Trong thời gian qua, lực lượng công an đã tiến hành triệt phá nhiều băng nhóm, bắt giữ nhiều đối tượng, thời gian tới, Bộ Công an sẽ chỉ đạo toàn lực lượng công an mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm liên quan đến tín dụng đen.
Đang làm rõ hơn 200 băng nhóm liên quan đến tín dụng đen
Bộ Công an cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, trong khoảng 4 năm gần đây, trên toàn quốc xảy ra khoảng 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen. Trong đó, có 56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản... số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng và vỡ nợ dây chuyền. Hiện, lực lượng cảnh sát hình sự đang làm rõ hơn 200 băng nhóm và gần 2.000 đối tượng liên quan đến tín dụng đen.
Mới đây nhất, ngày 13/1, Phòng 4 - Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết vừa tạm giữ hình sự đối tượng Lâm Thanh Vũ (tức Vũ “bông hồng”) cùng 12 đàn em khác để điều tra về hành vi “đánh bạc” và “tổ chức đánh bạc”. Trước đó, trong quá trình điều tra, các trinh sát phát hiện nhiều đối tượng trong băng nhóm này hoạt động theo kiểu “xã hội đen” với các hoạt động như bảo kê, cho vay nặng lãi, tổ chức đánh bạc. Nắm được thông tin Vũ cùng nhóm đàn em chủ chốt có chuyến ăn chơi kết hợp thu tiền tại Phú Quốc (Kiên Giang) trở về trên chuyến bay đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, các trinh sát phối hợp an ninh hàng không bất ngờ khống chế, bắt gọn các đối tượng. Cùng lúc, các trinh sát đồng loạt đánh mạnh vào 14 điểm gồm các quán cà phê, nhà riêng của các đối tượng ở nhiều địa phương, bắt quả tang việc đặt cược, cá độ trên mạng. Qua khám xét, cơ quan công an thu giữ 3 ôtô, gần 800 triệu đồng, nhiều máy tính, điện thoại, tài liệu liên quan đến việc đánh bạc và tổ chức đánh bạc của đường dây tội phạm này. Qua đấu tranh, các đàn em của đối tượng này thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Đáng chú ý, trong quá trình điều tra, cơ quan công an phát hiện ngoài hoạt động cờ bạc, các đối tượng trong băng nhóm này còn hoạt động cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê... Hiện vụ án đang khẩn trương được mở rộng điều tra làm rõ.
Vũ “bông hồng” (đứng đầu tiên) cùng các đàn em bị cơ quan công an bắt giữ.
Toàn lực lượng tấn công tội phạm liên quan đến tín dụng đen
Theo Bộ Công an, thời gian qua, tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen có chiều hướng diễn biến khá phức tạp; hoạt động của các cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính diễn ra tấp nập hầu hết ở các địa phương, kể cả những vùng sâu, vùng xa. Đáng chú ý, hoạt động của các đối tượng hình sự gốc Bắc di chuyển vào Nam, Tây Nguyên và những nơi có chủ trương thành lập đặc khu kinh tế, tín dụng đen đang len lỏi đến cả vùng nông thôn và được ví như “cướp ngày” gây bất ổn trong xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự.
Phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phổ biến là phát, dán tờ rơi, lập các website, sử dụng mạng xã hội, sử dụng số thuê bao không đăng ký chính chủ... đăng tin, gửi tin nhắn quảng cáo vay tiền không cần gặp mặt, không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, cấp tiền ngay. Để lách luật và trốn tránh sự điều tra, thu thập chứng cứ của cơ quan công an, những kẻ này thường ngụy trang hành vi cho vay lãi nặng bằng các hợp đồng biến tướng. Đáng chú ý, để dễ bề tổ chức các hoạt động che mắt những hành vi phi pháp, bọn chúng lôi kéo các cán bộ từng làm việc trong các cơ quan bảo vệ pháp luật (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án...) thoái hóa, biến chất, đã nghỉ hưu tham gia tư vấn hoạt động cho vay và đòi nợ của chúng.
Bộ Công an cho biết, trong thời gian tới sẽ tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo 138/CP của Chính phủ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, đoàn thể, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen. Cùng đó, Bộ Công an chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố chủ động đề xuất UBND cấp tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện tại địa phương thành lập các tổ công tác liên ngành do lực lượng công an chủ trì, thường xuyên tổ chức kiểm tra hành chính các cơ sở cầm đồ, cho vay, kinh doanh tài chính, dịch vụ đòi nợ và các cơ sở kinh doanh khác có biểu hiện hoạt động cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê (kể cả có phép và không phép). Rà soát các ngành nghề thường bị các đối tượng hoạt động tín dụng đen lợi dụng, núp bóng hoạt động, dễ phát sinh các loại tội phạm và vi phạm pháp luật, đánh giá tác động ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an ninh, trật tự, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.
Đặc biệt, Bộ Công an sẽ chỉ đạo toàn lực lượng công an mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc để đấu tranh quyết liệt các loại tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen gắn với đấu tranh, triệt xóa các đường dây đánh bạc, tổ chức đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các hình thức huy động vốn, tham gia hụi, họ,... Đồng thời, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo các cơ quan tư pháp trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến tín dụng đen nhằm tăng tính răn đe và góp phần phòng ngừa loại tội phạm này.