Trăn trở món nợ riêng mình

13-01-2014 07:07 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Bây giờ, người ta nhắc đến đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo như một đạo diễn phim truyền hình dài tập thành công với những tựa phim ăn khách như Gió nghịch mùa, Mẹ chồng nàng dâu, Thứ 3 học trò…

Bây giờ, người ta nhắc đến đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo như một đạo diễn phim truyền hình dài tập thành công với những tựa phim ăn khách như Gió nghịch mùa, Mẹ chồng nàng dâu, Thứ 3 học trò… Nhưng ít ai biết ông đạo diễn tài hoa này vẫn còn đó nỗi trăn trở, bởi ông chưa có điều kiện thực hiện những tác phẩm điện ảnh mà ở đó, đạo diễn được thỏa sức sáng tạo, hay nói đúng hơn là một tác phẩm của riêng mình.

Đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo.

Hơn chục năm trước, vào những năm đầu của thiên niên kỷ mới, đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo đã nổi như cồn khi thực hiện bộ phim Chuyện làng Nhô gây xôn xao dư luận. Bộ phim như một phát súng đánh vào những hủ tục còn tồn tại ở làng quê, những lề thói cũ gây cản trở sự phát triển của nông thôn Việt Nam. Khi phim được chiếu trên màn ảnh nhỏ, ông cùng êkip đã phải hứng chịu bao nhiêu luồng dư luận phản ứng dữ dội, nhất là những người mang tư tưởng bảo thủ. Cũng may là hồi đó, ông được sự ủng hộ của những nhà quản lý văn hóa có tâm và có tầm, sẵn sàng đứng ra bảo vệ cho một tác phẩm có tư tưởng và có giá trị về mặt nhân văn. Nhưng như ông tâm sự, đó chỉ là cách để luyện tay nghề trong lúc chờ đợi phim nhựa. Hồi ấy, ông mới học đạo diễn điện ảnh ở Nga về, biên chế ở Hãng phim truyện Việt Nam và quan trọng nhất là đang ở độ tuổi chín nhất của nghề, cả năng lượng, vốn sống lẫn sức khỏe.

Đam mê phim nhựa, ông từ chối những lời mời làm phim truyền hình để theo đuổi giấc mơ điện ảnh - cái nghiệp mà ông đã gắn bó từ thời thanh niên, khi học lớp diễn viên điện ảnh khóa II với những bạn học mà sau này đều thành danh trong nghề, ít nhất là với nghiệp diễn viên như Bùi Bài Bình, Thanh Quý, Minh Châu, Phương Thanh, Hữu Mười... Đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo lang thang khắp các hiệu sách để tìm mua các tác phẩm văn học hiện đại nhằm tìm ra cho mình một ý tưởng mới, sau khi các biên kịch điện ảnh đã không làm ông hài lòng do quá thiếu chất văn học, một yếu tố mà theo ông, rất cần thiết để tạo tiền đề cho một bộ phim hay. Ông mải miết đọc và đọc, trăn trở trong thế giới của riêng mình. Để rồi sau hàng tháng trời, ông đã chọn được hai tác phẩm của nhà văn Dương Duy Ngữ. Một trong hai là tiểu thuyết Người giữ đình làng ăm ắp chất liệu làm phim. Giữ đình làng, có nghĩa là giữ gìn cội nguồn văn hóa của dân tộc ta. Nhân vật chính là một ông già được ăn học, được giáo dục cẩn thận, nhưng do hoàn cảnh mà phải lưu lạc đến làng khác, là dân ngụ cư nên phải chấp nhận làm mõ làng, có nghĩa là thân phận rất thấp kém. Đặng Lưu Việt Bảo cùng một biên kịch đã viết và sửa ròng rã trong gần nửa năm mới trình lên hãng phim. Sau khi được Hội đồng nghệ thuật của hãng thông qua, kịch bản được đưa lên Hội đồng duyệt kịch bản của Cục Điện ảnh. Kịch bản không được thông qua bởi một lý do hết sức đơn giản nhưng rất kịch tính, rằng không ai bỏ tiền ra để làm phim về một ông mõ làng cả, thiếu gì nhân vật hay hơn, tích cực hơn.

Lúc đó, đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo gần như suy sụp. Ông mua sơn dầu, mua toan để trải lòng vào hội họa. Tranh của ông lúc đó, đáng mừng là không hề u uẩn hay bức bối, mà lại rất gần gụi và ấm áp. Ông chấp nhận việc hết kịch bản này đến kịch bản khác đưa lên bị gạt đi như một phần tất yếu của cuộc chơi, nhưng là một cuộc chơi nghiêm túc. Ông đau lòng khi thấy những bộ phim được thực hiện bằng ngân sách nhà nước mà bán được 4 vé sau 3 buổi chiếu - một kỷ lục đáng buồn của điện ảnh nước nhà. Biết vậy, nhưng cũng chẳng làm được gì hơn.

Rồi cũng không thể ngồi im mãi được, cuộc sống hối thúc, đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo chuyển công tác vào Sài Gòn, nơi ông biết chắc rằng với khả năng như mình, sẽ không thiếu đất để dụng võ. Ông giảng dạy cho sinh viên điện ảnh với niềm đam mê, truyền cho họ những kinh nghiệm làm phim của mình. Ông làm phim truyền hình. Có những năm, ông làm đến cả trăm tập phim. Bởi ông được đào tạo bài bản cả về sản xuất phim nên ông biết cách rút ngắn thời gian quay và dựng mà vẫn đảm bảo chất lượng nghệ thuật lẫn rating theo yêu cầu của nhà sản xuất và nhà tài trợ. Chính vì thế, cái tên Đặng Lưu Việt Bảo vẫn được ưu tiên hàng đầu ở một thị trường sôi động và đầy tính cạnh tranh.

Ít ai biết đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo là dòng dõi của Quốc công Đặng Tất và danh tướng Đặng Dung mà bài thơ Thuật hoài của ông còn mãi lưu trong tâm thức những người Việt yêu nước. Từ lâu, đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo đã muốn thực hiện một bộ phim điện ảnh về hai cha con họ Đặng anh hùng lỗi lạc trong lịch sử dân tộc, cũng như một nén tâm nhang của con cháu đến cha ông mà chưa thể thực hiện được.

Bây giờ, đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo bận rộn với việc giảng dạy, làm phim. Kinh tế cũng đã dư dả hơn hồi ông còn vất vả với những dự án điện ảnh mà không thành. Nhưng trong sâu thẳm, ông vẫn tự nợ mình một bộ phim điện ảnh, nợ cả đồng nghiệp và nợ cả khán giả, những người đã yêu mến ông qua bộ phim Chuyện làng Nhô cùng cả những bộ phim truyền hình sau này. Bởi như ông tâm sự, nếu làm phim nhựa, đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo sẽ dành tặng tất cả những tinh hoa của mình cho tất cả mọi người.

Anh Thư


Ý kiến của bạn