Trận động đất mạnh cấp 6-7 có thể tương đương với một quả bom nguyên tử

09-12-2024 11:28 | Thời sự
google news

SKĐS - Việt Nam không nằm trên vành đai núi lửa của thế giới nên không có khả năng xảy ra động đất mang tính chất hủy diệt song khả năng xảy ra các trận động đất lớn vẫn rất cao do có nhiều đứt gãy địa chất.

Lở đá do động đất ở Kon Tum vẫn tiếp diễn, gia tăng ứng phó cảnh báo sớmLở đá do động đất ở Kon Tum vẫn tiếp diễn, gia tăng ứng phó cảnh báo sớm

SKĐS - Tình trạng đá lở do động đất ở Kon Tum tiếp diễn, đe dọa an toàn người dân. Quảng Nam đề nghị các ngành liên quan sớm có kế hoạch kiểm tra, xử lý nhằm đảm bảo an toàn về người và tài sản cho nhân dân.

Động đất có chiều hướng tăng dần về tần suất

Sáng 9/12, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ của Việt Nam tổ chức bài giảng đại chúng "Động đất, sóng thần: Nguy cơ và cách ứng phó, kinh nghiệm dành cho Việt Nam".

TS Nguyễn Hồng Phương, Viện Vật lý địa cầu cho biết, động đất và sóng thần là những hiện tượng thiên nhiên nguy hiểm, để lại hậu quả nghiêm trọng đối với con người và môi trường. Trong những năm gần đây, Việt Nam liên tục xuất hiện động đất ở mức độ trung bình, độ lớn từ 5-6 và chiều hướng tăng dần về tần suất.

Trận động đất mạnh cấp 6-7 có thể tương đương với một quả bom nguyên tử- Ảnh 2.

Động đất gây thiệt hại rất lớn.

Trên lãnh thổ Việt Nam, rung động nền mạnh nhất quan sát thấy tại khu vực Tây Bắc, tập trung trên hai vùng nguồn Điện Biên - Lai Châu và Sơn La. Ngoài hai vùng chấn động mạnh nhất nêu trên, trên lãnh thổ Việt Nam còn quan sát thấy một loạt các vùng nguồn có rung động nền mạnh. Ứng với chu kỳ lặp lại 9975 năm, các vùng nguồn có rung động nền mạnh tới cấp VIII có thể liệt kê bao gồm : Sông Hồng - Sông Chảy, Rào Nậy, Sông Cả - Khe Bố và Trà Bồng.

Bản đồ phân vùng động đất lãnh thổ Việt Nam được thành lập lần đầu tiên năm 1985 tại Viện Vật lý Địa cầu, Viện Khoa học Việt Nam, là sự kế thừa và hoàn thiện các sơ đồ phân vùng động đất tồn tại trước đó như sơ đồ phân vùng động đất miền Bắc Việt Nam, sơ đồ phân vùng động đất miền Nam Việt Nam.

Bản đồ này biểu diễn đồng thời các vùng chấn động và các vùng nguồn phát sinh ra các chấn động ấy. Tại mỗi vùng chấn động, các đặc trưng địa chấn cơ bản như độ lớn động đất cực đại Mmax, cường độ chấn động trên mặt cực đại Imax và độ sâu chấn tiêu trung bình h được xác định. Bản đồ này sau đó được cập nhật nhiều lần, có bổ sung thêm các số liệu động đất mới.

Việt Nam không nằm trên vành đai núi lửa của thế giới nên không có khả năng xảy ra động đất mang tính chất hủy diệt. Động đất mạnh nhất xảy ra ở Việt Nam chủ yếu ở khu vực Tây Bắc. Các tâm chấn động đất thường tập trung trên những đới hẹp và kéo dài gọi là các vành đai động đất còn gọi là vành đai núi lửa. Ba vành đai động đất lớn nhất hành tinh là vành đai Thái Bình Dương, vành đại Địa Trung Hải - Hymalaya và kéo dài theo dải núi ngầm từ Bắc Băng Dương qua Đại Tây Dương về phía Nam.

"Một trận động đất mạnh cấp 6-7 tương ứng với 15.000 tấn thuốc nổ và tương đương với 1 quả bom nguyên tử ở Hirosima (Nhật Bản). Động đất có độ lớn từ 7-8 độ tương đương với 475.000 tấn thuốc nổ, bằng 37 quả bom nguyên tử", PGS.TS Nguyễn Hồng Phương cho hay.

Động đất ở Điện Biên Phủ là một trong những trận động đất mạnh nhất xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam. Động đất đã gây hư hại về nhà cửa ở các thị trấn Điện Biên Phủ và Sơn La. Trong vùng chấn tâm, đất nứt thành những vết rộng tới 20cm, có nơi dài tới 50cm.

Việt Nam có an toàn không? PGS.TS Nguyễn Hồng Phương cho biết, trên lãnh thổ Việt Nam có nhiều hệ thống đứt gãy, có phát sinh động đất tương đối mạnh. Nếu động đất 6,7 độ ở Hà Nội mạnh bằng ở Tuần Giáo (Điện Biên) thì thiệt hại sẽ vô cùng lớn, hàng loạt nhà cửa có thể đổ sập. Do đó cần phải chuẩn bị các phương án ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do động đất.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, cho đến thời điểm hiện tại, 6 thế hệ bản đồ nguy hiểm động đất lãnh thổ Việt Nam đã được xuất bản, phản ánh sự tiến bộ liên tục về độ chính xác, chất lượng khoa học và công nghệ, phạm vi ứng dụng thực tế và sự tiện lợi cho người dùng. Bản đồ xác suất nguy hiểm động đất gần đây nhất (thế hệ thứ 6) được xuất bản vào năm 2019.

