Hàng xóm vừa mới ra viện, tôi vội sang thăm, thấy bà kể, chỉ ăn mấy quả nho thôi rồi sa xẩm mặt mày, đi bệnh viện xét nghiệm, soi khám, điều trị tổng cộng hết 10 triệu đồng. Về nhà tôi cứ ngẩn ngơ nghĩ vậy người nghèo, nếu ngộ độc thực phẩm hay bệnh tật gì đó không có tiền thì số phận sẽ thế nào?
Và lập tức tôi nghĩ đến miền Trung, nơi nghèo khó nhất của đất nước. Tôi gọi điện cho chị M, người giúp việc cũ của gia đình tôi, hỏi thăm tình hình, chị bảo, cứ vào thì biết, vào đi, người miền Trung nghèo nhưng ai cũng tốt bụng cả. Bệnh viện ở trong này thương bệnh nhân lắm. Mà nói thật nhé, quê em toàn những người nghèo, nghèo lắm, nếu phải chữa chạy tốn kém thì họ thà để chết thôi, chị cười, trong tiếng cười ẩn giấu những giọt nước mắt... Thế là tôi mua vé máy bay. Chuẩn bị ra sân bay thì nhận được Thư mời từ Đại sứ quán Mỹ qua email, về việc xác nhận đến tham dự cuộc nói chuyện của người quyền lực nhất hành tinh vào trưa ngày 24/5/2016 tại Mỹ Đình. Tiếc quá, nhưng thôi, bụng bảo dạ, rồi sẽ nghe và xem qua truyền hình...
BS. Trần Thành.
Tôi ở Đà Nẵng 1 ngày, rồi vào Quảng Nam. Đến thành phố Tam Kỳ, liên hệ điện thoại mấy cơ sở, và trước hết, tiện đường tôi vào luôn bệnh viện đa khoa của tỉnh. Nhưng trước đó, cũng không mấy dễ dàng, dù tôi đã nói “mục đích ý nghĩa” cuộc ghé thăm nhưng Ban Giám đốc khá băn khoăn, lý do là bệnh viện quá đông bệnh nhân, đội ngũ y bác sĩ điều dưỡng ai nấy đều làm hết công suất, hết thời lượng mà không hết việc nên khó thu xếp thêm một việc gì nữa đột xuất. Thuyết phục mãi, trợ lý của ông bảo: Người tốt như các tiêu chí chị nêu thì nhiều lắm, ai cũng xứng đáng cả. Nhưng vận động họ gặp nhà báo kể thành tích, hoặc đơn giản hơn chỉ là để kể về việc đã làm hằng ngày thì ai nấy đều ngại, đều không thích, người nào cũng báo cáo: “Thưa Giám đốc đó là việc bình thường của mỗi thầy thuốc, có chi đâu mà nói...”.
Năn nỉ mãi rồi Ban Giám đốc cũng thuyết phục được mấy người, rằng, các bạn cũng vì cái chung, thôi cứ kể trung thực những việc chúng mình đã làm, cái gì chưa làm được. Nói ra, đâu có phải để cho mình mà cho mọi người hiểu thêm ngành y của chúng ta thôi...
*
Câu chuyện đầu tiên, xin được kể về Trần Thành. Anh là bác sĩ, Trưởng khoa Tiết niệu lồng ngực. Khoa có 17 người, trong đó 6 bác sĩ, 7 điều dưỡng, 3 nhân viên y tế. 1 trong 6 bác sĩ đang đi học nâng cao ở Đại học Y Huế. Khoa được giao kế hoạch (chỉ tiêu/số lượng) điều trị bệnh nhân 35 người/giường/tháng nhưng bệnh nhân thường đông gấp rưỡi, có lúc hơn gấp đôi, đến 80 giường, không thể phân loại ai chữa ai không. Trần Thành ngần ngại một hồi rồi đồng ý trò chuyện với tôi lúc 2 giờ chiều, cái giờ anh ước lượng là sẽ mổ xong những bệnh nhân đã lên lịch trong ngày. Trước đó, để hiểu thêm về anh, tôi gặp những bác sĩ, điều dưỡng và bệnh nhân trong khoa của anh và một vài người dân ở gần nơi anh ở. Cuộc tìm hiểu bên ngoài cho tôi một khái quát ngắn gọn rằng, không người nào là không khen BS. Thành.
