Trần Đình Ngôn - Viết khỏe nhất và dựng nhiều nhất

18-04-2010 14:10 | Văn hóa – Giải trí
google news

60 kịch bản của TS. Trần Đình Ngôn trong 6 tập Kịch bản văn học do NXB Văn học vừa phát hành khiến cho những người làm sân khấu nể phục.

60 kịch bản của TS. Trần Đình Ngôn trong 6 tập Kịch bản văn học do NXB Văn học vừa phát hành khiến cho những người làm sân khấu nể phục. Bởi ở đó không chỉ là số lượng tác phẩm đồ sộ mà nó còn là sự uyên bác và phong phú về văn hóa dân tộc. Thế nhưng đó chưa phải là tất cả, trải qua 47 năm hoạt động sân khấu với những nỗ lực trong lao động sáng tạo, tính cho đến lúc này, tác giả Trần Đình Ngôn đã có tới 91 kịch bản và năm 2007, ông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Mặc dù đã có điều kiện theo dõi quá trình viết chèo của Trần Đình Ngôn từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước qua các hội diễn sân khấu (SK) toàn quốc và vùng miền - nơi kết tinh những tinh hoa của SK Việt Nam hiện đại, nhưng tác giả bài viết vẫn không khỏi ngạc nhiên đến kinh ngạc khi đối diện và tiếp xúc với khối lượng đồ sộ các vở kịch, đặc biệt là các vở chèo của tác giả Trần Đình Ngôn.

91 vở dài, trong đó đã được dàn dựng và xuất bản đến 85 vở, quả là giật mình khi nghĩ đến khối lượng tác phẩm mà nhiều người gọi là đồ sộ của cụ Nguyễn Đình Nghị (trong đó có một số vở chỉ hiện diện như những đầu đề): trên 60 vở. Tôi cũng lại nhớ khối lượng đồ sộ các vở kịch của Lưu Quang Vũ: trên dưới 50 vở. Như vậy, Trần Đình Ngôn là tác giả viết nhiều nhất, khoẻ nhất và tác phẩm được sử dụng nhiều nhất trong đội ngũ các tác giả Việt Nam hiện đại. Kể ra chỉ với số lượng ngần này kịch bản, Trần Đình Ngôn đã xứng đáng được xét phong danh hiệu anh hùng trong lao động sáng tác.

Điều thứ hai thật ngạc nhiên khi nhìn lại sáng tác của Trần Đình Ngôn là sự phong phú về mặt đề tài. Đó là sự khác biệt giữa Trần Đình Ngôn và một số tác gia kịch nổi tiếng mà ta hằng ca ngợi, Trần Đình Ngôn nổi tiếng ít nhất trong 5 mảng đề tài, đôi khi rất khác nhau, nếu không nói là trái ngược nhau. Trong số 91 vở thì đề tài khai thác từ văn học dân gian: 15; đề tài lịch sử danh nhân văn hoá: 26; đề tài hiện đại kể cả từ trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945: là 33; đề tài cách mạng và lãnh tụ: 5; các đề tài khác như dã sử, nước ngoài, chèo cổ viết lại: 10. Thành công ở những đề tài này trước hết chứng tỏ số lượng áp đảo các vở được dàn dựng, biểu diễn và xuất bản, thậm chí có những hội diễn đã được giới SK mệnh danh là hội diễn chèo Trần Đình Ngôn. Hiện tượng đó nói lên rằng Trần Đình Ngôn là nhà viết chèo viết trúng và thậm chí viết hay, nhất là đáp ứng được đòi hỏi của việc biểu diễn và thi thố chèo hiện nay. Hiện tượng này chắc chắn sẽ đi vào lịch sử SK chèo Việt Nam những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI.

Sự phong phú về mặt đề tài trong sáng tác của Trần Đình Ngôn còn chứng tỏ một điều sâu xa hơn, đó là vốn hiểu biết về đời sống, về lịch sử, về những vấn đề chính trị, xã hội, văn học, nghệ thuật, vốn hiểu biết về bản thân nghệ thuật SK mà nơi hội tụ là nghệ thuật chèo.

Sự hiểu biết sâu rộng về các lĩnh vực của đời sống chứng tỏ phẩm chất văn hoá trong nhà viết chèo Trần Đình Ngôn, qua một số vở chèo tiêu biểu, qua những cuốn sách anh viết về nghệ thuật chèo, tôi được biết rằng Trần Đình Ngôn có một vốn văn hoá với bề dày và chiều sâu nhất định, đặc biệt là vốn văn học dân gian với kho tàng ca dao, dân ca, tục ngữ, truyện cười và vốn văn học Hán Nôm, mặc dù anh không phải là người đọc thông viết thạo chữ Hán. Thành công của Trần Đình Ngôn chính là thành công của nhà văn hoá trong nhà viết chèo, hay là nhà viết chèo trong nhà văn hoá, về điểm này Trần Đình Ngôn đã học tập, noi gương các bậc đàn anh trong đội ngũ viết chèo mà gần nhất là Tào Mạt. Sau sự ra đi của Tào Mạt, tôi có mạnh bạo nói rằng, người kế tục Tào Mạt sẽ là Trần Đình Ngôn. Nhận định này lúc đó đã bị một số người phản đối, nhưng đến bây giờ thực tế chèo đã cho ta thấy rõ trong đội ngũ viết chèo, sau Tào Mạt chính là Trần Đình Ngôn, còn sau Trần Đình Ngôn là ai thì đó còn là một dấu hỏi.

Thành công của Trần Đình Ngôn trong sáng tác chèo không tách rời thành công trong nghiên cứu chèo. Số lượng những công trình nghiên cứu về chèo của anh đã đạt tới ngót một chục. Rõ ràng Trần Đình Ngôn là nhà viết chèo có học, có tìm tòi, sáng tạo để cho sự học, sự tìm tòi sáng tạo ấy kết hợp được một cách hài hoà trong sáng tác của mình.

Các hội diễn 1995, 2000 thì Trần Đình Ngôn nổi lên như một nhà viết chèo thực thụ và xuất sắc. Đó là thời gian anh giã từ một miền, một tỉnh để trở về Hà Nội, trung tâm văn hoá của cả nước, hơn nữa, khi về Hà Nội anh lại công tác ở Nhà xuất bản Sân khấu, Tạp chí Sân khấu là nơi hội tụ nhiều trí tuệ SK thời bấy giờ, nơi đã đào tạo nên không phải là một nhà viết kịch nổi tiếng như trường hợp Lưu Quang Vũ. Cũng trong thời gian ấy, Trần Đình Ngôn được học tập một cách chính quy, được đào tạo một cách bài bản để bảo vệ thành công học vị tiến sĩ với đề tài Kịch bản chèo từ dân gian đến bác học.

Rõ ràng là tài năng và thành đạt của Trần Đình Ngôn đã được kết tinh ở đất Hà Nội ngàn năm văn hiến, mặc dù anh không phải là người quê gốc Hà Nội, nhưng điều đó phỏng có quan trọng gì khi mà Thăng Long - Hà Nội là nơi “hun đúc” nên rất nhiều tài năng văn học nghệ thuật trong cả nước.       

PGS. Tất Thắng


Ý kiến của bạn