Hà Nội

Trần Anh Hùng – Trần Nữ Yên Khê chúng tôi “ cưa nhau” bằng nhiều cách

08-09-2016 20:37 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Cùng với sự kiện bộ phim Eternité (Vĩnh cửu) ra mắt tại thị trường Việt Nam từ ngày 9.9.2016, đạo diễn Trần Anh Hùng...

Cùng với sự kiện bộ phim Eternité (Vĩnh cửu) ra mắt tại thị trường Việt Nam từ ngày 9.9.2016, đạo diễn Trần Anh Hùng cùng nhà sản xuất của bộ phim là Christophe Rossignon và giám đốc nghệ thuật Trần Nữ Yên Khê đã trở về để giao lưu với khán giả Việt Nam tại Hà Nội và TP.HCM. Đây là một hoạt động văn hóa nằm trong khuôn khổ chuyến công du đến Việt Nam của Tổng thống Pháp Francois Hollande, bắt đầu từ ngày 6/9/2016.

Trần Anh Hùng là một cái tên được người yêu điện ảnh trong nước mong chờ. Buổi chiếu Vĩnh cửu đầu tiên tại Việt Nam hôm mùng 5 tháng 9, riêng dành cho các nhà báo và những fan ruột của Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội -L’Espace hình như không vắng gương mặt phóng viên nào. Tất cả đều chờ đợi để được thả mình vào một câu chuyện độc đáo được kể bằng ngôn ngữ của điện ảnh.  Đạo diễn người Pháp gốc Việt từng được đánh giá cao với Xích lô , Mùi đu đủ xanh , Mùa hè chiều thẳng đứng …-  những tác phẩm điện ảnh tạo được tiếng vang tại các kì liên hoan phim trên thế giới. Eternité là bộ phim mới nhất của ông, sau Rừng Na-uy - 2010, phỏng theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Haruki Murakami. Phim chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết  L’élegance des veuves (Nét duyên góa phụ, NXB Hà Nội kết hợp với công ty Nhã Nam xuất bản tháng 8/2016) của nữ văn sỹ Alice Ferney. Từ 1993 đến nay, anh chỉ làm tổng cộng có 6 bộ phim.

 

Tran Anh Hung, Tran Nu Yen Khe, cap doi Tran Anh Hung - Tran Nu Yen Khe

Cặp đôi Trần Anh Hùng- Trần Nữ Yên Khê

Trần Anh Hùng kể câu chuyện Vĩnh cửu

Vĩnh cửu kể về một gia đình ở miền Nam nước Pháp cuối thế kỷ thứ 19. Câu chuyện của 3 thế hệ phụ nữ trong gia đình đó kéo dài trong suốt gần 100 năm, với những biến động về tình yêu đôi lứa, tình cảm vợ chồng, tình mẫu tử… Họ đã sống, đã yêu và luôn quả cảm đối mặt với những sóng gió của cuộc đời.

“Cảnh tượng đó cứ diễn ra không có hồi kết. Bởi bản năng đã làm nảy mầm xác thịt, sự ham muốn thúc đẩy nó, quấy rầy nó khi nó từ chối điều này, cho đến tận khi nó nhượng bộ, buông mình ngã xuống, áp vào một cơ thể khác và sự vĩnh cửu của dòng dõi những người yêu nhau được đảm bảo.” (Trích tiểu thuyết L’élegance des veuves (Nét duyên góa phụ).

Cuốn tiểu thuyết là một lời ngợi ca cuộc sống và thiên chức làm mẹ thiêng liêng của người phụ nữ. Lối viết đặc biệt của nữ văn sỹ Alice Ferney đã chạm đáy tâm hồn Trần Anh Hùng. Anh chia sẻ : Thông thường tôi chỉ làm phim khi bắt gặp một cuốn sách, một câu chuyện hay. Như thể là đề tài đó chọn mình vậy. Cuốn tiểu thuyết của nữ văn sĩ Alice Ferney đã cho tôi cảm xúc rất mạnh và tôi muốn đưa đến khán giả những rung động đó. Khán giả khi ra khỏi rạp cần mang theo một cảm giác đẹp.

