Trăn trở cùng ngư dân

04-06-2019 15:01 | Xã hội
google news

SKĐS - Hằn in trong trí nghĩ của hàng vạn ngư dân Nam Trung Bộ bao đời nay vẫn xem biển là nhà. Đó là nơi tạo ra nguồn sống, nuôi dưỡng khát vọng.

Nhưng rồi, cùng với sự tăng giá của các nguồn nhiên liệu, nhân công đi biển khiến nhiều tàu đánh bắt khơi xa phải nằm bờ phơi nắng. Cùng với đó, cuống cuồng đắp đổi cuộc sống, tại nhiều cửa biển, đầm thủy triều, các phương tiện đánh bắt thô sơ gần bờ lại đua nhau khai thác kiểu tận diệt khiến nguồn lợi hải sản ngày càng cạn kiệt.

Luẩn quẩn bài toán ngắn hạn

Hưởng “đặc ân” từ đầm Thủy Triều (Cam Hải Đông, Cam Lâm, Khánh Hòa) suốt hơn nửa thế kỷ nay nhưng cuộc sống của hàng trăm hộ ngư dân bám vào cửa biển vẫn nằm gọn trong vòng luẩn quẩn với những toan tính vụn vặt. Nhìn những chiếc ghe và thuyền nhỏ chất đầy lờ dây, kích điện, lưới mắt nhỏ... ì ạch rẽ sóng trên đầm Thủy Triều, ngư dân Lê Văn Hậu thở dài, lo lắng: Dõi theo thì cứ thấy cá, tôm từ nhỏ đến to hất lên thuyền liên tục thế nhưng chẳng được bao nhiêu vì toàn bán theo mớ. Muốn có cá ngừ đại dương lẫn các nguồn hải sản lớn thì phải giỏi nghề và liều nữa. Vươn khơi cũng như “đánh bạc” với đại dương, nếu không tính toán kỹ, lỗ thê thảm như chơi.

Nhiều mô hình nhà hàng kết hợp du lịch đã hình thành ở đầm Thủy Triều.

Nhiều mô hình nhà hàng kết hợp du lịch đã hình thành ở đầm Thủy Triều.

Có mặt ở đầm Thủy Triều lẫn Vịnh Cam Ranh, bất kể sớm - tối những chiếc ghe nhỏ chất đầy lờ dây nhả khói mù mịt, đua nhau đánh bắt. Trần Văn T., một người đi biển dày dạn kinh nghiệm ở đầm Thủy Triều, thổ lộ: Trước cũng có một số người vay tiền đóng tàu công suất lớn nhưng sau đó lại chuyển nhượng rồi quay sang đánh bắt kiểu tận diệt. Trung bình chỉ cần bỏ ra 2 triệu tiền lờ dây và 8 triệu tiền đóng ghe là có thể đánh bắt mấy năm. 5 năm trước, mỗi ngày đánh được khoảng 2 triệu mỗi ghe nhưng nay chỉ được 500 -1 triệu đồng. Có người biết tận diệt thế, tương lai sẽ cạn hải sản nhưng vì cuộc sống trước mắt vẫn cứ phải hoạt động liên tục. Lúc cao điểm có hàng trăm phương tiện đánh bắt tận diệt ở Cam Ranh và đầm Thủy Triều.

Theo chân một ngư dân đi mua ngư cụ, thấy rõ để có các thiết bị như lồng cào, lờ dây, kích điện... chỉ cần đến các điểm bán ngư cụ lớn ở Cam Ranh, Cam Lâm hay Nha Trang đặt mua là đều có chưa kể các loại phương tiện tự thiết kế.

Chuyển sang nghề buôn bán hải sản 2 năm nay, ông Lê Tiến Tùng ở Cam Đức (Cam Lâm) cho biết: Trước mỗi ngày có thể thu mua vài tấn hải sản các loại của hàng trăm ngư dân đánh bắt tận diệt ở Cam Ranh, đầm Thủy Triều nhưng bây giờ, ngày nào nhiều lắm cũng chỉ được gần một tấn.

Để người dân thấy rõ tác hại của việc đánh bắt tận diệt, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cam Ranh vẫn liên tục tổ chức tuần tra, tuyên truyền đồng thời phân tích kỹ càng mặt lợi và mặt hại của các hành động tận diệt. Thế nhưng, vì cái lợi trước mắt, ngư dân vẫn lén lút hoạt động.

Tại nhiều vùng biển khác ở Nam Trung Bộ như: Bình Chánh (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) hay ven đảo Lý Sơn tình trạng đánh bắt tận diệt vẫn thường xuyên diễn ra dẫu đã được tuyên truyền, cấm. Ông Nguyễn Tùng vừa từ dã nghề đánh bắt bằng giã cào cho biết: Muốn dừng hẳn thì khó. Người ta cứ canh me, khi nào có đội tuần tra thì dừng, không thì đánh tiếp. Đánh bắt kiểu này, chả con nào thoát được. Có người còn đặt làm các loại lờ dây, lưới vây mắt thật nhỏ, có khi con ốc hương cũng không lọt.

