebola là rút kinh nghiệm qua thực tế, nhất là sau khi điều trị cho một y tá người Tây Ban Nha mắc bệnh gần đây, trang phục không đảm bảo, áo hở cả hai cánh tay nên nguy cơ bị nhiễm bệnh rất cao. Về cơ bản, bộ trang phục chống Ebola gồm các bộ phận và chức năng chủ yếu sau:

Khẩu trang: bảo vệ miệng, bộ phận quan trọng nhất của cơ thể trước rủi ro phơi nhiễm virút. Nó có chiếc màng để thở, giúp lọc không khí vào ra.

Áo choàng: màu trắng, được chế từ vật liệu siêu nhẹ để ngăn chặn chất tiết dịch có chứa virút của người bệnh. Bộ trang phục này do một nhóm công ty của Anh như: Arco, Romar, Lakeland và Versar PPS phối hợp sản xuất.

33 nhân viên y tế Anh sang Tây Phi cuối tháng 11 tham gia cuộc chiến chống Ebola

33 nhân viên y tế Anh sang Tây Phi cuối tháng 11 tham gia cuộc chiến chống Ebola

Tạp dề: phía ngoài tráng lớp nhựa plastic đặc biệt, phía trước là phần ghi tên, chức danh, nhiệm vụ và thời gian khi bắt đầu làm việc của nhân viên y tế, để đảm bảo làm việc theo đúng thời gian quy định và thay ca khi hết giờ.

Găng tay: mỗi người được trang bị găng tay kép hai lớp, lớp trong và lớp ngoài, lớp ngoài là lớp bảo vệ quan trọng.

Lưỡi trai (kính bảo vệ): như trên đã đề cập mắt, mũi, miệng là những nơi dễ bị nhiễm bệnh nhất vì vậy kính bảo vệ có nhiệm vụ bảo vệ tối đa khuôn mặt, nhưng vẫn nhìn rõ khi tác nghiệp.

Chú ý khi dùng trang phục: mặc dù đã được cải tiến, đảm bảo mức bảo vệ tối đa sức khỏe cho con người, giúp cơ thể mát mẻ, kể cả khi làm việc trong môi trường nhiệt độ tới 30oC nhưng nếu làm việc quá lâu cũng sẽ gây mệt mỏi, kiệt sức. Vì vậy, NHS khuyến cáo, mỗi ca làm việc không quá 45 phút. Khi thay trang phục cần cho vào hộp chứa để tiêu hủy ngay, riêng kính, giày ủng cao su được phun khử chlorine để dùng lại.

WHO cập nhật hướng dẫn về trang phục phòng chống Ebola

Đầu tháng 11 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố hướng dẫn cập nhật về sử dụng trang phục cá nhân phòng hộ chống Ebola. Theo WHO, việc sử dụng trang phục PPE chỉ là một phần trong số các vấn đề cần thiết để phòng chống Ebola.

Theo ông Edward Kelly, Giám đốc Phân ban Dịch vụ công việc và An toàn của WHO thì ngoài tác dụng của trang phục, người sử dụng cần tuân thủ các quy định khi sử dụng trang phục PPE liên quan đến việc sử dụng trang phục trước và sau khi chăm sóc bệnh nhân. Bộ hướng dẫn này gồm 5 lĩnh vực cơ bản, tầm quan trọng nhất của trang phục là phải che kín cơ thể, nhất là các bộ phận có chất tiết dịch nhầy của cơ thể như mắt, mũi và miệng.

Tập huấn sử dụng trang phục chống Ebola

Tập huấn sử dụng trang phục chống Ebola

Ngoài việc mang trang phục PPE đúng cách, các nhân viên y tế cũng phải học cách rửa tay hợp lý hay sử dụng chất tẩy trùng để phòng chống lây nhiễm. Vì lý do này mà trong bộ trang phục nói trên WHO khuyến cáo nên dùng găng tay kép và giới thiệu cách thức giúp các nhân viên y tế xử lý vệ sinh tay khi rời khỏi khu vực điều trị. Việc sử dụng găng tay kép được xem là cải tiến mới nhất trước đây không hề có. Các loại găng tay có chứa cyanide không được khuyến cáo và thay bằng loại bao latex, tuy chất latex còn một số nhược điểm nhưng nó lại có tác dụng phòng bệnh tốt hơn. Và thêm nữa, dù có mang trang phục PPE thì nhân viên y tế cũng phải chấp hành tốt việc thay đồ và đưa các các chất thải lây nhiễm vào đựng trong bao kín và thùng rác đậy chặt trước khi đưa đi thiêu đốt. Riêng các món đồ có thể dùng lại như giầy cao cổ bằng cao su, kính chắn (lưỡi trai) lại có cách xử lý riêng nếu nó có thể dùng lại được.

Khắc Nam (Theo DailyMail -11/2014)

 


Ý kiến của bạn