Buổi sáng tới trường tiểu học của phường Thụy Khuê để nộp hồ sơ cho con, mẹ có hai niềm cảm động. Cảm động đầu tiên là trong hồ sơ vào lớp Một của con, mẹ được nhận lại từ trường, giữa giấy hẹn vào nhận lớp và lời dặn dò đầu năm học mới, có kẹp vào giữa một lá thư cảm ơn của cô Hiệu trưởng gửi cho phụ huynh.
Chưa bao giờ mẹ nhận được thư cảm ơn từ cô giáo hiệu trưởng ở Việt Nam, một cử chỉ mà mẹ tưởng chỉ những trường “bên Tây” mới có. Những ngôi trường quốc tế mới đặt tiêu chí thân thiện lên trên mục tiêu tuyển sinh. Còn trường điểm Hà Nội nếu không có tệ “đạp đổ cổng trường” thì cũng tràn lan “mua suất trái tuyến”, giao tiếp giữa nhà trường và phụ huynh chỉ đơn giản là họp phụ huynh, sổ liên lạc điện tử, thông báo các khoản thu đầu năm, giấy khen cuối kỳ, hoa tặng 20/11…
Thế nên một lời cảm ơn từ cô Hiệu trưởng gửi tới một bà mẹ vừa dắt đứa con nhỏ tới xin học, vừa bất ngờ vừa cảm động. Lá thư của cô Hiệu trưởng chỉ vài dòng, cảm ơn phụ huynh đã tin tưởng gửi các con vào học trường, nhưng làm mẹ tin có những thứ đã thay đổi rất nhiều trong tư duy giáo dục của “trường điểm, trường quốc lập” những năm gần đây.
Ngày xưa mẹ đi du học, năm học mới giáo viên thường hay mời học sinh đi ăn, với lý do, học sinh mới chính là người trả tiền lương cho giáo viên và nhà trường, giáo viên và nhà trường phải biết ơn học sinh mới đúng. Nếu học sinh thành tài và nổi tiếng, giáo viên càng phải biết ơn học sinh, vì nỗ lực của người học đã mang lại vinh quang cho nhà trường. Điều ấy làm mẹ cực kỳ ngỡ ngàng vì xưa nay, mẹ vốn chỉ quen với tư duy học sinh là những đối tượng bị coi là thấp kém nhất trong nấc thang danh vọng xã hội, và xếp thứ tự sau cùng của đối đãi.
Sau này tham gia các dự án giáo dục quốc tế, mẹ càng ngạc nhiên hơn khi nghe một chuyên gia tư vấn tài chính phân tích bản chất của đầu tư vào giáo dục là khoản đầu tư ít rủi ro nhất so với các lĩnh vực khác. Bởi có thể tính toán được lợi nhuận khá sát với thực tế sau này, chưa cung cấp dịch vụ đã được nhận toàn bộ doanh thu, học sinh chưa đi học đã nộp hết học phí. Và những lợi nhuận vô hình mà nhà trường vẫn tiếp tục được nhận kể cả sau khi đã ngừng cung cấp dịch vụ. Đó là, khi một học sinh ra đời thất bại, người ta thường bảo là do cá nhân anh ta kém cỏi. Nhưng nếu anh ta thành đạt, người ta thường cho rằng nhà trường có công, và bản thân anh ta cũng quay lại cảm ơn nhà trường.
Những tính toán ấy dù có lý nhưng lạnh lẽo quá, nhất là khi báo chí đưa tin biết bao nhiêu ngôi trường lớn lục đục và sụp đổ vì những thứ nằm ngoài phạm vi giáo dục. Mẹ có ba đứa con nhỏ, mẹ chỉ mong các con sẽ lần lượt lớn lên trong một ngôi trường nhỏ, mơ những giấc mơ nhỏ thôi và lớn lên trở thành một người công dân có tư cách và có một chỗ đứng khiêm tốn trong xã hội nhưng vững chắc bằng chính năng lực của mình.
Những ước mơ của mẹ, nó rất gần với lá thư cảm ơn bé nhỏ của cô Hiệu trưởng. Vì nó rất con người, tình cảm, nó thật, nhân văn hơn mọi diễn văn đòi đứa con 6 tuổi của mẹ phải có trách nhiệm xây tương lai đất nước, phải thành công dân toàn cầu v.v… Những điều mà biết bao nhiêu người lớn còn chẳng làm được!
Mẹ đứng ở giữa sân trường và hỏi một cô giáo lớp Một, xin cô giúp cho em bé nhà tôi được vào học một lớp Một nào của trường mà vắng nhất và nghèo nhất! Cô giáo nhìn mẹ hơi ngỡ ngàng, sau đó hiểu ra và chỉ dẫn cho mẹ cách đề nghị xin xếp con vào lớp nào phù hợp nhất, có nhiều bạn ở gần nhà nhất. Mẹ nói là con tôi cho đến giờ tôi không cho nó học trước tập viết hay chữ số. Cô giáo nói, thường các em khác bố mẹ bắt học từ nửa năm trước, nhưng con nhà mình khi vào năm học, cô giáo vẫn dạy từ nét đầu tiên, chị đừng lo lắng!
Đó chính là niềm cảm động thứ hai của mẹ, gần giống sự yên tâm. Một cô giáo xa lạ cũng tận tâm như thế với một phụ huynh mà cô biết chắc chắn sẽ không phải phụ huynh của lớp mình, thì mẹ tin cô giáo mới của con mẹ, trong năm học mới, ở ngôi trường này, chắc cũng tận tâm và tận tình với các con như thế.
Con thích đi học. Mẹ chúc con một cuộc đời học tập toàn niềm vui sướng thú vị, chúc con có nhiều bạn bè.