Nguồn gốc tên gọi trăng giun
Từ chiều tối nay, người quan sát ở Trái Đất có thể nhìn ngắm Mặt Trăng với hình dạng và độ sáng đặc biệt với tên gọi trăng giun.
Niên giám nhà nông gọi kỳ trăng rằm tháng 2 là "Trăng giun" vì thời điểm này những con giun bắt đầu nổi lên mặt đất sau khi mặt đất bắt đầu tan băng ở Bắc bán cầu.
Theo Trung tâm Nghiên cứu người Mỹ bản địa, nhiều người Anishinaabeg, hay Ojibwe, người bản địa ở vùng Great Lakes gọi nó là Onaabidin Giizis, hay Mặt trăng lớp vỏ tuyết. Thế nhưng, người châu Âu gọi kỳ trăng này là Trăng Mùa Chay bởi vì kỳ trăng này xuất hiện sau thời kỳ ăn chay của người theo đạo Thiên Chúa giáo trước Lễ Phục sinh.
Cái tên trăng giun xuất phát từ các thổ dân Mỹ bản địa. Nếu như trăng tròn tháng 1 được gọi "trăng sói" - gắn với hình ảnh sói tru trong đêm, trăng giun là lúc nền đất bắt đầu mềm dần để giun phát triển. Ngoài ra, đây cũng là tên loài giun đất thường xuất hiện vào thời điểm băng tan.
Trăng giun còn có một số tên gọi khác như trăng đường (sugar moon), trăng mùa chay (lenten moon), trăng dâu (strawberry moon)... Do năm nay, trăng giun xuất hiện đúng với thời điểm diễn ra siêu trăng nên còn được gọi là siêu trăng giun.
Để ngắm trăng giun, người quan sát nên chọn nơi có vị trí cao, tầm nhìn ra đường chân trời phía đông rõ ràng. Siêu trăng giun có thể dễ dàng quan sát được khi trời quang đãng.
Theo trang web Live Sky , ở kỳ trăng tròn này, mặt trăng sẽ cách Trái đất 404.062 km, không ở điểm xa nhất cũng không phải điểm gần nhất (thường được gọi là apogee và perigee).
Sau trăng giun, kỳ trăng tròn tiếp theo sẽ được gọi là Trăng hồng, theo tên của những bông hoa dại màu hồng bắt đầu nở vào thời điểm này trong năm ở các vùng của Bắc Mỹ.
Trăng tròn đặc biệt của năm 2023
Hầu hết các năm đều có 12 lần trăng tròn - mỗi lần trong một tháng. Nhưng trong năm 2023, sẽ có 13 lần trăng tròn, trong đó có 2 lần diễn ra vào tháng 8. Lần trăng tròn thứ hai trong một tháng được gọi là trăng xanh. Thông thường, cứ 29 ngày là có trăng tròn, trong khi hầu hết các tháng của Dương lịch kéo dài 30 hoặc 31 ngày. Do đó, cứ sau 2,5 năm sẽ có một lần trăng xanh.
Theo EarthSky, hai lần trăng tròn vào tháng 8 cũng có thể được coi là siêu trăng. Có nhiều định nghĩa về siêu trăng nhưng thuật ngữ này thường biểu thị trăng tròn sáng hơn, gần Trái đất hơn bình thường và do đó trông lớn hơn trên bầu trời đêm.
Một số nhà thiên văn học cho biết, hiện tượng này xảy ra khi Mặt trăng nằm trong 90% cận điểm - điểm gần Trái đất nhất trên quỹ đạo của Mặt trăng. Theo định nghĩa này, trăng tròn tháng 7 cũng sẽ được coi là siêu trăng.
Dưới đây là danh sách những lần trăng tròn cho năm 2023: Ngày 6.1: Trăng sói; Ngày 5.2: Trăng tuyết; Ngày 7.3: Trăng giun; Ngày 6.4: Trăng hồng; Ngày 5.5: Trăng hoa; Ngày 3.6: Trăng dâu tây; Ngày 3.7: Trăng hươu đực; Ngày 1.8: Trăng cá tầm; Ngày 30.8: Trăng xanh; Ngày 29.9: Trăng thu hoạch; Ngày 28.10: Trăng thợ săn; Ngày 27.11: Trăng hải ly; Ngày 26.12: Trăng lạnh.
Dù đây là những cái tên phổ biến liên quan đến trăng tròn hàng tháng, nhưng mỗi tên gọi đều mang ý nghĩa riêng với các bộ lạc người Mỹ bản địa.
Năm 2023 sẽ có 2 lần nhật thực và 2 lần nguyệt thực. Nhật thực toàn phần xảy ra vào ngày 20/4, với khả năng quan sát được ở Australia, Đông Nam Á và Nam Cực. Nhật thực toàn phần xảy ra khi Mặt trăng di chuyển giữa Mặt trời và Trái đất, che khuất ánh sáng Mặt trời.
Nhật thực hình khuyên đi qua Tây bán cầu sẽ xảy ra vào ngày 14/10 và có thể nhìn thấy trên khắp Bắc, Trung và Nam Mỹ. Nguyệt thực nửa tối sẽ xảy ra vào ngày 5/5, quan sát được ở Châu Phi, Châu Á và Australia. Nguyệt thực một phần vào ngày 28/10 sẽ có thể quan sát được ở Châu Âu, Châu Á, Australia, Châu Phi, một phần của Bắc Mỹ và phần lớn Nam Mỹ.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sáng 7/3: Khởi Tố Cô Giáo Mầm Non Nhẫn Tâm Xuống Tay, Gây Nhiều Thương Tích Cho Bé Trai | SKĐS