Tràn khí màng phổi chữa thế nào?

16-03-2013 01:24 | Tin nóng y tế
google news

Mẹ tôi 82 tuổi, bị bệnh phổi mạn tính đã mấy năm nay. Gần đây bà bị ho nhiều và khó thở, đi khám chụp Xquang kết quả tràn khí màng phổi đã điều trị bằng chọc hút và dùng kháng sinh 2 đợt nhưng không khỏi. Xin quý báo tư vấn, bệnh này ở đâu điều trị tốt nhất, có phải mổ không?

Mẹ tôi 82 tuổi, bị bệnh phổi mạn tính đã mấy năm nay. Gần đây bà bị ho nhiều và khó thở, đi khám chụp Xquang kết quả tràn khí màng phổi đã điều trị bằng chọc hút và dùng kháng sinh 2 đợt nhưng không khỏi. Xin quý báo tư vấn, bệnh này ở đâu điều trị tốt nhất, có phải mổ không?

Nguyễn Văn Thuần (Nam Định)

Tràn khí màng phổi ở bệnh nhân bị phổi mạn tính hay bệnh phổi, phế quản tắc nghẽn mạn tính là một trong những vấn đề rất nan giải. Do tình trạng hẹp các đường dẫn khí (các phế quản) lâu ngày làm cho các túi khí nhỏ ở tận cùng các đường dẫn khí giãn to ra, thành các phế quản trở nên rất mỏng nên rất dễ vỡ, đặc biệt khi áp lực trong các đường dẫn khí này đột ngột tăng như khi bệnh nhân ho hoặc gắng sức gây ra tràn khí màng phổi. Biểu hiện: Bệnh nhân ho nhiều, khó thở, mệt mỏi... có thể gây biến chứng viêm dày dính màng phổi, tràn dịch, suy hô hấp, suy tim... dẫn tới tử vong. Khi được chẩn đoán chắc chắn có tràn khí màng phổi, việc cấp cứu đầu tiên là dẫn lưu khí, cho kháng sinh phù hợp, thuốc kháng viêm long đờm, khí dung, vỗ rung khi có biểu hiện nhiều đờm; nếu có co thắt phế quản dùng thêm thuốc giãn phế quản; có suy tim điều trị suy tim. Kết quả điều trị tùy từng bệnh nhân. Có trường hợp sau dẫn lưu khí, may mắn phổi nở ra hết khí trong màng phổi, bệnh nhân được xuất viện. Nhưng ở những bệnh nhân phổi mạn tính, chức năng phổi rất kém và khả năng tràn khí tái phát dễ xảy ra do phổi rất khó nở, có vùng nở có vùng không tạo thành nhiều ổ khí khiến phải dẫn lưu nhiều lần; người bệnh phải chịu đau đớn và phải nằm viện kéo dài. Có trường hợp cần chỉ định phẫu thuật để xử trí vị trí tràn khí, cũng có thể phải cắt thùy phổi bị bệnh không còn khả năng vào phổi để hạn chế nguy cơ tái phát tràn khí. Trường hợp mẹ bạn, cần kiên trì điều trị và tái khám theo chỉ định của thầy thuốc để tránh biến chứng đáng tiếc. Bạn có thể đưa mẹ đi khám và điều trị ở các bệnh viện lao và bệnh phổi, hoặc khoa hô hấp của các bệnh viện đa khoa. Hiện nay, một số bệnh viện đã áp dụng phẫu thuật nội soi để giải quyết tràn khí màng phổi có hiệu quả.         
 
 BS. Nguyễn Văn Thịnh

Ý kiến của bạn