“Trận chiến” bản quyền âm nhạc đã dịu

21-01-2014 07:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nói như vậy là bởi 3 năm gần đây, số tiền Trung tâm Bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thu được cho các tác giả luôn tịnh tiến: hơn 41 tỉ đồng năm 2011, hơn 48 tỉ năm 2012 và hơn 53 tỉ năm 2013 (sau thuế).

Nói như vậy là bởi 3 năm gần đây, số tiền Trung tâm Bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thu được cho các tác giả luôn tịnh tiến: hơn 41 tỉ đồng năm 2011, hơn 48 tỉ năm 2012 và hơn 53 tỉ năm 2013 (sau thuế). Có được con số này là cả sự gian truân của những người đi “đòi hộ” bản quyền âm nhạc khi chạm vào nhận thức và quyền lợi cá nhân, thậm chí còn vấp phải sự phản kích và vùi dập của những đối tác có quyền lực.

Nỗ lực đòi tác quyền

Trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, việc VCPMC luôn tăng doanh số hàng năm khiến có người thắc mắc rằng, liệu có phải là tăng đơn giá trên mỗi tác phẩm sử dụng? Đại diện VCPMC khẳng định rằng, ở đây chỉ là tăng việc quản lý đơn vị sử dụng tác phẩm âm nhạc. Có lúc, nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm đã ví ông và đồng nghiệp ở VCPMC như thầy trò Đường Tăng lên Tây Trúc thỉnh kinh, trải qua bao khó khăn vất vả để hôm nay đã có khoảng 3 triệu thành viên trong nước và tác giả nước ngoài tín nhiệm ủy thác quyền tác giả.

Ca sĩ Tùng Dương luôn nghiêm chỉnh trả tiền bản quyền âm nhạc trong các show diễn.

Theo công bố của VCPMC năm 2013, trong số hơn 53 tỉ đồng đơn vị thu được đã phân phối lại cho các tác giả hơn 49 tỉ (sau khi trừ hành chính phí). Đứng đầu top tác giả dẫn đầu về số lượt sử dụng ca khúc là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với số tiền bản quyền 700 triệu đồng/năm, 100 nhạc sĩ thu được từ 20 triệu - 187 triệu/quý. Số tiền bản quyền của mỗi tác giả phụ thuộc vào quy mô chương trình biểu diễn, vào số lượng đơn vị phát sóng. Nhạc sĩ PQ có lần eo sèo về việc ca khúc của ông được sử dụng ở nhiều nơi, nhưng số tiền bản quyền thu được lại quá ít. Giải thích về điều này, đại VCPMC cho biết: Việc phân phối tiền tác quyền là do một phần mềm tự động thực hiện, máy tự động cập nhật bài hát của từng nhạc sĩ sử dụng ở đâu, lúc nào, thu phí bao nhiêu… Cũng có thể bài hát phát trên sóng rất  nhiều lần, nhưng có những đài chỉ thu vài nghìn đồng/lượt.

Có một thực tế là nhiều khi bài hát của nhạc sĩ gạo cội được nhiều người yêu thích nhưng số tiền bản quyền thu được lại rất ít. Theo thống kê của VCPMC, trong tổng số 53 tỉ đồng của năm 2013 thì lĩnh vực thu nhiều nhất là nhạc chuông, nhạc chờ chiếm 35%, các quán karaoke chiếm 15%, các chương trình biểu diễn trên sân khấu chỉ chiếm 15% tỉ trọng trên tổng thu. Vì thế, ca khúc Quên cách yêu của nhạc sĩ không mấy ai biết đến là Khánh Đơn, ca sĩ Lương Bích Hữu thể hiện, do có lượng tải nhạc chuông nhiều nhất đã nhận được 164 triệu đồng tiền bản quyền.

Vẫn biết, việc làm cho giới nhạc sĩ không bị thua thiệt, đem lại lợi ích công bằng và chính đáng để người nhạc sĩ tái tạo sự sáng tạo của mình là việc cần phải làm bởi nếu quyền lợi của các tác giả không được bảo vệ thì niềm đam mê sáng tạo của họ sẽ ngày càng mòn mỏi, vơi cạn dần đi và mất mát cuối cùng thuộc về công chúng, xã hội vì sẽ ngày càng hiếm những sản phẩm nghệ thuật hay. Ấy vậy mà hiện nay vẫn có những đơn vị, cá nhân tìm cách trốn chạy, không đóng tiền bản quyền. Có đơn vị nghệ thuật lớn đóng tại Thủ đô, có buổi biểu diễn bán vé từ 500.000 đồng đến 3.500.000 đồng/vé, khán giả không có tấm vé thì không vào cửa được, nhưng bản thân họ thì không chịu trả tiền bản quyền. Trong live concert Độc đạo mới đây của ca sĩ Tùng Dương, vé bán 2,5 triệu đồng/vé và Tùng Dương trả tiền bản quyền nghiêm chỉnh - điều đó thể hiện đẳng cấp của ca sĩ.

Niềm đau đáu của ông Giám đốc VCPMC về việc bảo vệ quyền tác giả là vô cùng cần thiết cho đất nước lúc này chứ không chỉ vì cho giới âm nhạc. Vì thế ông bảo, “thầy trò” ông sẽ còn tiếp tục dấn thân.

“Khủng” trên sân nhà, nhưng…

Nếu so với các lĩnh vực nghệ thuật khác như điện ảnh từ lâu không có cơ quan nào đứng ra bảo vệ quyền tác giả, hay lĩnh vực văn học đã có Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam, năm 2013 tiền bản quyền thu được chỉ 15 triệu đồng thì con số 58 tỉ đồng (trước thuế) của VCPMC quả là con số “khủng”. Thế nhưng, ông Giám đốc VCPMC cho rằng, con số đó chưa thấm gì khi nhìn ra các nước. Hàn Quốc mỗi năm thu 100 triệu USD, Malaysia là 25 triệu USD, Nhật Bản là 1 tỉ USD và Mỹ là 3 tỉ USD tác quyền âm nhạc. Ở một đất nước phát triển, luật pháp nghiêm minh thì việc nộp tiền bản quyền là chuyện phải tuân thủ. Nhưng với việc VCPMC cứ phải đi gõ cửa đòi tiền từng đơn vị thì phải trên 30 năm nữa Việt Nam mới đạt tới số tiền bản quyền hiện nay của một đất nước nằm ở khu vực châu Á là Malaysia. Ông Giám đốc VCPMC bảo, không ai giao chỉ tiêu cho trung tâm là bao nhiêu, nhưng vì bức xúc với thực trạng các nhạc sĩ bị xâm phạm bản quyền mà các ông luôn bắt mình phải cố gắng, tự hành hạ mình và tự hành hạ nhau.

Có một thực tế đáng buồn là hiện nay, tới 90% tụ điểm ca nhạc, 90% quán bar vẫn tìm cách lờ bản quyền âm nhạc. VCPMC đang tiếp tục kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có những thay đổi trong việc chỉ đạo triển khai thực thi luật pháp.                 

Lan Hương

 


Ý kiến của bạn