BS. Nguyễn Trung Nguyên - phụ trách Trung tâm chống độc BV. Bạch Mai cho biết như vậy tại một cuộc hội thảo mới đây. Đó cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các ca ngộ độc rượu hiện nay.
Cuộc hội thảo do Bộ Y tế phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và UBND TP. Hà Nội tổ chức sáng ngày 10/4/2017, về tác hại của việc lạm dụng rượu bia, xử lý và điều trị ngộ độc rượu có methanol cao.
Theo BS. Trần Quốc Bảo - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: tỉ lệ uống rượu bia ở Việt Nam những năm gần đây tăng nhanh ở cả nữ giới và nam giới. Đặc biệt, rượu bia là nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương và là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh. Điều đáng lưu ý, số ca ngộ độc rượu methanol đang có xu hướng gia tăng do tình trạng lạm dụng rượu tràn lan.
TS. Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết: theo thống kê 10 năm qua, Việt Nam có 382 người bị ngộ độc do sử dụng rượu không an toàn, làm 98 người tử vong. Đến hết tháng 3/2017, toàn quốc đã ghi nhận 58 vụ ngộ độc rượu (5,3% vụ/năm) do sử dụng rượu không an toàn làm 382 người mắc (trung bình 34,7 người/năm, 6,6 người/vụ) và 98 người chết (trung bình 8,9 người/năm, 1,7 người/vụ). Hầu hết các loại rượu đã sử dụng trong các vụ ngộ độc này đều không rõ nguồn gốc, không được cấp giấy chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm, được kinh doanh nhỏ lẻ, bán rong hoặc do người tiêu dùng tự pha chế. Trong đó, số ca tử vong do rượu có hàm lượng methanol cao chiếm nhiều nhất với gần 50%, còn lại là tử vong do ngộ độc rượu trắng và rượu ngâm cây rừng cụ thể, các loại rượu đã sử dụng trong 58 vụ ngộ độc: rượu trắng là 12/58 vụ (20,7%), rượu trắng có hàm lượng methanol cao là 18/58 vụ (31,0%), rượu ngâm thuốc là 8/58 vụ (13,8%), rượu ngâm cây rừng độc là 13/58 vụ (22,8%)…
Cấp cứu bệnh nhân ngộ độc rượu methanol tại Trung tâm Chống độc BV. Bạch Mai
BS. Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc điều trị đối với những ca ngộ độc rượu có chứa methanol rất tốn thời gian, tiền bạc và còn để lại những di chứng lâu dài như giảm thị lực, ảnh hưởng đến hoạt động thần kinh của người bị ngộ độc. Nhiều gia đình đã khó khăn lại càng khó khăn hơn khi mất đi những lao động chính và phải chi phí tốn kém để điều trị và phục hồi sức khỏe cho người bị ngộ độc. “Phòng ngừa ngộ độc rượu methanol phải tập trung vào những người kinh doanh rượu nhỏ lẻ, đặc biệt là các cơ sở ăn uống. Hiện nay tại các quán ăn, có những chai rượu không nhãn mác (rượu được rót vào vỏ chai nước khoáng, nước tinh khiết đã qua sử dụng) rất nhiều. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến các ca tử vong do rượu methanol trong thời gian qua. Khi rót một chai rượu trắng thông thường so với một chai rượu pha từ cồn công nghiệp methanol, nhìn vào sẽ không phân biệt được, thậm chí lúc uống cũng không phân biệt được” BS. Nguyên cho biết thêm.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến thảo luận cũng đã tập trung làm rõ tác hại của việc lạm dụng rượu bia, xử trí và điều trị ngộ độc rượu có methanol để từ đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và cảnh giác với vấn đề rượu giả, rượu lậu, rượu trôi nổi, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường; kiến nghị với các cơ quan chức năng có biện pháp tuyên truyền, kiểm soát chặt chẽ các nguồn sản xuất, cung ứng sản phẩm, ngăn chặn các loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: trước đây, việc pha chế cồn công nghiệp methanol bắt buộc phải cho chất xanh-mê-thy-len vào để phân biệt với rượu trắng nấu thủ công. Nhưng hiện nay việc này không được thực hiện nữa nên rất dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng, đưa rượu methanol vào kinh doanh lẫn với rượu thực phẩm. Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cũng đề nghị các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng trong sản xuất, kinh doanh rượu an toàn. Đồng thời tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, hiệu quả nhằm ngăn ngừa việc kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, rượu ngâm động thực vật, rượu trôi nổi không được chứng nhận an toàn, không được kiểm nghiệm độc tính. Bên cạnh đó các cơ quan chức năng của địa phương cần tăng cường kiểm soát thường xuyên, hiệu quả nhằm ngăn ngừa việc sản xuất kinh doanh rượu của người dân trên địa bàn, đặc biệt là cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, hộ gia đình, khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn; phát hiện sớm và xử lý công khai trên các phương tiện thông tin để cảnh báo cho người tiêu dùng; nâng cao năng lực kiểm soát an toàn đối với rượu trên địa bàn; phát triển năng lực hệ thống quản lý, giám sát và phòng chống ngộ độc do rượu về nhân lực và trang thiết bị giám sát, kiểm định độc tính của rượu.