Nhắc đến Trần Ðăng Khoa là nhắc đến thần đồng thi ca, cây viết lý luận phê bình và cả nhà viết văn xuôi nổi tiếng. Thế nhưng có một Trần Ðăng Khoa của báo chí. Chỉ có điều, con đường danh vọng của anh ở lĩnh vực này gập ghềnh, khúc khuỷu…
Làm “tổng biên tập” từ khi 11 tuổi
Có lẽ về lĩnh vực báo chí, Trần Đăng Khoa cũng là bậc thần đồng, quái kiệt bởi cho đến nay, chưa có một tổng biên tập nào trẻ như Khoa. Đó là vào năm 1969, khi mới 11 tuổi, Trần Đăng Khoa đã là “ông chủ” của một tờ báo có cái tên rất véo von ca hát: Chim họa mi.
Nhà thơ, nhà báo Trần Đăng Khoa.
Hãy nghe Khoa tả về một buổi họp tòa soạn rất sinh động này: “Chiều nay Tòa soạn họp - “Ở nhà bạn Thuý Giang - Chủ nhà đã sẵn sàng - Ngả ra con lợn béo - Đầu tiên nhà thơ Lộ - Tóc đỏ như râu tôm - Chưa bước vào đến cửa - Đã đọc thơ ồm ồm - Rồi đến họa sĩ Lập - Tai gài chiếc bút lông - Tay cầm quả bóng nhựa - Vừa đi vừa tung tung - Cuối cùng, nhà báo Tĩnh - Đánh một chiếc quần đùi - Anh chàng vừa đi hôi - Tay còn tanh mùi cá - Mấy nhà ngồi xuống đất - Bàn ra báo ngày mai - Nhà thơ thì nói ngắn - Nhà báo thì nói dài - Chưa bàn xong công việc - Chủ nhà đã bưng lên - Toàn là chả với nem - Những khoanh khoai lang luộc!”.
Tóm lại, theo những gì bài thơ mô tả thì Trần Đăng Khoa không chỉ là chủ bút mà còn chủ báo luôn. Một “ông chủ” rất biết “lấy lòng” cộng sự, dù chỉ với vài củ khoai luộc. Điều mà bây giờ, không phải tổng biên tập nào cũng có được.
Cứ ngỡ “tuổi trẻ tài cao”, sau khi nhập ngũ rồi đi học viết văn tận bên xứ Bạch dương, ông tổng Khoa phải thẳng đà thăng tiến. Thế nhưng sau khi học xong, về Tạp chí Văn nghệ Quân đội thì Khoa chỉ có mỗi chức phóng viên quèn, quân hàm còn thua cả ông tài xế Kiểm.
Lý do là ở cái “ngôi đền văn chương” số 4 Lý Nam Đế thủa ấy toàn những nhà văn, nhà thơ danh giá nên cỡ như thần đồng Khoa chỉ là… “con tép”, không phải lúc nào, số nào cũng được đăng bài. Song, bù lại đó cũng là thời gian mà Trần Đăng Khoa “thu hoạch” rất ổn từ nghề viết thuê cho các báo.
Viết báo xuân, mảnh đất màu mỡ
Dịp đầu năm 1999, nhà văn Lê Lựu ghé tai tôi thì thầm: “Tết này thằng Khoa kiếm hơn chục triệu đấy”. “Lão buôn hàng lậu à?”, tôi cười hỏi. “Không, nó buôn Tết, bán... mùa xuân”. Té ra, theo một nguồn tin rất… văn nghệ, dạo đó từ… mùa hè, Khoa đã lọ mọ viết vài chục bài cho toàn các tờ báo có nhuận bút khủng. Lãnh đạo các báo vừa quý, vừa thương, muốn tạo điều kiện để thi sĩ kiếm thêm thu nhập cho ngày Tết, vừa thỏa lòng độc giả nên cái khoản nhuận bút khá xôm. Mỗi bài 500 - 700 ngàn, có bài lên đến tiền triệu là chuyện không hiếm.
Tôi đến hỏi Khoa, lão cười phớ lớ: “Làm gì có của”. “Chắc thâm canh mỗi bài 4 lần chứ gì?”. “Đâu có, ai lại thế...”.
Phải thừa nhận mấy năm đó, tài lộc thi nhau đổ vào nhà lão. Chỉ tính sơ sơ riêng Chân dung và đối thoại lần đầu, NXB trả cho 5 triệu, 10 lần tái bản, mỗi lần ông Ngợi (Giám đốc NXB Thanh niên) lại lẳng lặng rút ra 2 triệu dúi vào tay lão. Độc khoản này, lão ăn kép (vì tất cả các bài đó đã đăng báo, lão tập hợp và cho in lại), bội thu khoảng 25 triệu đồng.
