Hà Nội

Trắng đêm săn “vũ nữ chân dài”

03-03-2013 09:00 | Thời sự
google news

Khi màn đêm dần dần buông phủ khắp con đường lối xóm, tiếng mõ trâu – thứ âm thanh nay đã gần trở thành quá vãng - lốc cốc, lộc cộc thẫn thờ, lảng vảng vọng lại từ phía cổng làng xa xa cũng là lúc “phi đội” săn nhái đêm hay vẫn chọc nhau là săn “vũ nữ chân dài” lại chuẩn bị một đêm thức trắng, căng mắt rọi đèn để tìm các “nàng, chàng”... nhái.

Khi màn đêm dần dần buông phủ khắp con đường lối xóm, tiếng mõ trâu – thứ âm thanh nay đã gần trở thành quá vãng - lốc cốc, lộc cộc thẫn thờ, lảng vảng vọng lại từ phía cổng làng xa xa cũng là lúc “phi đội” săn nhái đêm hay vẫn chọc nhau là săn “vũ nữ chân dài” lại chuẩn bị một đêm thức trắng, căng mắt rọi đèn để tìm các “nàng, chàng”... nhái. Nghề săn nhái đêm gần như chỉ hợp với ai mệnh “thổ”, cầm tướng tinh “con rái cá” vì theo người trong nghề thì việc đi săn nhái đêm như chơi một canh bạc trong đêm.

Nghề kị ánh trăng đêm

Phải mất mấy lần lên lịch hẹn, lần đầu tiên tôi có dịp được “bám càng” phi đội săn nhái đêm trong tiết trời lạnh đến cóng người bởi cái lạnh đầu mùa đông. Thấy tôi cứ lập cà lập cập bước run rẩy, anh Chung vốn được anh em trong phi đội tôn làm “phi đội trưởng” luôn miệng giục tôi bước sát theo anh và cố đừng tạo tiếng động lớn khiến nhái sợ. Song phần vì lạnh cộng với mắt cận độ 5 nên tôi cố bám theo anh cùng đội nhưng dáng đi liêu xiêu như kẻ đã say bí tỉ. Đã từng đi nhiều nơi, trải nghiệm qua đêm cũng nhiều nhưng đi lang thang rình mò từng góc ruộng, bờ mương trong cái lạnh mùa đông với màn đêm đặc quánh lại cộng thêm lắc rắc mưa rơi thì đây là lần đâu tiên. Song tôi vẫn cố bám theo đội hình theo vệt sáng đùng đục, loẹt quẹt chấp chới phát ra từ chiếc đèn soi chạy bằng pin con thỏ tự chế gắn trên đầu 4 thành viên trong phi đội săn nhái để được một lần mục sở thị và được chén món “vũ nữ chân dài” - nhái đồng một lần. Bộ đồ nghề của thợ soi nhái đơn giản chỉ có chiếc bình ắc-quy, đèn soi, rọng sắt và cây chụp có khi chỉ cần một chiếc lốp, săm xe đạp, xe máy hỏng là có thể làm “vũ khí” để đi săn đám nhái hay gọi vui là “vũ nữ chân dài” tinh ranh rồi. Phương tiện đi lại chủ yếu của nhóm thợ làm nghề săn nhái là... chân đất. Hôm nào đánh bắt “xa bờ” - đi sang cánh đồng làng khác - thì có thêm chiếc xe đạp cà tàng làm bạn đồng hành và thường vứt chỏng chơ ở bờ mương, bờ kè khi thực hiện việc săn nhái ngoài ruộng. Khi đến địa điểm đã được tiền trạm là có nhái từ trước đó, mấy thành viên trong phi đội sẽ tùy nghi di tản mỗi người mỗi hướng bắt đầu cho chuyến mưu sinh đầy may rủi và thử thách.

Trắng đêm săn “vũ nữ chân dài” 1
 Đồ nghề của thợ săn nhái rất đơn giản.

Bám riết theo “đội trưởng” Chung, chỉ cần thấy một vài thao tác của anh cũng đủ thấy anh là một tay “sát” nhái. Đặc biệt là cái tài quan sát mà theo cá nhân tôi đánh giá nó như một thứ linh cảm, một giác quan thứ sáu và chỉ có ở người làm nghề chuyên nghiệp mới sở hữu được. Trên cánh đồng vừa thu hoạch vụ thu đông, anh Chung chỉ cần rảo một vòng là chiếc rọng đã rủng rỉnh ếch, nhái. Chỉ cần một cú lướt đèn soi qua gốc rạ hoặc bụi rậm, anh Chung cũng có thể phát hiện một cách chính xác nơi ẩn nấp của ếch, nhái. Ngoắt chiếc đèn soi sang bờ mẫu để chụp con nhái cơm ngồi gọn dưới gốc rạ, anh Chung nói: “Nhái cơm khôn dữ lắm, khi nghe tiếng động là nằm thu gọn một chỗ. Nhiều con có màu da hòa lẫn với màu cây cỏ nên rất khó quan sát. Lắm lúc nó ở ngay dưới chân mình hoặc lọt hẳn vào trong luồng sáng của đèn rọi, song cũng không thể thấy chúng được”.

