Mặc dù được xuất bản từ quý 3 năm 2014, nhưng mới đây, tại TP. Hồ Chí Minh, nhà văn Trần Nhã Thụy (sinh năm 1973, quê Quảng Ngãi) mới chính thức giới thiệu cuốn tiểu thuyết Hát (NXB Hội Nhà văn và Phương Nam Book phát hành) tới độc giả. Hát dày 300 trang nhưng được tác giả “thai nghén” và “hạ sinh” trong vòng 6 năm.
Nói về tiểu thuyết mới nhất – Hát, nhà văn Trần Nhã Thụy cho biết, anh khởi bút từ tháng 2/2008 đến 3/2014 thì hoàn thành tác phẩm.
Bìa cuốn tiểu thuyết Hát của Trần Nhã Thụy.
Trong tiểu thuyết Hát, nhân vật chính có tên Kỷ vốn là một nam kỹ sư của Viện Giống. Kỷ độc thân, sống giữa Sài Gòn nhưng lại mê giai điệu ca trù xứ Kinh Bắc. Nhân duyên đưa anh gặp gỡ và theo học ca trù từ mẹ con Xuân Nương - những ca nương hiếm hoi còn sót lại. Giữa phố sá Sài Gòn, ca trù bị lạc tông và cuộc sống những ca nương trở nên mong manh. Bên cạnh nhân vật Kỷ, Trần Nhã Thụy cũng xây dựng nên những nhân vật đa màu sắc như: ca sĩ Viễn Trinh, nhà báo Râu quai nón áo bốn túi, nhà cải cách văn hóa với những phát ngôn gây sốc tên Sinh, những đại thi sĩ, họa sĩ nửa mùa... Họ đều tất bật trong cuộc chạy đua mà không biết mình đua với cái gì. Và ở Hát, tác giả cũng vẽ nên thế giới xa hoa trong cuộc sống của những người giàu ở Sài Gòn. Bạn đọc thấy trong Hát một Sài Gòn khác với hình ảnh đô thị của người nhập cư mà nhiều người từng biết.
Đọc Hát thấy được đây không phải là công trình nghiên cứu nhưng tác giả đã sử dụng nhiều chi tiết khoa học để làm nên chất văn học. Nhưng về tổng thể, Hát là sân khấu lớn của những tiếng hát. Các nhân vật trong tiểu thuyết đều hát hoặc làm việc mà họ cho là hát, đồng thời họ đều nói về hát. Trong một không gian nhất định nào đó, Hát lại cũng có tính khảo nghiệm nghệ thuật về những suy tưởng bằng phong cách giễu nhại, châm biếm để làm bật lên được ý nghĩa: con người phải tự vệ trước mọi khủng hoảng tinh thần bằng chính cách tìm ra suy nghĩ riêng, tiếng nói riêng, tiếng hát riêng của chính mình.
Hát là tiểu thuyết minh chứng cho điều đó. Nhà thơ Phan Hoàng - Chủ nhiệm Văn phòng phía Nam Báo Văn nghệ) chia sẻ: “Hát như một tấm gương mà nhìn vào tôi thấy mình còn… xấu xí. Mọi thứ bên trong Hát quá thật, bởi vì thế nên tôi không tìm thấy được một lối thoát nào. Tôi luôn mong đến một lúc nào đó có đủ can đảm để đọc một mạch mà không phải gấp lại từng đoạn”.
Huy Thông