Để tạo ra một cái nhịp riêng cho bộ phim này, đạo diễn đã xóa bỏ nhiều yếu tố của một bộ phim thông thường. Bao gồm các cảnh, diễn biến tâm lý, bối cảnh hai cuộc chiến tranh… Điều đó tạo hiệu ứng thời gian trôi đi, mà con người không thể làm gì được. Chỉ còn cách tuân theo tự nhiên.Theo cách ấy, một quá trình không có hồi kết thúc đẩy những người đàn bà kết hôn, sinh con rồi chết đi. Thời gian cứ thế trôi, điểm nhịp cho nó là những lần sinh và những cái chết, khi nhu cầu được truyền lại dòng dõi chiến thắng nỗi tuyệt vọng vì mất đi một người thân yêu. Một sợi dây ham muốn vắt từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Trần Anh Hùng cho biết anh không gặp bất cứ một áp lực bên ngoài nào khi làm bộ phim này, kể cả là cái giá 9 triệu euro cho việc sản xuất phim, trong khi mức bình quân làm một bộ phim ở Pháp chỉ là 2-3 triệu euro. Áp lực đến từ bên trong anh. Một điều gì đó thôi thúc anh phải làm một cái gì đó không thông thường. Nếu trước mặt có 2 con đường, anh sẽ chọn đi con đường khó. Trần Anh Hùng nói thế và anh đã thành công khi hoàn thành một bộ phim cheo leo qua những đỉnh cảm xúc nơi người xem. Khái niệm hay dở dường như không được quan tâm nữa. Khán giả đang mải đuổi theo những cảm giác liên tục thay đổi qua những cảnh phim tuyệt đẹp. Âm nhạc trong phim cũng là một phụ họa tương thích. Âm nhạc vuốt ve, lan tỏa theo mạch cảm xúc. Phim 1 giờ 50 phút thì âm nhạc cũng 1 giờ 20 phút. Khi có nhạc, khán giả sẽ trở thành nhà văn. Họ sẽ tự tìm lời để kể câu chuyện của mình. Trần Anh Hùng tinh quái cho biết ý đồ của mình khi sử dụng quá nhiều nhạc, một điều khá hiếm với một bộ phim.

Dễ thấy trong phim, nhiều cảnh hồi nhớ quá khứ được lặp đi lặp lại, đến mức có thể coi như một thủ pháp nghệ thuật. Chả hạn như, một cặp đôi khi đính hôn sẽ nhớ lại những hình ảnh của mình lúc bé, với những xao xuyến đầu đời trao nhau mà chưa hề ý thức được rằng sự thực của tâm hồn/ tình yêu có trong mỗi con người từ khi còn nhỏ. Lớn lên, chúng ta rất thường vô tình làm theo tiếng gọi bản năng sâu kín đó.

Hoặc là, trên giường hấp hối, những xen tuyệt đẹp trong quá khứ lần lượt quay trở lại như một thước phim quay chậm. Phim đã thành công khi đem lại cho khán giả cảm giác về thời gian trôi qua. Không dừng lại. Vĩnh viễn chảy trôi…

Phim có nhiều đoạn xúc động, khiến khán giả phải khóc. Cảnh bà mẹ đang cảm thấy thần chết đang ở rất gần đứa con yêu. Có thể thấy thần chết đang tiến từng bước qua gương mặt cả bà. Chuyển qua cảnh đó là cảnh trong phòng ngủ hiu hắt sáng, bà nằm dưới đất, mặt áp xuống sàn. Những cơn nức nở khiến toàn thân bà rung lên. Bà đưa tay ra nắm lấy một bàn chân đã giá lạnh của con gái.

