Tim “chìm” trong dịch
Cụ bà quê ở Cái Răng, Cần Thơ được đưa đến bệnh viện sáng 5/7/2019 trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, tay chân tím tái, hôn mê, huyết áp không đo được. Sự nguy cấp đã khiến các bác sĩ phải khởi động báo động “Code blue” - quy trình hồi sức tim phổi cho bệnh nhân ngưng tim.
Ngay lập tức, người bệnh được xoa bóp tim ngoài lồng ngực, đặt ống thở, tiêm thuốc hồi sinh. 5 phút sau, tim đập trở lại nhưng mạch vẫn rất yếu, huyết áp không đo được, có nguy cơ ngừng tim tái diễn. Người nhà cho biết trước đó bệnh nhân bỗng thở phì phò, lay không dậy, sờ thấy chân tay lạnh, toát mồ hôi, tím tái dần nên chuyển đi cấp cứu.
Các bác sĩ tim mạch cùng êkíp cấp cứu nhanh chóng siêu âm tim ngay tại giường bệnh. Kết quả ghi nhận có tràn dịch màng ngoài tim cấp, quả tim đang bị chèn ép, co bóp yếu như đang bơi đuối sức trong một bể nước. Ngay sau khi có kết quả hội chẩn, các bác sĩ đã tiến hành chọc dịch màng ngoài tim để giải áp cho trái tim đập trở lại. Theo ghi nhận, gần nửa lít dịch đã được các bác sĩ rút ra khỏi khoang màng ngoài tim của bệnh nhân, đây là lượng dịch lớn khiến tim không thể hoạt động.
Khoảng một giờ sau khi được giải áp, sức khỏe của người bệnh đã hồi phục rõ rệt, bệnh nhân thoát khỏi cơn nguy kịch, huyết áp được ghi nhận, mạch đập rõ ràng hơn tuy nhiên các bác sĩ phải tiếp tục hội chẩn để kiểm tra tình trạng thiếu máu não dẫn đến nguy cơ chết não. Tuy nhiên 24 giờ sau khi nhập viện, người đã mở mắt, da niêm hồng, cử động tay chân, biết phản ứng khi tiếp xúc.
Ảnh minh họa
Theo các bác sĩ, đây là trường hợp tràn dịch màng ngoài tim được may mắn cứu sống vì bệnh nhân có rất nhiều bệnh nền, tổng trạng kém như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh động mạch vành đã đặt stent, viêm đa khớp. Thông thường nếu bệnh nhân ngưng tim quá 5 phút sẽ gây đột quỵ, tổn thương não không hồi phục. Ở trường hợp tương tự nhiều người dù được cứu sống nhưng cũng phải trải qua đời sống thực vật.
Đây không chỉ là trường hợp duy nhất khiến các bác sĩ phải một phen hú vía bởi quả tim của người bệnh như đang “bơi” trong bể dịch. Một tháng trước, các bác sĩ tại một bệnh viện ở Đà Lạt (Lâm Đồng) cũng cho biết vừa cấp cứu thành công bệnh nhi 3 tuổi, trú tại huyện Đơn Dương bị chèn ép tim cấp do tràn dịch màng ngoài tim. Đây là tình trạng bệnh lý hiếm gặp ở trẻ em, cần giải quyết cấp cứu kịp thời tránh nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Theo lời bố mẹ của bệnh nhi, bé có triệu chứng sốt cao liên tục trước đó nhưng do người nhà chủ quan nên đã tự ý mua thuốc không rõ loại để điều trị tại nhà nhưng không khỏi. Khoảng 3 ngày sau đó, bé xuất hiện thêm triệu chứng nôn ói, tình trạng sốt vẫn không giảm, người nhà lo lắng nên đưa bé đến bệnh viện. Thăm khám ban đầu ghi nhận những triệu chứng không đặc hiệu kết hợp cận lâm sàng thường quy, bệnh nhi được chẩn đoán viêm phổi, rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên sau bốn ngày điều trị tích cực, tình trạng bệnh không thuyên giảm, bệnh nhi xuất hiện thêm triệu chứng như khó thở, nhịp thở nhanh nông, da niêm nhợt nhạt, sốt cao liên tục nhịp tim nhanh, đều, tần số khoảng 150l/p, tiếng tim không rõ ràng.
Trước những dấu hiệu bệnh cảnh mang tính bất thường, các bác sĩ đã siêu âm tim và kết quả bất ngờ ghi nhận bệnh nhi bị tràn dịch đa màng, tức tràn dịch màng ngoài tim lượng nhiều, bề dày dịch khoảng 22mm, có dấu hiệu đè sụp thất phải. Đây là ca tương đối hiếm gặp ở Việt Nam.
