Báo Sức khỏe và Đời sống đăng tải bài viết của TS. Đỗ Thị Hạnh Trang - giảng viên chuyên về lĩnh vực quản lý thiên tai thảm họa (Trường Đại học Y tế công cộng) về những hướng dẫn cho học sinh các cấp những điều nên làm và không nên làm để bảo đảm an toàn cho bản thân và gia đình trước thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nhất của thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan trong 2 thập kỷ qua. Thống kê trong những năm gần đây cho thấy, thiên tai có xu hướng tăng bất thường về số lượng, cường độ, phạm vi tác động, không theo quy luật và mức độ ảnh hưởng có xu hướng ngày càng nặng nề, lặp lại nhiều lần.
Học sinh cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai. Các em cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để đảm bảo an toàn cho bản thân khi thiên tai xảy ra, đặc biệt là với những thiên tai xảy ra phổ biến nhất ở Việt Nam như bão, lụt, lũ quét, sạt lở đất.
Khi được trang bị các kiến thức, kỹ năng phòng chống thiên tai, các em cũng có thể chuyển tải các kiến thức hữu ích này cho người thân, gia đình, góp phần nâng cao nhận thức về phòng chống thiên tai cho gia đình và xã hội.
Đối với học sinh tiểu học
Với cấp tiểu học, hiện nay nội dung về phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu đã được lồng ghép với các môn Khoa học tự nhiên khối lớp 1, 2, 3 và môn Khoa học khối 4, 5. Các nội dung phòng chống thiên tai có thể được chuyển tải đến các em học sinh qua các hoạt động ngoại khoá, các buổi sinh hoạt đầu tuần, các cuộc thi…
Ở lứa tuổi còn nhỏ này, các em cần được trang bị những hiểu biết đơn giản, gần gũi để có thể có các kỹ năng như tự bảo vệ bản thân, hiểu biết cơ bản về các hiện tượng tự nhiên, kỹ năng giữ tâm lý bình tĩnh, tự tin, sáng tạo khi gặp tình huống thiên tai. Cụ thể phụ huynh và thầy cô giáo có thể:
- Giúp các em nhận biết các đặc điểm của thời tiết, dấu hiện nhận biết thời tiết: nắng, mưa, nóng lạnh.
- Giúp các em hiểu một số khái niệm cơ bản về biểu hiện, nguyên nhân và hậu quả của các thiên tai phổ biến như bão, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất.
- Hướng dẫn các em một số kỹ năng ứng phó khi gặp thiên tai như: Bình tĩnh, tìm đến nơi trú ẩn an toàn khi gặp thiên tai nếu không có người lớn bên cạnh, biết gọi người lớn khi gặp nguy hiểm; Khi gặp các dấu hiệu thời tiết nguy hiểm như bão, mưa lớn, sấm sét, không được ra ngoài trời, không tắm mưa, không trú dưới gốc cây to, cột điện, không đi qua cầu, ngầm tràn, cầu treo khi mưa to, gió lớn; Không vui chơi tại các điểm ngập úng; Không ăn thức ăn ôi thiu, không sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm (có màu, mùi lạ); Thuộc các số điện thoại của người thân để gọi khi gặp nguy hiểm.
- Giáo dục cho các em có tình yêu thương, chia sẻ với nỗi đau của nạn nhân thiên tai.
Với học sinh cấp học lớn hơn
Với các em học sinh từ cấp THCS, khi đã có trình độ nhận thức nhất định, các kiến thức và kỹ năng cần thiết trang bị cho các em có thể ở mức độ phức tạp hơn so với học sinh tiểu học.
Cụ thể, các em cần có kiến thức và rèn luyện các kỹ năng quan sát, phân tích tình huống, có thói quen, phản xạ phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó với thiên tai cũng như tham gia hiệu quả vào công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai.
Trước thiên tai, học sinh nên được hướng dẫn để có thể thực hiện được các hoạt động sau:
- Thường xuyên nghe thông tin dự báo, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng như tivi, đài phát thanh, loa truyền thanh tại địa phương, các trang thông tin điện tử và mạng xã hội của các cơ quan uy tín làm việc trong lĩnh vực phòng chống thiên tai.
- Tùy theo khả năng có thể hỗ trợ gia đình và nhà trường một số hoạt động phòng ngừa tác động của thiên tại như: bảo vệ, che chắn lồng bè, tài sản, gia súc, gia cầm, tranh thủ thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp, gia cố nhà cửa, cắt tỉa cành cây, dự trữ nhu yếu phẩm (lương thực, thuốc, hóa chất xử lý nước sạch) và các vật dụng cần thiết như đèn pin, xạc điện thoại dự phòng, áo phao… khi có cảnh báo thiên tai.