Bộ bản đồ bao gồm ba tập (loại) bản đồ, mỗi tập lại bao gồm các bản đồ thể hiện phân bố không gian của một trong ba tham số rung động nền sau: gia tốc cực đại nền (PGA), phổ gia tốc nền (SA) và cường độ chấn động trên bề mặt (I) theo thang MSK-64. Chu kỳ lặp lại và xác suất bị vượt quá của các tham số rung động nền trong mỗi tập bản đồ thay đổi tùy theo yêu cầu ứng dụng vào thực tiễn và phù hợp với các quy chuẩn trong xây dựng công trình.

Nguy cơ sóng thần ở Việt Nam

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương cho biết, sóng thần thường xảy ra ở các vùng hút chìm, ở Biển Đông vùng nguy hiểm nhất là ở Philippines. Ngoài ra, đới đứt gãy kinh tuyến 109 độ cũng được đánh giá là một vùng nguồn sóng thần gần có thể gây thiệt hại cho các vùng bờ biển của Việt Nam

Mặc dù có nhiều dấu hiệu cho thấy sóng thần đã từng gây thiệt hại cho cộng đồng cư dân ven biển miền Trung Việt Nam trong quá khứ, song tất cả những bằng chứng này chưa bao giờ được công bố công khai nên chúng vẫn chỉ được coi như là những giả thuyết cần chứng minh.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, sóng thần không liên quan đến thời tiết hay thủy triều, người ta gọi đó là sóng trọng lực, gây ra do động đất ở biển, có thể đạt đến vận tốc 800km/h.

Sóng thần vào gần bờ sẽ giảm tốc do độ sâu của đáy biển giảm dần, nhưng độ cao sóng càng gần bờ càng tăng, có thể từ vài chục mét lên đến vài km, nó có thể quét cả tòa nhà ra ngoài biển. Nhật Bản từng xuất hiện sóng thần cao đến 38m.

Năm 2008, PGS.TS Vũ Thanh Ca và cộng sự đã xây dựng 25 kịch bản sóng thần phát sinh trên khu vực Biển Đông, với kịch bản nguy hiểm nhất có độ lớn động đất M=9,0. Trong số 25 kịch bản này, có tới 17 kịch bản được giả thiết phát sinh trên vùng nguồn Máng biển sâu Manila, tây Philíppin.

Năm 2012, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương và cộng sự đã thực hiện mô phỏng thêm 100 kịch bản sóng thần phát sinh trên vùng nguồn Máng biển sâu Manila với độ lớn cực đại của động đất kịch bản lên tới Mw = 9,3. Các kết quả mô phỏng kịch bản sóng thần cực đại được sử dụng để đánh giá độ nguy hiểm sóng thần cho toàn bộ dải ven biển và hải đảo của Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương cho biết, các tham số nguy hiểm sóng thần cho phép đưa ra một số nhận định như sau:

Dải ven biển miền Nam Việt Nam có độ nguy hiểm sóng thần thấp nhất. Độ cao sóng thần tại trạm Cà Mau chỉ đạt 0.2 m, trong khi thời gian lan truyền tới trạm lại dài nhất, tới hơn 10 tiếng;

Dải ven biển phía Bắc có độ nguy hiểm sóng thần trung bình. Độ cao sóng thần tại các trạm Hải Phòng và Nam Định chỉ đạt tới độ cao lần lượt bằng 3.5 và 3.7 m, trong khi thời gian lan truyền sóng tới các trạm này lại khá dài, lần lượt bằng 8 giờ 35 phút và 9 giờ 45 phút. Cho tới trạm Nghệ An thuộc khu vực bắc miền Trung, sóng thần cao nhất cũng chỉ đạt tới biên độ 6.2 m và lan truyền trong vòng 7 giờ 40 phút.

Biên độ sóng thần cao nhất tập trung trên dải ven biển miền Trung và Nam Trung Bộ của Việt Nam, kéo dài từ tỉnh Quảng Bình đến tận tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trừ trạm Quy Nhơn, độ cao sóng tại các trạm còn lại đều đạt từ 7.5 m trở lên. Biên độ sóng cao nhất đạt tới 18 m tại khu vực ven biển tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên xét về thời gian lan truyền, các thành phố có khả năng bị sóng thần tấn công sớm nhất lại là Tuy Hòa (2 giờ 20 phút), Quy Nhơn (2 giờ 25 phút), Ninh Thuận (2 giờ 35 phút) và Nha Trang (2 giờ 40 phút).

"Như vậy, có thể đưa ra kết luận chung là sóng thần được phát sinh trên đới đứt gẫy Máng biển sâu Manila có khả năng gây ra độ nguy hiểm cao nhất tại dải ven biển miền Trung và Nam Trung Bộ Việt Nam, đoạn từ tỉnh Quảng Bình đến tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu", PGS.TS Nguyễn Hồng Phương nhận định.

Việt Nam cần xây dựng kế hoạch ứng phó với sóng thần tại ven biển Nam Trung Bộ cần phải được chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện được một cách hiệu quả nhất trong khoảng thời gian ngắn ngủi này.

Động đất vẫn tiếp diễn, Quảng Nam chỉ đạo ứng phóĐộng đất vẫn tiếp diễn, Quảng Nam chỉ đạo ứng phó

SKĐS - Tình hình động đất vẫn tiếp diễn, tỉnh Quảng Nam chỉ đạo địa phương động tổ chức sơ tán, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ có nhà bị hư hại nặng không bảo đảm an toàn; huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân sửa nhà...

Xem thêm video đang được quan tâm:

Sáng 9/12: Bị mắng chửi vì từ chối nhậu, gã trai tức tối vác kiếm “trả thù” khiến bạn tử vong| SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn