Trần Hoài Dương, nhà văn của lòng nhân ái

11-05-2011 10:46 | Văn hóa – Giải trí
google news

Tin Trần Hoài Dương mất, thật sự làm sửng sốt, bàng hoàng với tất cả mọi người quen biết. Thật hiếm có sự ra đi nào lại để tiếc thương nhiều đến vậy trong bạn bè, nhất là các bạn văn chương.

Tin Trần Hoài Dương mất, thật sự làm sửng sốt, bàng hoàng với tất cả mọi người quen biết. Thật hiếm có sự ra đi nào lại để tiếc thương nhiều đến vậy trong bạn bè, nhất là các bạn văn chương.

Nhà văn Trần Hoài Dương tên thật là Trần Bắc Quỳ, sinh ngày 8/11/1943, quê quán Hải Dương.  Anh có thơ in sách khi đang còn đi học, lúc mới 12 tuổi. Vốn là học sinh giỏi Văn, yêu Văn nên sau đó anh theo học Trường Báo chí Trung ương khoá 1, cùng lớp với Phan Thị Thanh Nhàn, Bùi Bình Thi, Hoàng Quốc Hải, Lý Biên Cương… Ra trường, Trần Hoài Dương trở thành cán bộ biên tập tạp chí Học tập (nay là tạp chí Cộng sản), nhưng sau ít năm làm việc tại đây, Trần Hoài Dương xung phong lên một tỉnh trung du thâm nhập trường chuyên dạy dỗ trẻ em hư ròng rã suốt hai năm trời và có được cuốn tiểu thuyết viết về chính ngôi trường  nơi anh đến: Bên ngoài mái trường  do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành.

Sau đó, Trần Hoài Dương về làm biên tập rồi phụ trách Ban văn xuôi, báo Văn nghệ. Trong 10 năm (1971-1981 ) ở tờ báo văn học uy tín nhất cả nước ngày đó là quãng thời gian rất có ý nghĩa với không chỉ Trần Hoài Dương. Rất nhiều những tên tuổi văn học đã thành danh sau này như Nhật Tuấn, Nguyễn Mạnh Tuấn, Hoàng Cát, Trịnh Thanh Sơn, Lý Biên Cương, Tô Ngọc Hiến… đã trưởng thành chính từ mái nhà báo Văn nghệ, nơi có nhà biên tập, nhà văn Trần Hoài Dương tận tâm, nhiệt tình, tinh tế và bản lĩnh góp phần chăm sóc. Rời báo Văn nghệ, Trần Hoài Dương cùng gia đình vào sống tại TP. Hồ Chí Minh, công tác ở Nhà xuất bản Măng non và Nhà xuất bản Trẻ cho đến năm 1992, anh xin ra biên chế để tập trung viết và làm sách cho thiếu nhi.

 Nhà văn Trần Hoài Dương.

Trần Hoài Dương là một trong hiếm hoi các nhà văn ở nước ta dành cả cuộc đời để viết cho một đối tượng duy nhất: thiếu nhi. Kể từ cuốn sách đầu tiên của Trần Hoài Dương được xuất bản khi anh vừa 20 tuổi là tập Em bé và bông hồng (Nhà xuất bản Kim Đồng - 1963) tới tập truyện xuất bản gần nhất Nàng công chúa biển thì sau gần 50 năm đeo đuổi văn nghiệp, Trần Hoài Dương đã có được gần 40 đầu sách xuất bản, gồm đoản văn, truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, kịch bản phim hoạt hình và phim rối… trong đó có những tác phẩm đáng chú ý như: Lá non, Cuộc phiêu lưu của những con chữ, Miền xanh thẳm, Nàng công chúa biển… Anh cũng là người chủ biên hoặc trực tiếp biên soạn rất nhiều bộ sách văn học trong nước và nước ngoài dành cho thiếu nhi. Hầu hết, tác phẩm của Trần Hoài Dương đã được tái bản, có cuốn tới 5, 6 lần. Anh đã nhận được rất nhiều giải thưởng văn học cao quý từ Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Ủy ban thiếu niên, nhi đồng… đặc biệt trong đó đã hai lần được nhận giải thưởng văn học hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam. Văn của Trần Hoài Dương tinh tế, sâu sắc về cảnh vật, đầm ấm, đôn hậu với con người. Nhiều trang văn mẫu mực của anh đã được chọn đưa vào sách giáo khoa dạy trong nhà trường.

Trần Hoài Dương từng tâm sự: “... đã chắt lọc từ cuộc sống ngổn ngang, bề bộn những gì tinh tuý nhất, trong ngần nhất để đem lại lòng yêu thương và vẻ đẹp tuyệt vời của văn chương cho các em”.

Nhà văn Tô Hoài nhận xét về văn chương Trần Hoài Dương: “Tôi đang là trẻ thơ, tôi đang là một ông lão, tôi không biết tuổi đang đọc những sáng tác không có tuổi”. Còn theo nhà văn Đỗ Chu thì:“Trần Hoài Dương đã nói được với mọi người nhiều lắm, đã nói được những điều có ý nghĩa rất chính yếu, rất căn bản, đó là việc ngày ngày chăm chỉ nuôi dưỡng lòng nhân hậu, lòng nhân ái”.

Trần Hoài Dương không chỉ yêu quý các em nhỏ bằng văn chương mà còn bằng những việc làm cụ thể. Nhà văn Văn Hồng, nguyên Tổng biên tập Nhà xuất bản Kim đồng thường tấm tắc mãi nét độc đáo trong con người Trần Hoài Dương. Ngày đó, cả nước nghèo, Trần Hoài Dương cũng rất nghèo, nhưng có những cuốn sách của anh in ra đã không lĩnh nhuận bút mà dành tiền đó để giúp một chút cho các em nhỏ thiếu thốn, tàn tật.  Và không chỉ một lần.     

Xuân Huy


Ý kiến của bạn