Nguy cơ mất an toàn từ thực phẩm sản xuất ở làng nghề truyền thống
Hiện nay, tại làng nghề truyền thống các cơ sở sản xuất bánh, mứt, kẹo đang chuẩn bị nguyên liệu để bước vào vụ sản xuất nhằm kịp cung cấp hàng cho dịp Tết Nguyễn đán sắp đến. Các loại bánh, kẹo, mứt, hoa quả ngày càng phong phú, đa dạng hơn cả về số lượng, mẫu mã và chủng loại, song chất lượng có đảm bảo an toàn thực phẩm hay không thì "hạ hồi phân giải".
Các sản phẩm nem, chả, bò khô, cá bống Sông Trà… chủ yếu vẫn được sản xuất theo kiểu thủ công hộ gia đình nhỏ lẻ với điều kiện hạn hẹp về cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ, con người, bảo quản, thế nên công tác đảm bảo an toàn thực phẩm khó có thể kiểm soát chặt chẽ.
Điều quan ngại nhất là việc sử dụng phụ gia thực phẩm, phẩm màu không rõ nguồn gốc, xuất xứ một cách "vô tội vạ", quá liều lượng Bộ Y tế cho phép; nhất là tại các cơ sở sản xuất, chế biến mứt dừa, gừng, chùm ruột… bày bán ở chợ. Những hóa chất trong phẩm màu này có thể gây ngộ độc và đặc biệt ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe, thậm chí còn là nguyên nhân dẫn đến những căn bệnh quái ác.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân trong những ngày Tết, cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng từ cấp tỉnh, huyện/thành phố đến xã/phường/thị trấn về công tác tuyên truyền giáo dục an toàn thực phẩm và đặc biệt là việc tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm an toàn thực phẩm.
Trang bị đủ kiến thức giúp người tiêu dùng an toàn trong dịp tết
Cùng với hoạt động tích cực của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng phải trang bị những kiến thức an toàn thực phẩm để tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình và gia đình.
Điều đầu tiên là nên mua thực phẩm ở các cửa hàng, siêu thị đáng tin cậy, đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, nơi bày bán sạch sẽ, ngăn nắp, đầy đủ tủ, giá, kệ; cung cấp thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ.
Chọn các loại rau, quả tươi, giữ nguyên trạng thái tự nhiên, không dập nát, không có mùi lạ; rau, quả ăn sống phải ngâm, rửa bằng nước sạch, gọt bỏ vỏ. Nên mua thủy sản còn tươi, thịt đã qua kiểm dịch thú y, chọn cá đang sống hay vừa mới chết; không nên ăn hải sản ở những vùng sông, biển bị ô nhiễm.
Lựa chọn kỹ thực phẩm đóng hộp, đóng gói sẵn có nhãn ghi đầy đủ nội dung. Không sử dụng thực phẩm khô đã bị mốc, đặc biệt là ngũ cốc, hạt có dầu có chứa độc tố vi nấm nguy hiểm. Mua các loại phụ gia, gia vị đóng gói sẵn, có nhãn mác của những công ty, xí nghiệp uy tín trong và ngoài nước.
Không nên dự trữ quá nhiều thực phẩm trong những ngày Tết nhằm tránh tình trạng để lâu sẽ bị hư hỏng, mất phẩm chất nếu bảo quản không đúng cách. Bảo quản thức ăn sống, chín riêng biệt phòng tránh nhiễm khuẩn chéo. Không để nhiều thực phẩm trong tủ lạnh, vì nếu không đạt độ lạnh cần thiết sẽ phát sinh vi khuẩn gây bệnh. Bảo quản thực phẩm bằng dụng cụ chứa đựng kín để bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và động vật gây hại khác.
Khi tuân thủ những cách mua sắm, bảo quản an toàn sức khỏe người tiêu dùng sẽ được đảm bảo an toàn nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.