Ngược ra phíaPhá Tam Giang - Cầu Hai (Thừa Thiên Huế) nơi được ví như cái túi hải sản khổng lồ, có thể nuôi sống cho trên 10 ngàn ngư dân. Thế nhưng, chính kiểu đánh bắt tận diệt, hải sản đã cạn dần. Làm nghề chài lưới nhiều năm trên Phá Tam Giang, ông Võ Văn Phú buồn rầu, lo lắng: Không chỉ người dân thiếu ý thức mà “thủy tặc” nơi khác cũng về quần thảo. Giờ đi biển một ngày cũng chỉ đủ ăn cho gia đình chứ không dư giả được. Tại các tỉnh Phú Yên, Bình Thuận, người dân cũng lo lắng về tình trạng đánh bắt kiểu tận diệt này.

Dài cổ chờ bạn vươn khơi

Thấu rõ tác hại của kiểu đánh bắt tận diệt, nhiều ngư dân đầu tư tàu công suất lớn, giá trị hàng chục tỉ đồng để vươn ra các ngư trường. Vậy nhưng một thực tế đang diễn ra là... thiếu bạn đi biển trầm trọng.

Tại cảng Hòn Rớ (TP. Nha Trang, Khánh Hòa), nhìn chiếc tàu trên 880CV của mình, ông Lê Văn Hội trăn trở: Mình đã mấy đời đánh bắt xa bờ rồi. Trước đây cứ đi 20-25 ngày là thu về mấy trăm triệu tiền bán hải sản nhưng nay thì giảm mất một nửa. Đặc biệt, từ cuối năm 2018 đến giờ vẫn chưa tìm đủ bạn đi biển, tàu vẫn phải nằm đó.

Nhiều người vì nôn nóng kiếm nhanh đủ bạn tàu vươn khơi, đã không lựa chọn kỹ nên dẫn đến những tai nạn đáng tiếc trên biển, đời sống càng lâm vào khốn khó. Trở về sau chuyến vươn khơi cuối năm 2018, đến giờ anh Nguyễn Hậu ở Hòn Rớ (Phước Đồng, Nha Trang) vẫn chưa hết sợ hãi cho biết: Cũng do mình cả. Mới chỉ biết sơ sơ các kỹ thuật đánh bắt xa bờ theo lời kể của người thân nhưng muốn có tiền đã nhận lời ra ngư trường lớn. Thả lưới, kéo lưới không đúng cách nên ngã nhúi xuống, dập xương hàm vào cạnh tàu. Nhiều bạn tàu khác không có kỹ năng gì vẫn nhận lời vươn khơi nên sự cố xảy ra rất nhiều. Giờ rút kinh nghiệm, phải tích lũy đủ kỹ năng ứng phó thì mới đi khơi xa được nếu không tai nạn khó lường sẽ xảy ra.

Trước thực trạng nhiều tàu phải nằm im phơi nắng, ông Mai Thành Phúc, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Phước Đồng cũng bồn chồn lo âu. Theo ông Phúc, vận động bà con phải bám biển, bám ngư trường nhưng cái cốt yếu nhất vẫn là nguồn lợi họ thu được. Nguồn lợi giảm mạnh, hải sản giảm mạnh mà các thứ lại tăng thì rất nan giải. Nghiệp đoàn có hơn 30 tàu công suất lớn nhưng hai phần ba phải nằm bờ vì vươn khơi xa sợ lỗ.

Tại hàng chục cảng cá khác ở Nam Trung Bộ cũng chịu cảnh ngộ tàu tiền tỉ nằm phơi xương, phơi gió vì sợ không cáng đáng nổi các chi phí, không tìm đủ bạn đồng hành trong những chuyến vươn khơi xa.

Tại Gành Cả (ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) 2 năm về trước, lúc nào cũng tấp nập cảnh mua bán và hơn 60 tàu công suất lớn vươn khơi, cập cảng liên tục. Nguồn hải sản xuất bán đi khắp nơi ở khu vực miền Trung. Thế nhưng, những ngày đầu năm 2019 này, một nửa số tàu đã “đắp chiếu”. Ông Nguyễn Văn Tàu, chủ tàu QNg 95239 ở Bình Sơn cho biết: Một tàu lớn ra biển cần trên 20 người, phải đều là những ngư dân thành thạo các kỹ năng đánh bắt và xử lý tình huống trên biển. Mỗi ngày tiền công phải trả hàng triệu cho mỗi người nhưng tìm đủ vẫn khó.

Dầu tăng giá, nhân công tăng, nhiều tàu công suất lớn phải nằm bờ.

Dầu tăng giá, nhân công tăng, nhiều tàu công suất lớn phải nằm bờ.

