Trần Lực, người lạ của sân khấu kịch

07-02-2019 06:19 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trong buổi công diễn ra mắt báo chí, có một số người lo ngại Trần Lực đã mạo hiểm khi dựng vở Nữ ca sĩ hói đầu - thể loại kịch phi lý còn xa lạ với cảm thức của khán giả Việt Nam.

Nhưng đạo diễn tự tin: Kịch phi lý chẳng khác những dòng kịch khác, có chăng chỉ là hình thức, còn cốt lõi vẫn là tính nhân văn trong cuộc sống và mối quan hệ giữa con người với con người.

Nữ ca sĩ hói đầu lần đầu công diễn ở Paris vào năm 1950 đã đưa nhà văn gốc Rumani Eugène Ionesco trở thành một tác giả sân khấu nổi tiếng tại Pháp. Kịch được xem như sự mở đầu cho một trào lưu kịch phi lý, hay còn gọi là “hài kịch - nghịch dị” của phương Tây. Sau đó Eugène Ionesco cho ra đời các vở kịch phi lý khác: Bài học, Những chiếc ghế, Những nạn nhân của bổn phận... Song Nữ ca sĩ hói đầu với hơn 17.000 lượt công diễn tại Nhà hát Huchette ở Thủ đô Paris của nước Pháp trong suốt 50 năm qua và trên thế giới có ít nhất 10 đoàn kịch dàn dựng, thực sự đang giữ kỷ lục thế giới về mật độ công diễn của sân khấu kịch.

Vài năm gần đây, Trần Lực là một cái tên mà nhất định phải được nhắc tới nếu như nói về sân khấu kịch. Anh quả như là một người lạ giữa thời sân khấu đóng băng, “chết lâm sàng” này. Đúng hơn, một người mạo hiểm dũng cảm, gây ngạc nhiên. Chỉ bằng tình yêu sân khấu, anh dựng liền vài vở, thành lập đoàn kịch tư nhân Luc Team. Nhưng Trần Lực đã chứng minh niềm tin của anh vào khán giả không phải phi lý, rằng anh cũng không đến mức thiêu thân khi dựng những vở kịch không chiều theo thị hiếu khán giả hôm nay. Hai vở Quẫn (tác giả Lộng Chương) và Cơn ghen của Lọ Lem (tác giả Molière), ngoài việc nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn, cũng không khan khán giả.

Cuối 2018, dấn thêm một bước nữa trên con đường chông gai, NSƯT Trần Lực và Luc Team quyết tâm dàn dựng Nữ ca sĩ hói đầu. Các tác phẩm văn học kịch phi lý đã được dịch sang tiếng Việt từ lâu nhưng chưa đạo diễn sân khấu nào dàn dựng. Có lẽ tính chất phản kịch theo nghĩa truyền thống, tức tính phi cốt truyện, phi xung đột và phi tính cách của thể loại kịch phi lý dường như mâu thuẫn với thói quen thưởng thức của khán giả Việt, khiến các đạo diễn bối rối. Trần Lực cho biết, anh đã nghiền ngẫm vở kịch này trong hơn 1 năm, dàn dựng mất 6 tháng, trước khi đem chiếu lần đầu trước các nhà báo vào tháng 12/2018.

Một cảnh trong vở kịch Nữ ca sĩ hói đầu.

Một cảnh trong vở kịch Nữ ca sĩ hói đầu.

Nữ ca sĩ hói đầu, cô ấy là ai?

Xem xong vở kịch này, cam đoan là mọi khán giả đều bật ra câu hỏi đó. Nếu biết cô ấy là ai, đã không phải kịch phi lý. Nếu cứ cố tình đi tìm nhân vật đó, bạn sẽ thất vọng.

Không gian của Nữ ca sĩ hói đầu chủ yếu chỉ là căn phòng khách của một gia đình trưởng giả Anh. Khán giả sẽ bị cuốn ngay vào câu chuyện bởi không khí quẩn quanh mà vở kịch tạo ra. Đúng hơn là bị dội, bị mệt bởi nhân vật. Chưa bao giờ nhân vật (người vợ) lại nói thao thao bất tuyệt, bất chấp cảm xúc của khán giả. Nhưng bà ta cũng thật tội nghiệp, bởi vì câu chuyện là đang nói với chồng nhưng thực ra là nói chuyện với chính bản thân vì ông chồng không nghe.