Hoặc là cảnh gần cuối phim, khi một người đàn ông và một người đàn bà ngồi đối diện nhau, bất động và chờ đợi. Họ đều đang mang trong tim nỗi đau mất chồng và mất vợ. Và lúc này, họ cần nhau. Hai ánh mắt giao nhau, người đàn ông cất tiếng : Anh có chuyện rất khó khăn muốn hỏi em… Người đàn bà lập tức đáp : Em biết. Và em đồng ý. Đạo diễn Trần Anh Hùng bảo cảnh này xem lại lần nào anh cũng cảm động. Đó là một biểu hiện của sự hy sinh, điều mà mỗi người phụ nữ trên trái đất này đều mang sẵn trong mình.

Vĩnh cửu tuyệt đẹp bởi những cảnh quay không thể lộng lẫy hơn. Những khu vườn đầy biến ảo qua 4 mùa xuân hạ thu đông. Những bãi biển xanh biếc tuyệt đẹp. Những ngôi nhà đậm phong vị quý tộc cổ xưa … Sức quyến rũ không chỉ từ diễn xuất của các minh tinh và tài tử số một của điện ảnh Pháp như Audrey Tautou, Mélanie Laurent, Bérénice Béjo, Jérémie Renier, và Pierre Deladonchamps. Mà còn từ không gian bàng bạc màu vintage, ăn nhập tuyệt vời với  váy áo mỏng mảnh, với màu da thịt mơ hồ sương khói… Và đó chính là câu chuyện của giám đốc nghệ thuật Trần Nữ Yên Khê…

 

Tran Anh Hung, canh trong phim Vinh cuu cua dao dien Tran Anh Hung

Cảnh trong phim Eternité (Vĩnh cửu)

Cuộc trò chuyện với Trần Nữ Yên Khê

Tôi quan niệm áo quần chính là lớp da thứ hai của nhân vật. Váy áo cũng cần có ngôn ngữ riêng của nó, phải làm nổi bật lên tính cách của nhân vật. Bộ phim sử dụng đến cả ngàn trang phục. Riêng nhân vật nữ chính có tới 300 bộ váy áo khác nhau. Ê kíp làm tóc và trang phục của tôi rất đông. Chúng tôi cố gắng chọn những trang phục đẹp nhất, phù hợp nhất. Do đó, gần như đã … lục tung cả nước Pháp, Bỉ, Anh, Tây Ban Nha. Phim nhiều màu, nhiều cảnh, trang phục cũng phải chạy theo điều đó. Diễn viên mặc gì ở từng cảnh, đi giày cao hay để chân trần… tỉ mỉ đến từng chi tiết như vậy. Thậm chí cần có cả sự ăn ý giữa ánh sáng và quần áo. Ánh sáng màu mỡ gà luôn đi cùng với váy áo màu sữa, mỏng nhẹ, mượt mà. Nhân vật Mathilde luôn có bầu thì phù hợp với váy áo thật mỏng, tưởng như nhìn xuyên qua được, và luôn có dây thắt hững hờ ngang hông. Nhân vật Gabrielle cá tính mạnh hơn cũng đồng thời là nữ nhân vật duy nhất phải  … 2 lần mặc quần, chứ không xúng xính váy áo hoàn toàn như những nhân vật khác. Hay trẻ con luôn được chỉ định cho mặc màu trắng, vừa bắt sáng lại vừa diễn tả được sự ngây thơ trong tâm hồn. Trần Nữ Yên Khê diễn giải vai trò của mình trong phim bằng một thứ tiếng Việt khá chuẩn xác, cho dù trước đó Trần Anh Hùng đã đùa là anh luôn hiểu rồi Yên Khê mới hiểu mỗi khi trò chuyện với ai đó bằng tiếng mẹ đẻ. Đơn giản, bởi vì chị đã sống tại Pháp từ khi mới có 1 tuổi. Thậm chí chị còn nhẫn nại trả lời những câu hỏi ngoài phim ảnh của tôi :

Anh chị có thể sống bằng công việc làm phim ?