Không chỉ “bán văn”, Trần Đăng Khoa còn “bán đứng thi ca” bởi Khoa hay đi nói chuyện văn chương, một loại “nhuận mồm”. Mà nói chuyện văn chương, mấy ai ngồi nói mà toàn… đứng nói. Được cái, lão rất đông khách. Ngày ấy, văn chương còn có giá, nhất là các dịp mừng xuân mới hay ngày lễ, Tết… Khách khứa kéo đến nhà lão thủ thỉ: “Thôi thì trăm sự nhờ thầy giúp cho” cứ như mời thầy cúng ngày tư rằm, mồng một.
Nhớ một lần nhân kỉ niệm thành lập Quân đội Nhân dân, mấy thầy cô ở trường X lên từ ngày 3/12 “mời thầy về giúp”. Thế mà lão hẹn người ta “Ấy, thưa với các thầy, các thầy thư cho em đến ngoài 25 có được không ạ”. Cứ mỗi cuộc “Thưa thầy” như vậy là “nhà em Khoa” thu hoạch ít nhất cũng là 300 ngàn, nhiều thì 500 ngàn đến 1 triệu. Thôi thì cứ xoàng xoàng tất cả 10 triệu nữa. Vị chi năm đó, lão thu hoạch chừng 50 triệu. Theo thời giá khi đó, trị giá bằng 20 tấn thóc. Xem ra cánh đồng văn chương cũng khá màu mỡ cho tác giả Hạt gạo làng ta.
“Doanh nhân” tốt vía
Chân dung và đối thoại không chỉ mang lợi cho lão. Tính đến nay, đã có hàng trăm bài báo in, báo nói, báo hình “thâm canh”. Bình quân mỗi bài cỡ 150 ngàn thì các nhà phê bình, phóng viên văn hóa cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư đã kiếm hàng chục triệu bạc.
Ngày đó, có lần tôi hỏi một chủ sạp báo ở Hàng Trống: “Một ngày chị bán được mấy cái Chân dung...?”. “Ngày nhiều bù ngày ít cũng chừng chục cuốn”. Tức là chị bán được cỡ 300 ngàn và thu được 90 ngàn nhờ 30% phát hành phí. Một ngày kiếm gần trăm ngàn bạc từ một cuốn sách quả là số tiền không nhỏ.
Tôi đã tận mắt thấy gia đình một phạm nhân gửi “hối lộ” giám thị trại giam cả một cái Chân dung và đối thoại.
Còn 30 em ở tổ bán báo Xa mẹ một ngày bình quân mỗi em cũng bán được 4 - 5 cuốn. Tức là mỗi em có được 40 - 50 ngàn đồng/ngày. Một chú bé hí hửng khoe với tôi: “Hôm 8/3, cháu bán được 15 cuốn. Có một ông mua hẳn 5 cuốn. Cháu hỏi chú mua làm gì nhiều thế. Ông ta bảo biếu bà nội 1 cuốn, bà ngoại 1 cuốn, 1 cuốn cho vợ, 1 cuốn cho em vợ và 1 cuốn cho con gái. Rồi ông ta nháy mắt với cháu: Tao làm công tác tư tưởng đấy”.
Một hôm, một chú bé bán báo nói với tôi: “Giá các bác nhà văn cứ viết như cái Chân dung thì chúng cháu chả lo đói”. Tôi xoa đầu chú mà bảo: “Hạt gạo làng ta bây giờ cày cấy trên cánh đồng văn chương màu mỡ lắm, dễ kiếm lắm chứ chả vất vả như thời “nước như ai nấu, chết cả cá cờ…” đâu, con ạ”.
Những người làm nghề kinh doanh thường hay tin vào vía tốt. Tôi cũng tin là Trần Đăng Khoa tốt vía. Cứ cho rằng Góc sân và khoảng trời là tác phẩm văn học có giá trị (tái bản khoảng trên 50 lần, theo số liệu của Phát hành sách TP. Hồ Chí Minh, lượng bán ra vẫn đứng thứ 2 sau Từ điển, còn Chân dung và đối thoại xếp thứ 10), nhưng đến cái chuyện lão Nguyễn Viết Chộp cũng làm tăng tia-ra của tờ An ninh Thế giới thì quả là lão tốt vía vì thật tình, cái chuyện ấy phịa một cách… nhàn nhạt.
Gã cộng tác viên “như gái già kênh kiệu”?