2 giờ 30, tôi mới được trực ban báo cho biết, BS. Thành vừa thực hiện xong ca mổ, nhà báo có thể đến và đợi một lát. Khi gặp, tôi hơi ái ngại, trông anh mệt lử, hai tay hơi run (sau này tôi mới biết, không nỡ để tôi đợi lâu nên bác sĩ dù chưa ăn bữa đã tiếp tôi luôn). Tôi hỏi thăm về ca phẫu thuật, anh nói, từ sáng đến giờ mổ mấy ca liền, tạm gọi là thành công, nhưng nghề này, chỉ khi nào nhìn bệnh nhân tươi cười ra viện, sống khỏe... thì mới thở phào nhẹ nhõm, còn thì... lúc nào cũng trong tâm trạng hồi hộp hết. Tôi lại hỏi, anh cầm dao mổ bao lâu rồi, tỷ lệ thành công là bao nhiêu. Thành nhỏ nhẹ bảo, dạ 16 năm, bao nhiêu ca mổ không nhớ nữa, (từ ngày thành lập Khoa Ngoại Tiết niệu đến nay trung bình mỗi ngày từ 5-6 ca), chưa có ca nào có sự cố gì. Tôi bảo, như vậy là mỹ mãn. Anh vội bảo, không dám nhận vậy đâu cô ơi, chỉ tâm niệm rằng, phải làm hết sức mình, hết khả năng, chứ nghề của chúng tôi là nghề nguy hiểm mà cô, không ai dám nói trước.
Trước khi trò chuyện với Thành, tôi khi đi thăm các giường bệnh, lòng đã nghĩ: “Sao có người lại dũng cảm chọn nghề y nhỉ? Một nghề thật kinh khủng, không kể trực đêm, trực ngày, vất vả, khổ sở, chỉ riêng suốt ngày đối diện với đau đớn, rên la, bẳn gắt, đòi hỏi, thắc mắc, và dù có làm tốt mấy cũng không bằng lòng...”. Tôi hỏi: Thành học trường nào ra nhỉ, gia đình có mấy người theo ngành y? Câu hỏi tưởng như rất đơn giản. Nhưng mấy chục giây trôi qua tôi không nghe thấy câu trả lời. Chợt buông bút nhìn lên, gương mặt Thành gầy gò, tai tái, qua cặp kính tôi thấy một đôi mắt nhòe ướt, cánh mũi đỏ ửng, mái tóc buông xõa mệt nhọc từ nãy giờ càng như mệt thêm. Nghẹn ngào. Ban đầu tôi hơi ngạc nhiên. Nhưng một cái gì đó khiến tôi cũng nhói buốt trong tim, khi Thành lấy tay gạt nước mắt, giọng nói ngàn ngạt: “Xin lỗi... chờ... cho... một xíu...”. Cái một xíu của Thành khá dài, cứ định cất lời thì cổ họng anh lại nghẹn. Tôi bảo, hay để lát nữa, tôi có thể chờ, ta nói sang chuyện khác... Và tôi lảng sang chuyện người Quảng chất phác, giọng Quảng người Bắc phải nghe một lát mới hiểu được, nhưng người xứ Quảng lại rất nhiệt tình, đất Quảng nắng dữ, trong nhà quanh năm nóng, nhưng chỉ cần ra cửa là gió như quạt hầu, đường phố đất Quảng nhiều chỗ có màu hoa giấy tím... Tôi cứ lấp chỗ trống để Thành lấy lại thăng bằng...
Và anh kể: Vâng, sinh năm 1975, tui học Đại học Y Dược Huế năm 1995, ra trường 2001 (lại ngàn ngạt mũi vì xúc động). Gia đình tui có 5 anh chị em, trừ tui, tất cả đều làm kinh doanh. Tui chọn y cũng không nghĩ sẽ khổ, không nghĩ sẽ vui, chỉ vì nhìn mẹ bệnh, con muốn được là người có kiến thức chữa bệnh cho mẹ, giảm nỗi đau của mẹ. Rồi sau, rộng ra, cứ mỗi khi thấy người bệnh, lại nghĩ họ cũng đau như mẹ, nghèo như mẹ, mình chọn nghề y là phải rồi. Chỉ nghĩ đơn giản vậy thôi... Nhà tui nghèo lắm. Bố đi tập kết ra Bắc, mẹ sinh chị cả. Tin ở đâu đưa về, nói là bố chết rồi, nên ít lâu mẹ đành lấy chồng để có nơi nương tựa nuôi chị. Đến khi bố về, biết mẹ đã có chồng, bố lấy vợ khác sinh ra 4 người nữa trong đó có tui. Bố mẹ nghèo, không đủ nuôi các con nên chị cả nhận nuôi tui từ khi còn nhỏ, cho đi học. Nhưng, cuộc sống mưu sinh của chị khá vất vả, sáng sớm tui phải dậy từ 4 giờ dọn hàng đỡ chị. Đi học về, cởi bỏ quần áo học đường là mặc cái quần xà lỏn vào ra phụ chị bán hàng. Tối khuya mới học bài. Cứ thế, thi đại học lần đầu không đỗ, lần sau mới đỗ... Chúng tui lớn lên trong sự nghèo có sẵn của địa phương Quảng Nam và của riêng gia đình mình. Chuyện học đại học của tui là một may mắn lớn của đời tui, từ đây tôi sẽ phấn đấu để thỏa được ước mơ khoác áo choàng trắng, trị bệnh cứu người.