Phải có hướng đi hợp lý, hiệu quả

Cùng với việc ban hành các quyết định quy hoạch phát triển thủy - hải sản bền vững ở nhiều địa phương thì mỗi người dân tự thay đổi nhận thức, gắn đánh bắt với bảo tồn để biển không cạn kiệt. Cùng với đó, các mô hình du lịnh ven cửa biển, dọc đầm Thủy Triều đã mở ra cơ hội thay đổi nghề nghiệp, phát triển kinh tế cho nhiều khu dân cư. Hàng trăm người chuyên đánh bắt tận diệt đã chuyển hẳn nghề khác.

Sau khi hiểu rõ đánh bắt tận diệt chính là làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống tương lai, đến môi trường biển nên từ đầu 2018, ông Lê Văn Bàng ở Cam Hải Đông (Cam Lâm, Khánh Hòa) đã vận động gần chục người chuyên làm nghề đánh bắt bằng giã cào chuyển sang làm bè nổi phục vụ khách du lịch. Để người dân thay đổi dần nếp nghĩ, UBND xã Cam Hải Đông cũng liên tục vận động ngừng đánh bắt tận diệt đồng thời khuyến khích các hộ dân làm kinh tế du lịch, kết hợp giữa homestay với chuỗi nhà hàng nổi. Đến tháng 4 /2019 đã có hàng chục dự án du lịch lớn hình thành quanh khu vực đầm Thủy Triều, hút về hàng ngàn lao động.

Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa nêu bật quyết tâm: Cùng với sự vận động, chuyển đổi nghề nghiệp thì chi cục cùng các lực lượng chức năng khác vẫn liên tục đi tuần tra, kiểm soát việc đánh bắt kiểu tận diệt. Có thời điểm bắt hàng trăm giã cào. Để tăng cường tính răn đe, còn tiêu hủy hàng loạt phương tiện này.

UBND huyện đảo Lý Sơn cũng cho biết: Phải thay đổi được gốc rễ trong nhận thức của người dân thì công tác bảo vệ môi trường biển, bảo vệ nguồn lợi hải sản mới bền vững. Các đối tượng đánh bắt tận diệt thường hoạt động ban đêm, ngày càng tinh vi nên phải tăng cường tuần tra, giã cào nào cố tình vi phạm sẽ bị tiêu hủy.

Bên cạnh đó, huyện Lý Sơn khuyến khích các chủ tàu lớn kết hợp chặt chẽ với các bạn thuyền để đoàn kết vươn khơi xa, bám các ngư trường lớn vì đánh bắt hải sản chính là nghề chủ lực của Lý Sơn. Các chính sách ưu đãi vươn khơi cũng đang được thực hiện, mang lại lợi ích nhiều mặt cho ngư dân.

Cùng với đánh bắt xa bờ thì cần chú trọng công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản, xây dựng triển khai thực hiện một số chương trình thả giống ra các vùng nước tự nhiên đối với một số đối tượng thủy sản có nguy cơ cạn kiệt.

Được xem là tỉnh có nền kinh tế thủy sản phát triển mạnh, Bình Thuận cũng xác định kinh tế biển là ngành mũi nhọn, tạo đột phá giảm nghèo cho hàng ngàn người dân ở các xóm chài, các vùng bãi ngang, vùng khó khăn. Tuy nhiên, không thể phát triển theo các mô hình cũ mà đã đẩy mạnh phát triển ngư nghiệp theo hướng điện đại, tăng năng suất. Ngư dân được hướng dẫn cụ thể chứ không vươn khơi nhỏ lẻ, tự phát. Đánh bắt gắn với dự báo để tránh bớt rủi do. Không cho đóng mới những loại tàu cá có công suất nhỏ dưới 30CV, kéo giảm dần các phương tiện gây nguy hại nguồn lợi thủy sản như: tàu lưới kéo, tàu giã cào... Tập chung cải tạo, nâng cấp các tàu cũ để đánh bắt gần bờ còn các tàu mới phục vụ cho đánh bắt xa bờ. Thuyền trưởng tàu BT 321-QT, ông Nguyễn Chức ở Liên Hương (Tuy Phong, Bình Thuận) chia sẻ: Được hỗ trợ tiền để nâng cấp tàu và hướng dẫn chi tiết cách tránh rủi do nên ngư dân rất mừng. Sản lượng đánh bắt về đều được ngành thủy sản địa phương liên kết với các chủ vựa, các doanh nghiệp để thu mua nên an tâm.

Để tăng tính kết nối trong phát triển, Bình Thuận còn vận động ngư dân tham gia các tổ, đội để vươn khơi theo lịch trình. Hạn chế các nhóm vươn khơi tự phát, nhỏ lẻ, hoạt động theo sở thích không hiệu quả.


Bài và ảnh: Hà Văn Đạo
Ý kiến của bạn