Một cặp khác, với những đối thoại lặp đi lặp lại đến phát nhàm. Đến lúc khán giả tưởng như hết chịu nổi, thì cái nút thắt được mở ra. Người xem hiểu rằng họ vừa được nghe một cuộc đối thoại giữa hai vợ chồng. Hai con người vẫn ở cùng một nhà, ăn cùng một bàn, thậm chí ngủ cùng một giường, mà xa lạ nhau đến thế.

Sự phi lý lên tới đỉnh điểm khi một cặp đôi khác đến thăm cặp vợ chồng này. Những đoạn hội thoại siêu ngớ ngẩn đã diễn ra giữa bốn người. Phần dành cho khán giả chính là những cảm xúc kinh ngạc, tại sao những câu chuyện vớ vẩn, thậm chí nhảm nhí như vậy mà vẫn kẻ tung, người hứng nhịp nhàng.

Trần Lực cho biết, anh chủ tâm dựng lên một không gian đậm đặc sự phi lý của một vở hài kịch nghịch dị. Nó nói về sự lặp đi lặp lại đến buồn tẻ, vô nghĩa của đời sống. Trước hết là nó hấp dẫn tôi, còn hấp dẫn khán giả hay không thì chưa biết - đạo diễn hài hước nói.

Các động tác lặp đi lặp lại là có ý, nói con người sống như cái máy. Tuy nhiên, cái sự cố tình làm cho nhàm chán của chúng tôi có vẻ cũng hơi quá đà - Nghe Trần Lực giải thích và luôn thể phân trần, thì có vẻ như tiếp cận một vở kịch phi lý cũng không khó khăn lắm. Cơ bản là chúng ta cần sửa soạn một tâm thế khác với thông thường mà thôi. Chả hạn như vở này, chúng ta đừng có đi tìm nữ ca sĩ hói đầu sẽ xuất hiện ở đâu, lúc nào? Xem hết vở này khán giả sẽ hiểu rằng hành tung của cô ấy trong thế giới phi lý này nó cũng bí ẩn và phi lý như chính cuộc sống ẩn chứa đầy những bất ngờ khó giải thích của chúng ta.

Chả việc gì chúng tôi phải Việt hóa câu chuyện này

Đó là khẳng định của Trần Lực với báo giới. Anh cho biết sau khi nghiền ngẫm bản gốc trong một thời gian không hề ngắn, anh đã thấu hiểu rằng, vở kịch tuy nói về một câu chuyện trong gia đình châu Âu xa xôi nhưng nó chính cũng là câu chuyện của mọi gia đình trên trái đất này, trong đó có Việt Nam. Nó là vấn đề của chính chúng ta, ngày hôm nay vẫn là vậy. Vấn đề trong mỗi gia đình, vợ chồng thờ ơ với nhau, người này nói người kia không nghe. Sống cùng nhau mà không hề hiểu người bạn đời của chúng ta là ai? Họ mong muốn điều gì? Họ có những sở thích như thế nào. Vậy thì vì sao chúng tôi phải Việt hóa một vấn đề mang tính toàn cầu mà cũng gần gũi với con người Việt Nam như thế?

