Trăn trở nghi lễ hát chầu văn

04-03-2016 15:52 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nghi lễ hát chầu văn – loại hình nghệ thuật tín ngưỡng dân gian độc đáo ở nước ta đã được Bộ VH-TT&DL đưa vào “Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”...

Nghi lễ hát chầu văn – loại hình nghệ thuật tín ngưỡng dân gian độc đáo ở nước ta đã được Bộ VH-TT&DL đưa vào “Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” và Chính phủ cũng đồng ý cho lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tuy nhiên, hát chầu văn dù đậm đà bản sắc văn hóa nhưng những năm gần đây đã bộc lộ những biến tướng đáng lo ngại.

Đậm nét văn hóa

Sở dĩ Bộ VH-TT&DL đưa nghi lễ hát chầu văn vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đồng thời Chính phủ đồng ý đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vì hát chầu văn ra đời gắn liền với nghi thức tụng ca công đức của Thánh Mẫu (Liễu Hạnh) và Đức Thánh Cha (Trần Hưng Đạo). Không gian của nghệ thuật chầu văn cổ truyền là ở các đền, phủ, miếu, thường có kết hợp với hầu bóng. Người xưa quan niệm, đó là phương thức hữu hiệu để mọi người có thể giao tiếp với Mẫu, với các chư vị linh thần nhằm bày tỏ lòng biết ơn và hướng thiện. Tuy nhiên, một thời gian dài do bị hiểu sai là mê tín dị đoan, hát chầu văn bị cấm và vì thế dần dần mai một. Đến đầu những năm 1990, hát chầu văn được trả lại sự trong sạch vốn có và được gìn giữ, kế thừa và phát triển đến tận ngày nay.

Một tiết mục trình diễn trong Liên hoan Nghi lễ Chầu văn Hà Nội thời gian qua.

Nghệ thuật trình diễn dân gian trong nghi thức chầu văn của người Việt mang tính sân khấu hóa và tính ước lệ cao. Người trình diễn đã tái hiện các giá hầu quan, giá hầu chúa, các giá hầu chầu, hầu cô, hầu cậu một cách sinh động mà chỉ có một người thể hiện rất nhiều vai diễn, thể hiện hoàn toàn bằng tâm trạng và gương mặt qua các giai điệu hát chầu văn để kính dâng lên cửa thánh cầu cho quốc thái dân an, cầu bách gia trăm họ được mạnh khỏe, bình an hạnh phúc.

Nhưng nay nhiều lo ngại

Tại một cuộc hội thảo nhằm hoàn thiện cho hồ sơ trình Tổ chức UNESCO công nhận “Đạo Mẫu, lên đồng và chầu văn” của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại diễn ra tại Nam Định vừa qua, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa trong và nước đã chỉ ra những bất cập và hạn chế của hát chầu văn những năm gần đây.

Theo khảo sát của các nhà nghiên cứu, ở nước ta có hơn 1.000 người hát chầu văn, người cao tuổi nhất là 93, ít tuổi nhất là 16. GS.TS. Trần Quang Hải (đang sinh sống tại Pháp) chỉ ra thực tế, những phần biểu diễn của cung văn trong nghệ thuật hát chầu văn được đưa lên internet và vì thế việc học trở nên rất thuận lợi với nhiều người. Bởi thế ông Hải chỉ ra thực tế, người người đổ xô đi học hát chầu văn theo trào lưu vì kiếm được nhiều tiền nhưng lề lối cổ xưa, chuẩn mực của không gian hát chầu văn, những niêm luật, thể điệu của ông cha truyền lại đã không còn. Thậm chí những năm gần đây, việc biến tấu hát chầu văn theo kiểu dùng ngôn từ “rẻ tiền” đang có xu hướng gia tăng làm cho hát chầu văn trở nên hỗn tạp.

Theo GS.TS. Ngô Đức Thịnh (GĐTT Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam), thời gian qua một số nơi đã đưa hầu đồng lên sân khấu và có xu hướng nghệ thuật hóa, biểu diễn hầu đồng như một tiết mục nghệ thuật. Thực ra đây là một sự nỗ lực, cố gắng để gìn giữ và giúp hát chầu văn có sức lan tỏa. “Tuy nhiên chúng ta phải giữ được nghi lễ hát chầu văn như một nghi thức tín ngưỡng, sự thiêng liêng. Còn khi đã mất đi tính thiêng thì nghi lễ này cũng là một hình thức sinh hoạt dân gian bình thường khác” - GS.TS .Ngô Đức Thịnh cho biết.


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn