Sau này, khi về làm cán bộ biên tập thơ ở tạp chí Văn nghệ Quân đội, tôi có điều kiện gặp ông, quen ông. Tôi không những mê vốn Hán học dày dặn, tính hóm hỉnh khôi hài mà khâm phục sự chịu đựng bền bỉ của ông trước những tai ương ập đến từ xã hội cũng như từ gia đình. Trong tập thơ Tiếng vọng của ông có hai câu đã được nhà văn Phong Điệp chọn làm đề từ cho Phongdiep.net:
Có ai nghe thấy một tiếng vọng
Thì thả con thuyền sang với tôi!
Chẳng bạn đọc nào ngây thơ, đơn giản coi đó là tiếng ông gọi đò mà ai cũng hiểu đó là tiếng ông gọi đời! Những bạn bè thân thiết của ông càng hiểu thế: ông đã gọi bao năm mà không hề có một hồi âm. Thơ Trần Lê Văn nhiều bài hay và đau, nỗi đau làm nên thi ca và chính thi ca mang nỗi đau của tác giả đến với bạn đọc xa gần. Điển hình là bài thơ Tìm gì:
Vợ gửi tuổi xuân trên núi
Con gửi trí khôn trên trời
Bạn gửi tiếng cười dưới đất
Tôi tìm gì nhỉ quanh tôi.
Ai hiểu hoàn cảnh gia đình của tác giả mới thấu hết nỗi đau của bài thơ. Bạn mà nhà thơ nhắc đến ở đây là nhà thơ Quang Dũng, thân thiết với ông như hình với bóng. Ngay chuyện Trần Lê Văn sưu tầm, lưu giữ nhiều bản thảo thơ khi Quang Dũng không còn giữ được để Quang Dũng ra tập thơ không chỉ nói lên tình bạn của họ, đồng thời thể hiện tính cẩn thận, trân trọng tác phẩm bạn bè của bác Văn.
Tác phẩm Gương mặt Hồ Tây của Trần Lê Văn. |
Gia đình bác Văn trong một thời gian dài khá chật vật về kinh tế. Bác trân trọng từng khoản nhuận bút bé nhỏ và tỏ ra thật vui mừng khi cán bộ biên tập báo mang đến. Ngoài viết báo ra, bác còn tìm cách làm các thứ khác nhằm có thêm thu nhập. Nhưng với một nhà thơ đến từ Hán học như ông, ngoài chữ nghĩa ra, còn biết làm nghề gì được? Có một dịp Tết, bác viết câu đối và tặng chữ cho khách thập phương ở Văn Miếu. Ai đưa tiền bác cũng nhận, nhiều ít không quan tâm, nhét ngay vào túi áo bành tô. Ngồi khom lưng làm việc lâu giữa chốn đông người, mồ hôi trán toát ra trong gió mùa đông bắc, bác bèn cởi cái áo bành tô ra cho đỡ nóng. Cuối buổi, khi xong việc, bác nhìn quanh không còn thấy chiếc áo “gia bảo” đâu nữa, kẻ gian đã cuỗm mất từ khi nào, bác mất áo và mất luôn khoản tiền trong túi! Buổi trưa mặc áo sơ mi, bác đạp xe về nhà, tái xám vì rét. Sau đó mấy hôm, bác có làm một bài thơ bi hài về chuyện mất áo này: Thằng nào gớm nhỉ, xoáy măng tô/ Khốn khó như ông nó cũng vồ…
Ngoài việc sưu tầm và kể các chuyện vui, bác còn sáng tác nhiều bài thơ vui, thành “vốn dân gian” để lại cho đời. Như lần bác cùng các bậc cao niên ở phường của bác được mời lên Tam Đảo nghỉ mấy ngày. Khốn nỗi người nhiều, giường ít nên mỗi giường phải để hai người ngủ chung. Bác Văn liền làm thơ theo kiểu Bút tre:
Không đi không biết Tam Đao (Đảo)
Đi rồi chẳng biết chỗ nào mà ngu (ngủ)
Một giường xếp những hai cu (cụ)
Gối thì không có, lấy mu (mũ) kê đầu!
(dị bản: Thôi đành gắng chịu đến chu (chủ) nhật về).
Kiểu thơ này trong dân gian không thiếu, nhưng cái tài của bác Văn là tất cả các chữ vốn vần trắc, sau khi bỏ dấu đi để gieo vần lục bát, thành một từ mới đều có nghĩa… buồn cười!
Hay như năm 1992, mừng thọ bác 70 tuổi, anh em văn nghệ sĩ đến nhà bác chúc mừng. Bác nghiêm trang cảm ơn đồng nghiệp, kế tiếp, bác cười và nói rằng mình không thích làm chức “cụ”, rồi đọc ngay một bài thơ ứng tác theo thể Đường luật thất ngôn bát cú thật vui và thật chuẩn:
Tiếng pháo Nhâm Thân nổ cái đoành
Giật mình thêm một chiếc xuân xanh
Văn chương hì hục khôn tăng tốc
Ngày tháng vèo trôi khó hãm phanh
Lắm kẻ thầm mong lên bậc cụ
Riêng mình chỉ thích xuống vai anh
Hỏi trăng, hỏi gió thì anh nhớ
Hỏi tuổi thì anh quên rất nhanh!
Tôi nhớ vẻ mặt tỉnh khô của bác Văn khi đọc câu cuối cùng: “Hỏi tuổi thì anh quên rất nhanh”! Vẻ mặt đó rất khác hình ảnh nghiêm trang, uyên bác của bác khi nói về những bài thơ chữ Hán của tiền nhân.
Có 5 nhà thơ cao niên ở Hà Nội thường đội mũ phớt, đi bộ đến thăm nhau hoặc dềnh dàng cùng đi thăm phố xá, chùa chiền, cây cối Hà Nội. Nói về tài năng thi ca thì có sự khác nhau, nhưng họ giống nhau ở lòng nhân ái với cuộc đời và sự chân thành, trách nhiệm trước bạn bè. Đó là các nhà thơ Quang Dũng, Trần Lê Văn, Ngô Quân Miện, Lữ Giang và Vân Long. 5 nhà thơ đó: 4 đã trở thành người thiên cổ, chỉ còn lại một mình Vân Long tuổi cũng đã bát tuần.
Vương Trọng