Anh Chung kể: “Lúc đầu, mới vào nghề, chưa am hiểu về đặc tính của con nhái nên chúng tôi thường lắp chiếc đèn ắc-quy có ánh sáng trắng, bắt mỗi đêm chỉ được chừng ký. Nhưng chỉ cần chỉnh chiếc đèn có ánh sáng đỏ và để ý chút xíu là sẽ bắt được nhiều. Bởi trong quá trình săn tìm, ánh đèn đỏ lướt qua sẽ tương phản với mắt nhái; nếu nhái cơm thì tròng mắt màu trắng, còn mắt ếch màu hơi đỏ và mắt cóc thì có màu đỏ bằm…”.

Còn ông Phấn, một tay soi ếch có tiếng trong “phi đội” hôm đó cho biết thêm: “Muốn bắt được nhiều phải biết nhìn trời. Đi săn nhái, kị nhất là hôm trời sáng trăng. Vào đêm trời sáng trăng thì nên ở nhà bởi có đi thì cũng vác giỏ về không. Không hiểu sao vào đêm sáng trăng ếch nhái không bao giờ ra khỏi hang, chúng nằm bất động trong hang, mắt nhắm nghiền và bặt tiếng kêu. Còn hôm nào gặp mưa buổi chiều thì hôm đó trúng mánh. Thời điểm này, ếch nhái bắt cặp dữ lắm! Một vũng nước xăm xắp mắt cá chân có khi bắt được cả ký nhái. Đêm nào bắt được nhiều, anh em lội bộ cả chục cây số mà chẳng ngán tí nào. Nếu gặp mưa giữa chừng thì dạt vào bụi tre hoặc trùm áo mưa ngồi tụm lại ở trên góc bờ ruộng, chừng nào ngớt hạt thì đi tiếp…”.

Tuy nhiên, đâu phải lúc nào cũng gặp thuận lợi, nhiều lúc cũng chẳng bắt được con nào do hiện nay người dân sử dụng thuốc trừ sâu nhiều trong canh tác nên nguồn nhái tự nhiên cạn kiệt. Đặc biệt, theo người săn nhái trong nghề thì chính việc dùng xung điện đánh bắt cá ở ao hồ, sông rạch như hiện nay đã khiến trứng nhái bị tuyệt diệt. Nhiều đêm đi cả chục nơi mà chẳng thấy nhái. Hôm nào, soi trúng thì được 4-5kg, còn trung bình khoảng 2-3kg bán xô với giá 21.000 đồng/kg.

Trắng đêm săn “vũ nữ chân dài” 2
 Một “chân dài” bị bắt vào lồng.

Ðến món nhậu ngon

Sau buổi săn nhái đêm đó, anh Chung rủ tôi về nhà và được tận mắt nhìn anh chế biến món nhái xào sả ớt. Theo anh Chung, vài năm gần đây, trong nhà hàng, quán nhậu, món khô nhái cũng được kê trong thực đơn với cái tên khá kêu: “vũ nữ chân dài”, do đó, nhái cũng được tiêu thụ mạnh. Ngoài tự đi săn nhái thì gia đình anh cũng mua nhái loại lớn làm thịt phơi khô để cung cấp cho nhà hàng. Một ký rưỡi nhái sống khi làm khô hao hụt còn lại khoảng 300g. Mỗi ký nhái khô được nhà hàng thu mua với giá 200.000 đồng. Ngoài cung cấp cho nhà hàng phục vụ thực khách, nhái còn được bán phóng sinh. Tuy nhiên, như anh Chung nói, nhái lớn thường là nhái được nuôi ở các trang trại, tất nhiên thịt không thể ngon bằng nhái bắt ở đồng. Chế biến món nhái xào sả ớt thì kiêng nhất là rửa nhái nhiều lần trong nước bởi làm vậy thịt nhái sẽ nhanh nhão và rất tanh. Để làm sạch nhái trước khi chế biến thì cần sục cả giỏ nhái vào nước muối đậm. Chất nhờn trên da nhái sẽ hết. Trước khi chế biến lột sạch da, rút hết những dải gân trắng ở hai đùi nhái, bỏ nội tạng. Sau đó ướp sả ớt và đảo nhanh qua chảo dầu sôi, khi nhái chuyển màu vàng là được.

Những người soi nhái ở đây cho biết, nghề soi nhái tồn tại từ rất lâu rồi, có làng vào mùa săn nhái có đến cả trăm hộ mưu sinh bằng nghề này. Đa số đều khó khăn, nhiều gia đình sống bằng nghề soi nhái theo kiểu cha truyền con nối. Săn nhái kéo dài trong cả năm, tuy nhiên, vụ săn nhái chính là khoảng từ tháng 5 đến tháng 8. Sau vụ thu đông, người đi săn nhái thưa dần do nhái vào mùa nghỉ đông, rất khó bắt.

Ông Phấn - người có thâm niên trong nghề trầm ngâm: “Vào mua săn nhái, mỗi ngày hai cha con săn được vài ký cũng kiếm được vài trăm ngàn, song cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống. Còn hôm nào soi mà không có nhái, đành phải mượn đỡ tiền bên ngoài để chạy gạo. Nghề này hễ ngày nào gác rọng là ngày đó xem như đói”.

Trời càng về đêm, không gian đặc lại, nhấp một ly rượu đế và thưởng thức món nhái xào sả ớt cùng gia đình anh Chung khiến lòng tôi ấm lại. Tiếng ếch nhái thỉnh thoảng lại kêu ộp oạp từ cánh đồng xa cộng với cái lạnh đêm sương, tôi thực sự cảm nhận hết nỗi vất vả của những người soi nhái.

Bài, ảnh: Tuệ Minh


Ý kiến của bạn