May mắn cho đến giờ vẫn là vậy. Mặc dù hơn 20 năm nay, anh Hùng chỉ làm những gì khiến anh ấy thấy yêu và thích. Bộ phim Vĩnh cửu sẽ ra mắt công chúng Pháp vào ngày 7 tháng 9, theo đúng thông lệ phim mới luôn ra mắt vào ngày thứ tư. Chỉ ngày đầu tiên là đã có thể biết, phim có thành công về doanh thu hay không. Vĩnh cửu sẽ đồng loạt được chiếu tại 130 phòng chiếu trên cả nước Pháp. Chúng tôi hy vọng phim sẽ gặp khán giả bởi đây là bộ phim chỉ nói về lòng mình, là câu chuyện về đời sống có thể diễn ra ở mọi nơi trên thế giới.

Ngoài 6 bộ phim mà mọi người đã biết, anh Hùng có làm phim quảng cáo. Tuy nhiên, yêu cầu của anh Hùng hơi cao. Không bao giờ anh làm những phim kiểu như là quảng cáo bột giặt, sữa …Bố mẹ Yên Khê luôn lo lắng, trong hai nghệ sĩ ít nhất cũng phải có một người … bình thường chứ. Tuy vậy, Yên Khê và anh Hùng luôn nhận được sự ủng hộ, cổ vũ của bố mẹ, cho dù ông bà đều không liên quan chút gì tới điện ảnh.

Anh chị có vẻ như là không rời nhau nửa bước. Điều đó phải chăng là do cả hai cùng theo đuổi điện ảnh ?

Yên Khê biết anh Hùng từ năm 18 tuổi. Hàng chục năm như vậy, cũ quá phải không ? Yên Khê cho rằng cả hai phải nuôi dưỡng tình cảm hàng ngày, bằng những gì tươi mới. Hàng ngày khi trẻ con đi ngủ, vợ chồng lại cùng nhau uống trà, trò chuyện. Mọi việc đều đem ra bàn bạc. Yên Khê muốn nói là cả hai đều cần chịu khó, liên tục làm thế nào để người kia cảm thấy mình luôn là một ẩn số cần khám phá, phải luôn phát hiện ra những điều tốt ở nhau. Chả hạn như, anh Hùng luôn nhìn thấy sự hy sinh của Yên Khê cho gia đình, cho các con. Yên Khê dành rất nhiều thời gian cho các con. Trong nhà có bàn thờ,  có tổ chức các đám giỗ theo phong tục Việt Nam. Yên Khê và anh Hùng trò chuyện hàng ngày với hai con. Chúng không được phép xem tivi tự do, 15 tuổi mới được dùng điện thoại di động. Nếu không hy sinh những niềm vui riêng mình để dành thời gian cho các con thì sau này sẽ hối tiếc. Sống sao để không bao giờ phải nói câu tiếc quá/ giá như … Cho đến hiện giờ chúng tôi vẫn cảm thấy may mắn vì đã gặp được nhau.

Có vẻ như anh chị “cưa nhau”chủ yếu bằng những giá trị tinh thần ?

Không hẳn. Yên Khê là người để ý về chất lượng, trong mọi chuyện. Cả trong nội trợ cũng vậy. Yên Khê luôn tự đi chợ, tự lựa đồ sạch, tự nấu. Gia đình Yên Khê rất ít đi ăn tiệm. Khi các con còn bé, Yên Khê còn tự làm đậu phụ, sữa đậu nành… Ngôi nhà của Yên Khê và anh Hùng ở trung tâm Paris, có một ban công nhỏ trồng rau thơm và cà chua.

Nghe đồn rằng anh Hùng rất mê những món ăn do chị nấu ?

Yên Khê nấu nhiều món ăn Việt Nam. Đó là do may mắn có mẹ biết nấu ăn rất ngon. Giữ cho các con nét văn hóa thông qua các món ăn, đó là một sự giáo dục sâu sắc, theo Yên Khê là thế. Có lẽ bởi Yên Khê là người Đà Nẵng nên anh Hùng cũng thích nhất món mì Quảng do chính tay vợ làm.


Võ Hồng Thu
Ý kiến của bạn