Nghe Thành kể, tôi cũng thấy tim mình ngột ngạt, một câu chuyện cảm động, thầm nghĩ, từ đỗ đại học đến học xong, ra trường, làm nghề, và tay nghề cao là một việc nói thì dễ nhưng làm được thì phải muôn vàn gian nan. Trong “Pie Đại Đế” chẳng đã nói “Nhiều kẻ bắt đầu, ít kẻ tới đích” đó sao? Nếu là tôi trong hoàn cảnh như Thành, chắc cũng khó thực hiện vì riêng chuyện học cho giỏi đã khó, còn phải quần quật làm việc sau những giờ học nữa cơ, ngoài ra cái nghèo nó thử thách dữ dội lòng kiên nhẫn và chí tiến thủ.
Tôi định đùa: Vậy bây giờ hết nghèo chưa? Mổ mấy ngàn ca rồi, mỗi ca ít nhất cũng được “bồi dưỡng” dăm bẩy trăm chứ. Nhưng tôi không dám đùa. Phần vì đã nghe, đã hỏi ở các khoa khác, bệnh nhân ở đây không ai có tiền, để trả tiền thuốc và tiền chữa bệnh theo quy định cũng đã khó quá, lấy đâu ra phong bao chi trả ngoài phí bắt buộc, thi thoảng có ai đó, có điều kiện hơn và vì rất nể phục tài trí cứu chữa của bác sĩ có bồi dưỡng thêm tiền thì đều được các bác sĩ hoặc kíp trực bỏ vào hòm từ thiện chung của khoa (việc này tránh được chuyện có tiền thì phục vụ tốt, không tiền thì bị kém đối xử). Khi mở hòm ra, có bao nhiêu thì lấy ra bù vào những bệnh nhân đến chữa mà không có đủ tiền.
Tôi tự ngăn mình không hỏi nữa, trước một gương mặt trong veo như Thành, câu đùa đó có thể là sự xúc phạm. Tôi bèn hỏi: Vợ con thế nào? Thường xuyên phải đi đêm về hôm, có khi vừa về nghỉ thì bị gọi quay lại cấp cứu thì phải ưu tiên số một là mua ôtô chứ. Thành cười, cái cười ngượng nghịu, trời ơi, nhà còn chưa có thì lấy đâu ra mua ôtô, cô ơi?
Ngót mười bẩy năm cầm dao mổ, Thành không nhớ mình đã mổ bao nhiêu ca, chỉ có người ghi sổ của khoa là biết, và theo đó tiền được thanh toán đúng như quy định của Nhà nước, cộng với lương của bác sĩ chuyên khoa 2 (3.66 x với lương cơ bản), tổng thu nhập của Thành 1 tháng nhiều nhất là 10 triệu đồng. Vợ cũng là cán bộ ăn lương nhà nước, có 2 con nhỏ độ tuổi mẫu giáo... Tất cả những điều Thành kể, còn rất ít so với những gì tôi nghe được từ nhiều nguồn khác nhau về Thành. Tuy nhiên, tôi cần xác minh lại những chuyện đó từ lời kể của Thành. Bản thân tôi cũng có một kinh nghiệm (ruột thịt của tôi mổ bàng quang, bác sĩ mổ bảo rằng, bệnh không quá nguy hiểm nhưng cần tuân thủ nghiêm ngặt những chỉ dẫn của thầy thuốc, gồm bác sĩ mổ và điều dưỡng. Nhưng, tôi vẫn quá lo, nên sau khi ca mổ thành công tôi thấy họ xứng đáng được nhận một món tiền tự nguyện từ tôi. Nhưng, đấy là tôi và một số người khác giống tôi, có thu nhập hằng tháng khoảng 15 triệu đồng... và đấy là ca mổ ở Hà Nội, một thành phố có mức sống cao, có thể tự nguyện bồi dưỡng mà không thấy là thiếu hợp lý.