Lời khuyên của bác sĩ: Gọi số 115 khẩn cấp nếu cảm thấy đau ngực kéo dài hơn một vài phút, nếu thở khó khăn hoặc đau đớn, hoặc nếu có ngất không giải thích được.
Sau khi hội chẩn liên khoa, các bác sĩ thống nhất đưa đến hướng xử trí chọc tháo dịch màng ngoài tim để đưa bệnh nhi ra khỏi tình trạng nguy kịch. Ngay sau khi kết thúc thủ thuật, dịch màng ngoài tim được dẫn lưu khoảng 100ml vàng trong. Bệnh nhi được tiếp tục theo dõi và điều trị và phải sau vài giờ điều trị tích cực, bệnh nhi mới thoát cơn nguy hiểm, tình trạng khó thở giảm dần.
Chớ coi thường khó thở và đau ngực
Theo TS.BS. Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TP.HCM, chuyên gia thần kinh và can thiệp mạch máu cho biết, tràn dịch màng ngoài tim cấp là bệnh ít gặp, tần suất chiếm khoảng 0,1% tổng số bệnh nhân nhập viện và khoảng 5% tổng số bệnh nhân nhập viện cấp cứu vì đau ngực.
Bình thường, trái tim được bao xung quanh bởi một lớp bọc và tạo ra một khoang màng ngoài tim. Khoang này thường chứa khoảng 30 - 50ml dịch. Khoang màng ngoài tim sẽ giúp cho trái tim có vị trí ổn định trong lồng ngực và giúp tim hoạt động trơn tru, hạn chế ma sát. Trong trường hợp tràn dịch màng ngoài tim gây chèn ép tim cấp, các buồng tim không giãn nở được, máu không đi về tim được và tim bóp không hiệu quả sẽ dẫn đến tình trạng tụt huyết áp và có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Viêm màng ngoài tim là một phản ứng với bệnh, bị thương hoặc rối loạn ảnh hưởng đến màng ngoài tim. Tràn dịch màng ngoài tim là một dấu hiệu của phản ứng viêm. Tràn dịch màng ngoài tim cũng có thể xảy ra khi dòng chảy của chất dịch màng ngoài tim bị chặn hoặc khi máu tích tụ trong màng ngoài tim. Không rõ một số bệnh tràn dịch màng ngoài tim như thế nào, và đôi khi nguyên nhân không thể được xác định.
Tràn dịch màng ngoài tim có thể do nhiều nguyên nhân: viêm nhiễm do vi trùng, virus, suy tim, bệnh động mạch vành gây nhồi máu cơ tim có biến chứng, hoặc một số bệnh lý như suy giáp, lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì, bệnh cơ tim… Ung thư di căn, đặc biệt là ung thư phổi, ung thư vú, u ác tính, bệnh bạch cầu, không Hodgkin’s lymphoma, bệnh Hodgkin, ung thư màng ngoài tim hoặc tim, xạ trị cho bệnh ung thư nếu tim trong khu vực bức xạ, hóa trị liệu điều trị ung thư cũng có thể dẫn đến tràn dịch màng tim.
Biểu hiện của bệnh thường là đau ngực vùng sau xương ức, đau tăng khi hít thở sâu, giảm khi nằm hoặc ngồi cúi về phía trước. Nếu lượng dịch màng ngoài tim nhiều sẽ dẫn đến khó thở, tụt huyết áp, đột quỵ, tử vong.
Triệu chứng tràn dịch màng ngoài tim có thể bao gồm: Khó thở, đau ngực, đau phía sau xương ức hoặc bên trái của ngực thường cảm thấy tồi tệ hơn khi hít thở và cảm thấy tốt hơn khi ngồi lên. Một số người có biểu hiện ho, đau ngực khi thở, đặc biệt là khi hít hoặc nằm xuống. Số khác ngất xỉu hoặc chóng mặt, sốt nhẹ, tim đập nhanh, cảm giác lo lắng.
Có thể có tràn dịch màng ngoài tim đáng kể và không trải nghiệm dấu hiệu hoặc triệu chứng, đặc biệt nếu các chất lỏng tăng từ từ.
Điều nguy hiểm nhất của bệnh là dễ chẩn đoán nhầm với nhồi máu cơ tim, bóc tách động mạch chủ hoặc nguyên nhân về phổi. Siêu âm tim là phương pháp hữu hiệu giúp chẩn đoán nhanh và chính xác tràn dịch màng ngoài tim.
Về điều trị, việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân. Khi lượng dịch màng ngoài tim nhiều sẽ được chỉ định chọc dò rút dịch để giải áp và xét nghiệm dịch để tìm nguyên nhân, từ đó có hướng điều trị thích hợp.