Cái nghề viết vốn mồ hôi, nước mắt nên lão viết rất khó khăn. Mỗi lần đặt bài là một lần khốn khổ vì lão hẹn tái hẹn hồi. Có lần lão bảo: “Tôi viết khó khăn lắm ông Tám ạ”. Có lẽ đó là sự thật và bù lại, những bài của Trần Đăng Khoa đều nhiều người đọc và cũng rất đáng đọc. Có lẽ do hay và do cả cái “thương hiệu thần đồng Trần Đăng Khoa” nữa. Và cũng chính vì thế, lão như nhà buôn chuyên nghiệp, rất lo mất cái “thương hiệu” của mình.
Trở lại với con đường công danh báo chí, “đang yên đang lành” ở Văn nghệ Quân đội, vài năm lên một cấp bậc, khi về hưu có khi hàm đại tá nhưng hưởng lương tướng như các vị tiền bối thì Khoa “nhảy thếch lên” sang Đài Tiếng nói Việt Nam, làm đến chức to ngất ngưởng: Giám đốc đầu tiên của VOV tivi (phát thanh có hình).
Là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho chương trình này, nhưng chỉ vài năm, lão bỏ. Hình như lão không thích làm quan mà lại muốn làm quân?
Nhưng cái “số quan” nó không “buông” lão, giờ đây, lão lại sang Hội Nhà văn Việt Nam làm Phó Chủ tịch, song với báo chí, lão lên chức… cộng tác viên.
Nghe đâu cũng nhiều nơi “gạ gẫm” nhưng lão chỉ nhận lời có mấy nơi thân thiết, trong đó có tờ Sức khỏe&Đời sống này.
Xem ra gã cộng tác viên này “đắt sô” nhưng như đám gái già thường hay tỏ vẻ… “kênh kiệu”.
Người “cát cứ” Trường Sa thiêng liêng
Gần đây, Trần Đăng Khoa tập hợp thơ và văn xuôi viết về Trường Sa, nói tôi viết lời nói đầu cho cuốn sách. Trong đó, tôi rằng về lãnh địa, hình như với bản chất của một nông dân yêu đất đai như máu thịt nên ngay từ khi còn nhỏ, thần đồng Trần Đăng Khoa đã sớm “tư hữu” cho mình những khoảnh “điền thổ” riêng biệt dầu chỉ một “góc sân”. Lớn lên một chút, anh “xí phần” cái cánh đồng làng Điền Trì và giờ đây, anh chọn cho mình mảnh đất Trường Sa để “cát cứ”.
Trong văn đàn Việt Nam, nếu Tây Nguyên huyền bí là “vương quốc” của nhà văn Nguyên Ngọc; Trường Sơn uy nghiêm là “lãnh thổ” của nhà thơ Phạm Tiến Duật thì Trường Sa thiêng liêng thuộc “sở hữu độc quyền” của Trần Đăng Khoa.
Cho đến thời điểm này (6/2016), Trần Đăng Khoa là nhà thơ duy nhất hay nói chính xác hơn, là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam duy nhất trực tiếp cầm súng bảo vệ Trường Sa và có những trang viết đầy đủ nhất, ấn tượng, trung thực và xúc động nhất về mảnh đất nơi biên cương của Tổ quốc Việt Nam này.
Không thể nói khác, anh là người đầu tiên đặt “cột mốc” văn chương xác lập “chủ quyền cát cứ” Trường Sa…
Trong thơ cũng như trong văn xuôi, Trần Đăng Khoa không viết về Trường Sa mà anh kể chuyện về một xứ sở mang tên Trường Sa… Anh kể những câu chuyện về Trường Sa bình dị như người xưa kể chuyện Tam quốc trong các phiên chợ hay chàng thủy thủ Sinbad trong Ngàn lẻ một đêm kể về một xứ sở xa xôi…
Nếu có khác là ở đây, những nhân vật của anh như bước từ dưới biển lên trang sách rồi lại hồn hậu trở về với biển. Họ chân thực đến mức chẳng thấy đâu cái bóng dáng “nhân vật văn chương” mà trần trụi và mộc mạc như cuộc đời.
Công bằng mà nói, thơ đã mang lại cho Trần Đăng Khoa cái danh hiệu thần đồng (mà theo lời Khoa thì đó là nỗi khổ ải vì phải mang vác nó từ thủa ấu thơ cho đến tận bây giờ) còn báo chí đã làm nên một Trần Đăng Khoa lý luận phê bình và cây viết văn xuôi nổi tiếng. Tất cả những tập sách ở hai lĩnh vực này đều là những bài báo được Khoa tập hợp lại. Và kỳ lạ thay, cuốn tiểu thuyết Đảo chìm làm nên tên tuổi Trần Đăng Khoa trong văn xuôi cũng là tập hợp từ những bài anh viết cho các báo theo… đặt hàng.