Chứ ở Quảng Nam, vùng Tam Kỳ, nơi Bệnh viện đa khoa tỉnh có BS. Thành đang làm việc, một năm người dân chỉ trông vào 2 vụ lúa, ngành nghề khác cũng có, ngoài viên chức ăn lương cố định, người dân ở đây thu nhập chỉ từ 2-6 triệu đồng/tháng, phần lớn dựa vào nông nghiệp, may rủi nhiều: “Trông trời trông đất trông mây” nào có mấy đồng tiền. Nghèo thường đi với bệnh. Và nghèo thường đi với hèn. Vậy mà chẳng thấy cán bộ y tế ở bệnh viện này hèn. Không hèn, nhưng nghèo thì rất rõ. Quảng Nam không chỉ được biết đến vì tính khảng khái, từng được ca ngợi “đất nghèo nuôi những anh hùng” đó sao.
Dân ở đây, bệnh nặng mới đến viện, dù vậy, viện vẫn quá tải vì đây là vùng đất không chỉ nghèo mà còn vướng nhiều tàn tích của chiến tranh, chất độc hóa học...
Tôi nghĩ, giỏi như Thành sao không chuyển quách ra thành phố lớn? Nơi nhiều người có thể phong bao từ 500 ngàn đến vài triệu đồng cho một lần mổ. Với bảng thành tích của Thành có thể không khó xin việc, hoặc thậm chí mở bệnh viện tư: Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở liên tục từ 2008-2014, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, Bằng khen của UBND tỉnh, của Sở Y tế, Bằng Lao động sáng tạo của tỉnh, của Liên đoàn Lao động Việt Nam, Giải khuyến khích Hội thi lao động sáng tạo Hội Liên hiệp khoa học Việt Nam... Ngoài ra, Thành còn yêu văn học nghệ thuật, thích làm thơ, nhiều khi thơ cũng là một cầu nối đến các quan hệ bè bạn...
Thành đã từng đi Hà Nội, Huế, TP.HCM để học nâng cao, hội thảo, việc bác sĩ mổ có tay nghề cao và có thu nhập tốt là chuyện không thể Thành không biết. Anh lên phẫu thuật viên chính từ 2009, thời gian và tài năng đã làm nên thành tích đáng kể của Thành... Nghĩ hồi lâu, tôi hỏi: Thành không yêu cách sống của thành phố lớn sao, hay không dám ra biển rộng? Tôi kể cho Thành nghe chuyện chiếc phong bì thành tâm của tôi tri ân bác sĩ cứu sống người nhà tôi, Thành bảo, Thành hiểu rõ các chuyện ấy, nhưng, Thành yêu đất nghèo Quảng Nam và thương người bệnh nghèo của xứ mình, đó là lý do số một, kế là phải nói đến tình cảm của Thành với BS. Ẩn, Giám đốc bệnh viện, người đã có công giữ gìn đội ngũ y bác sĩ giỏi dưới quyền của mình bằng khả năng phát hiện, trân trọng tài năng và con mắt công bằng.
Một người như ông Ẩn, Thành nói, tui không thể nỡ bỏ ông mà chuyển đi nơi khác được. Tui nghĩ, những người đứng đầu (lãnh đạo) một tập thể mà có tâm như thế, luôn tạo ra cơ hội làm người tử tế cho những người cấp dưới như tui. Ngoài ra, tui không thích nhận tiền như vậy. Họ nghèo khó quá, có tiền chúng tôi còn cho họ thêm ấy chứ. Còn những người có tiền ư? Đôi khi, họ nghĩ không đúng về đồng tiền của họ đâu. Lấy làm gì chứ? Có người coi tiền là phương tiện để sai khiến mình... Tui nhớ có ai đó bảo: “Lòng tốt ở trên cao khi buồn cũng sáng, lòng tốt ở rất gần như chiếc lá khi buồn cũng héo khô...”. Sở dĩ, ngại nói chuyện với nhà báo, ngại được hiện diện trên mặt báo vì có thể nó biến đổi cuộc sống bình dị của mình. Nó cũng là một thử thách nữa phải vượt của chính mình. Đời sống vốn đã có nhiều thử thách rồi, giỏi quá thì bị ghét, dốt quá thì bị khinh, vừa vừa thì... chẳng giúp đỡ được ai, cũng chẳng cứu được mình, thôi thì, tự nhủ rằng, mình - một thằng nghèo, từ cái quần xà lỏn đi lên, giờ hãy nghĩ đến những người nghèo khác mà sống tốt hết cuộc đời...
Tôi rất thích hoa giấy, một vẻ đẹp vô tư, hồn nhiên, cứ có nắng là nở rộn ràng, tưng bừng, nhìn vào đó thấy tâm hồn ngập tràn hạnh phúc. Màu hoa tươi thắm, cánh hoa mong manh, từng chùm rực rỡ rung rinh trong gió... Câu chuyện với BS. Thành khiến cho tôi nhớ đến vẻ đẹp của những chùm hoa giấy nở tràn hai bên đường của thành phố Tam Kỳ xứ Quảng...