Sau một phần tư thế kỷ cả dân tộc bước vào công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, đất nước chúng ta đã có được những thành tựu đáng kể. Cùng với những thành tựu lớn lao ấy, những giá trị mới làm thước đo trong xã hội đã xuất hiện thay cho những giá trị cũ... Trước đây, nhân danh công bằng, sự đánh giá giá trị lao động và phân phối hưởng thụ nhiều khi là cào bằng gây nên sự trì trệ trong xã hội. Ý thức làm chủ ngày trước cũng được nhắc đến nhiều nhưng không trở thành một động lực do cơ chế cào bằng gò bó. Nay, sau quá trình đổi mới tư duy, những giá trị mới đã thực sự là động lực phát triển xã hội. Sự phân phối và hưởng thụ thành quả lao động theo cống hiến, những giá trị thực được trân trọng và phát huy. Trong sáng tác VHNT, nhân vật tiêu cực xưa chỉ là cấp be bé còn là cấp to to rất dễ bị quy là nói xấu chế độ. Nay, nhân vật tiêu cực trên lĩnh vực VHNT có cả nhân vật quan chức chứng tỏ nhận thức thay đổi, trình độ công chúng trưởng thành và đấy là biểu hiện của một đất nước mạnh, chế độ mạnh.
Thế nhưng khi xã hội thay đổi, xuất hiện những giá trị mới thì nhiều giá trị cũ không thể hoàn toàn bị lãng quên hay phá bỏ. Rất nhiều những giá trị cũ cần được trân trọng giữ gìn như hương ước làng xã trong xử lý những mối quan hệ tại cộng đồng, những nghi lễ trong ma chay cưới hỏi và những sự kiện quan trọng của đời người, của cộng đồng cũng được bảo tồn. Một chuyện nhỏ tưởng là "cách rách" như sau khi cưới hỏi, cô dâu chú rể phải đưa nhau đi đến từng nhà chào một lượt họ hàng dù 1, 2 hôm trước từng ấy con người cũng đã có mặt tại đám cưới. Thế nhưng ngẫm kỹ mới thấy các cụ ta có lý bởi sự "cách rách" của chào hỏi ấy là Lời hứa của đôi vợ chồng mới cưới trước từng người thân để bảo vệ giá trị gia đình truyền thống. Chuyện cưới xin cũng "cách rách" bao nhiêu lễ ra mắt, chạm ngõ, xin dâu rồi mới tới lễ cưới chứng tỏ các cụ ta quan tâm và đánh giá tầm quan trọng của cơ cấu gia đình biết chừng nào. Dường như thế nên chuyện ly hôn xưa không "thoải mái" như ngày nay!
Nếu nghiên cứu kỹ phong tục tập quán truyền thống của ông cha mới hay dân tộc ta suốt bao thế hệ đã dày công xây dựng những giá trị để thiết lập mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình, làng xã, rộng hơn là trong cả xã hội. Ngay cả những tập tục như thờ thành hoàng làng, thăm mộ ông bà cha mẹ ngày cuối năm, thanh minh đầu năm cũng nhằm giáo dục cội nguồn và lòng tự hào về mảnh đất mình sinh ra và lớn lên. Khó có lòng yêu nước thật sự nếu không yêu làng xã quê hương mình, yêu những người thân quanh mình.
Không ít giá trị truyền thống với nền nếp cũ được phát huy như nhiều vùng có lệ người trong làng dù ra Hà Nội sinh sống nhưng thành đạt phải có trách nhiệm gửi tiền về mua gạch xây đường làng, trường học (quy định mang tính trách nhiệm chứ không phải là kêu gọi từ thiện); đám cưới tổ chức dành ra 2, 3 mâm (quy ra tiền) để làm quỹ khuyến học hay quỹ giúp người nghèo. Hương ước làng xã nhiều nơi hiện nay vẫn duy trì như một nội quy về đạo đức và lối sống trong cộng đồng.
Tuy nhiên, những giá trị truyền thống xưa có lúc bị cơn bão thực dụng của kinh tế thị trường tàn phá: vào chốn tôn nghiêm hoặc nơi đám ma cũng vẫn thấy những chiếc váy ngắn cũn cỡn và tiếng cười đùa ríu rít bởi lâu ngày bạn bè gặp nhau; niềm tự hào về quê hương dòng họ mai một khiến lòng tự trọng trong con người cũng mất...
Nói đến việc giữ những giá trị truyền thống không phải là hoài cổ mà thực ra đấy là cơ sở cho việc xây dựng đạo đức và lối sống định hướng đúng đắn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong tương lai.
Lê Quý Hiền