- Cùng bạn bè, thầy cô xác định các khu vực an toàn có thể tránh trú bão, lụt, các khu vực nguy hiểm khi có bão, lụt, lũ quét, sạt lở đất… xung quanh nơi ở và trường học.
- Tuân thủ các hướng dẫn của giáo viên và lực lượng phòng chống thiên tai tại địa phương (đội xung kích, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn), cha mẹ và người thân.
- Thực hiện theo hướng dẫn của giáo viên về các việc nên làm, không nên làm khi xảy ra thiên tai.
- Lưu, thuộc các số điện thoại khẩn cấp, số điện thoại của người thân và những người quan trọng (giáo viên, tổ trưởng tổ dân phố hay trưởng thôn) để liên hệ khi cần cứu hộ, cứu nạn và thông tin về vị trí, tình trạng của mình khi gặp nạn.
- Nhắc nhở cha mẹ theo dõi thông tin, liên lạc thường xuyên với nhà trường và giáo viên để biết thông tin, thông báo về lịch nghỉ học, tiếp tục học tập sau thiên tai, những việc nhà trường cần gia đình phối hợp để đảm bảo an toàn cho học sinh trước, trong và sau thiên tai.
- Không tự ý hoặc lan truyền thông tin sai sự thật về thiên tai và các hoạt động phòng, chống thiên tai.
Trong thiên tai, những điểm cần lưu ý để học sinh có thể thực hiện được bao gồm:
- Ở nơi trú ẩn an toàn (như trong nhà kiên cố, nhà tránh bão hoặc nơi cao đối với những vùng hay ngập lụt), tắt các thiết bị điện, tránh các vị trí gần cửa.
- Không tránh trú dưới gốc cây, cột điện, vật dễ đổ, không ở gần các khu vực nguy hiểm, các khu vực có cảnh báo như nắp cống, kênh mương khi có mưa bão.
- Không đi ra ngoài khi bão đổ bộ, không đi qua cầu, ngầm tràn, cầu treo khi mưa to, gió lớn.
- Ngăn cản hoặc báo cho lực lượng địa phương (đội xung kích, tổ trưởng tổ dân phố hoặc trưởng thôn), giáo viên, cha mẹ khi thấy có người vớt củi, bắt cá khi mưa lũ.
- Nếu phát hiện người bị nạn, cần báo cho người lớn biết ngay lập tức.
- Không ăn thức ăn bị ôi thiu, không sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm.
Sau thiên tai, những điểm cần lưu ý để học sinh có thể thực hiện được bao gồm:
- Ở nơi an toàn cho đến khi có hướng dẫn của giáo viên và lực lượng phòng chống thiên tai ở địa phương (nếu đang ở trường), của cha mẹ và người thân (nếu đang ở nhà).
- Tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường, xử lý nước sạch, vệ sinh giếng/bể nước tại gia đình và nhà trường.
- Giữ gìn sức khoẻ, đảm bảo mặc ấm khi trời lạnh, ăn chín, uống sôi. Nếu bị ốm phải thông báo ngay cho cha mẹ, người thân hoặc giáo viên.
- Quan sát, giúp đỡ các em nhỏ, người già, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn khác nếu có thể.
- Tuân theo hướng dẫn của giáo viên và người lớn để đảm bảo an toàn.
Các nội dung giáo dục về phòng chống thiên tai cho học sinh THCS, THPT có thể được lồng ghép vào chương trình học chính khóa hoặc các hoạt động ngoại khóa với nhiều hoạt động trải nghiệm hấp dẫn (như xem phim, chơi trò chơi, tổ chức các cuộc thi kiến thức, vẽ tranh, diễn tập…) kết hợp sử dụng hiệu quả các tài liệu truyền thông có tính trực quan cao.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT kết hợp với Bộ GD&ĐT đã xây dựng hướng dẫn chi tiết về nội dung, phương pháp cũng như cung cấp các nguồn tài liệu phong phú giúp trường học các cấp có thể lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai trong chương trình học nhằm nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng phòng chống thiên tai cho học sinh. Các trường có thể linh hoạt triển khai các hoạt động lồng ghép một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với nguồn lực của nhà trường và bối cảnh thiên tai ở địa phương.