Xem kịch phi lý để làm trẻ não

Một nhà báo đã hỏi Trần Lực phải chăng bài rap ở đoạn cuối là nhằm mục đích hỗ trợ khán giả, để hiểu triết lý của vở kịch. Bởi vì thông thường các tác giả kịch phương Tây bao giờ cũng lồng ghép những triết lý sâu xa mà với thói quen thưởng thức lâu nay của người Việt Nam chúng ta, sẽ khó mà hiểu hết được. Đạo diễn đáp lời: Không phải để giải thích gì đâu. Chúng tôi muốn khán giả hãy cứ cảm nhận vở kịch theo cách của mình, mỗi người một cách. Sự cảm nhận của khán giả sẽ làm phong phú thêm cho vở kịch. Anh thêm: Mọi người có hiểu vì sao các nhân vật trong vở kịch này đều được đeo chuông? Nhắm mắt chúng ta vẫn nghe thấy tiếng động, thấy sự chuyển động của cuộc sống. Con người phải khác phải sáng tạo. Đồng ý. Nhưng con người cũng bị tha hóa, trở thành thế giới đồ vật. Con người làm gì mà ghê gớm thế, sinh ra cũng chỉ như sự vật này thôi. Không cá tính. Mặt nhợt một màu. Động tác lặp. Không nhận ra nhau. Không hề ngạc nhiên với mọi sự thay đổi của nhau. Đó là ý đồ của đạo diễn.

Ý đồ của đạo diễn cũng thể hiện rất rõ với hình thức tối giản trên sân khấu. Chỉ có ba màu đen, trắng, ghi. Thiết kế sân khấu cũng độc đáo, mang tính tối giản khi 8 nhân vật chỉ tồn tại trong một không gian với những bức tường kín và có 2 lối thoát. Trên tường chỉ có duy nhất một chiếc đồng hồ giấy màu trắng và bên dưới là một chiếc tủ. Diễn viên tập trong 6 tháng, một kỷ lục tập vở của thời kinh tế thị trường. Nhưng chính vì thế mà không thể tìm thấy một động tác thừa nào. Trần Lực chủ trương tiết giảm tối đa động tác của diễn viên; mỗi một động tác của họ đều phải có nghĩa. Dàn diễn viên của Luc Team đã đạt chuẩn robot. Và điều này cũng gói ý đồ của đạo diễn: Phản ánh sự lặp đi lặp lại của thói quen hàng ngày đến mức nhàm chán.

Tôi muốn làm sao để tất cả đều làm nền cho lời thoại của các nhân vật, họa sĩ Burchett nói.

Tôi thì nghĩ vở kịch phi lý này quả là một thách thức với đạo diễn Trần Lực. Nhưng như anh cho biết, anh sống với các áp lực như cá bơi trong nước. Trần Lực khẳng định rằng, trước khi làm một vở kịch hay, hãy làm một vở kịch khác. Sân khấu của chúng ta bây giờ cũ quá, lặp lại, khán giả chán cũng không oan. Luc Team làm những vở kịch như thế này, tin rằng cái mà chúng ta cảm thấy nó mới thì dần dần khán giả cũng cảm nhận được.

Khán giả sẽ không quay lưng lại với sân khấu nữa, khi cảm nhận được nhiệt huyết của các nghệ sĩ. Rõ ràng là vở kịch tẻ nhạt, phi lý nhưng kích thích não của khán giả, khiến họ phải ngồi đến tận cuối cùng để cố mà hiểu xem vở kịch này nói cái gì? nữ ca sĩ hói đầu sẽ xuất hiện lúc nào? Chỉ riêng điều đó cũng là một đóng góp của Trần Lực và Luc Team, khi anh khiến khán giả của sân khấu kịch phải động não, gián tiếp làm trẻ hóa não.

Trần Lực chia sẻ, trước sức mạnh của các phương tiện giải trí hiện đại như bây giờ, khán giả được cung cấp quá nhiều thông tin và hình ảnh, họ không cần phải tưởng tượng nữa. Chỉ có một thứ mà kịch có thể đem đến cho khán giả mà công nghệ giải trí hiện đại không làm được, là khơi gợi trí tưởng tượng của khán giả. Sân khấu biểu hiện - ước lệ là tối giản rất nhiều thứ, như bài trí sân khấu đơn giản, sử dụng nhiều động tác hình thể... Sân khấu biểu hiện - ước lệ chính vì thế mà có thể diễn được ở rất nhiều nơi, từ khán phòng trang trọng của Nhà hát Lớn cho đến sân khấu nhỏ, hay thậm chí diễn ngoài quảng trường và có độ tương tác với khán giả rất cao.

Võ Hồng Thu
Ý kiến của bạn